| Hotline: 0983.970.780

Thuần hóa 'thủy quái' sông Đà

Thứ Ba 18/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Người ta thường nói, tới Lai Châu mà chưa được nếm thử miếng cá lăng, cá chiên sông Đà thơm ngon đặc trưng nơi đây thì coi như chưa đến Lai Châu.

Empty

Nắng sớm chiếu xuống thủy điện Lai Châu tạo nên một khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Con cá xóa đói, giảm nghèo

Một ngày mới lại đến trên rẻo cao Tây Bắc. Những tia nắng sớm cuối tháng 3 vàng như mật, len lỏi qua màn sương trắng muốt trên đỉnh núi rừng để “rót” xuống mảnh đất Lai Châu.

Người ta thường nói rằng, đến nơi đây mà chưa được nếm thử miếng cá lăng, cá chiên sông Đà thơm ngon đặc trưng nơi đầu nguồn thủy điện thì coi như chưa đến Lai Châu.

Đi theo lời mời gọi đầy khơi gợi và hấp dẫn ấy, chúng tôi tìm đến xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nơi ở của ông Lê Văn Vũ, Giám đốc HTX Long Vũ, người được cho là sở hữu nhiều cá lăng chấm, một loài cá đặc hữu của sông Đà, nhất nhì Việt Nam.

Tiếp đón chúng tôi trên chiếc thuyền gắn máy nhỏ, ông Vũ vừa rẽ từng con nước trên đầu nguồn thủy điện Lai Châu, vừa chia sẻ, xã Mường Mô có 10 bản, khoảng 700 hộ dân, với đa số thuộc diện tái định cư ở thủy điện Lai Châu.

Empty

Mô hình nuôi cá lồng khai thác được tiềm năng từ mặt hồ thủy điện Lai Châu. Ảnh: Tùng Đinh.

Mường Mô là một trong những địa phương đi đầu của huyện Nậm Nhùn khi khai thác được tiềm năng, lợi thế mặt nước của lòng hồ thuỷ điện với diện tích trên 1.000 ha để phát triển nuôi cá lồng. Hiện tại toàn xã có 291 lồng cá của nhiều hộ dân và 2 HTX Long Vũ và HTX Thanh niên Mường Mô. Chính vì vậy, nguồn thu nhập từ thủy sản, cụ thể là nuôi cá lòng hồ, là hướng đi chính giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

“Ngoài những loài cá như trắm, chép, người dân nuôi cá tại đầu nguồn thủy điện Lai Châu, đầu nguồn sông Đà còn tận dụng được nguồn nước sạch, nước chảy xiết để nuôi những loài cá đặc sản như cá lăng chấm, cá lăng đuôi đỏ, cá chiên”, ông Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, một lợi thế khác cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư. Hơn thế nữa, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng.

Theo ông Vũ, để nuôi các loại cá, đặc biệt là cá đặc sản đạt hiệu quả cao, thứ nhất là phải có sự đầu tư xứng đáng, thứ hai là phải biết cách chăm sóc, có như vậy cá mới phát triển và cho thu nhập tốt.

Empty

Ông Lê Văn Vũ, người được cho là sở hữu nhiều cá lăng chấm, một loài cá đặc hữu của sông Đà, nhất nhì Việt Nam. Ảnh:Tùng Đinh.

"Hàng ngày phải kiểm tra cá. Nếu sức khỏe cá có dấu hiệu yếu là phải xử lý ngay. Nếu lồng bị bẩn phải chuyển cá sang lồng mới rồi vệ sinh lồng sạch thật, phơi khô, sau đó mới chuyển cá lại. Chế độ ăn thì hoàn toàn bằng tự nhiên. Chúng tôi thường thu mua cá bà con đánh bắt trên sông về để cho cá ăn. HTX Long Vũ nuôi 30 lồng cá trên thượng nguồn sông Đà, mỗi năm đưa ra thị trường tổng hơn 20 tấn cá các loại, đặc biệt là 5 - 7 tấn các loại cá đặc sản nơi đây như cá lăng, cá chiên…”, vị Giám đốc HTX cho hay.

Trợ lực cho người nuôi cá lồng

Cũng nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Lai Châu hơn 3 năm nay, gia đình ông Vũ Văn Quân, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, có khoảng 10 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá lăng, cá trạch, cá nheo. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng từ việc nuôi và bán các loại cá này.

Empty

Nguồn thu nhập từ nuôi cá lòng hồ giúp người dân Lai Châu nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhằm góp phần giúp những người nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Lai Châu như ông Vũ, ông Quân cải thiện kỹ thuật, tiếp cận thị trường, nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con.

Theo đó, để tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế gần 4.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thuỷ điện thuộc địa phận của thị trấn Nậm Nhùn, xã Mường Mô và Nậm Chà, bên cạnh tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân, huyện Nậm Nhùn đã chú trọng triển khai, lồng ghép các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và động lực cho người dân, cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất.

Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện Nậm Nhùn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hỗ trợ bà con làm lồng cá. Đồng thời, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến liên kết và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Huyện cũng khuyến cáo người nuôi ưu tiên các loại cá chất lượng cao để mang lại hiệu quả kinh tế.

Empty

Chính quyền địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nuôi cá lòng hồ. Ảnh: Tùng Đinh.

Cùng với đó, huyện Nậm Nhùn cũng khuyến khích các HTX nuôi cá lồng chú trọng phát triển thêm các loại dịch vụ trên khu vực nuôi; gắn phát triển nuôi trồng thuỷ sản với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Không những tạo điểm nhấn cho du lịch của huyện mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Chú trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Theo Kế hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đã ban hành, công tác bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên nhằm duy trì, phát triển đa dạng sinh học, khai thác nguồn lợi một cách bền vững và nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản được xem là mục tiêu hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý các đối tượng vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục cấm; những loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và người dân về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Empty

Khai thác nguồn lợi một cách bền vững và nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản được Lai Châu xem là mục tiêu hàng đầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương sẽ tăng cường điều tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện công tác xác định và đánh giá hiện trạng các bãi đẻ trứng, nơi cư trú, đường di cư, phân bố của các loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cần phải bảo tồn như cá chiên, cá lăng, cá ngạnh, cá chày… cũng như đánh giá trữ lượng các loài, trữ lượng khai thác. Từ đó đề xuất công tác quản lý và xác định khu vực cấm khai thác.

Đồng thời, tỉnh Lai Châu cũng sẽ tiến hành thu thập về số liệu ngư cụ sử dụng trong khai thác nguồn lợi thủy sản từ đó đề xuất quy định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.

Đặc biệt, mỗi năm tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức thả bổ sung từ 1.500 - 1.800 kg các loại giống thủy sản như các loài cá truyền thống (chép, trắm cỏ, mè, trôi…) và một số loài cá có giá trị kinh tế, loài đặc hữu của địa phương (cá chày, cá chiên, cá lăng, cá trắm đen…) vào thủy vực tự nhiên như sông, hồ chứa thủy điện để khôi phục khả năng tự tái tạo, lấy lại sự cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, hiện địa phương đang liên kết với một số đơn vị chế biến, bảo quản nhằm hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản phẩm đầu ra. Ngoài cá tươi nguyên con, sắp tới những hộ nuôi cá sẽ có thể phát triển thêm sản phẩm cá phi-lê, giúp tăng thời gian vận chuyển đường dài.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất