Huyện Đông Hưng (Thái Bình) là một huyện thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 14.000 ha. Trong đó, đất trồng lúa hơn 11.300 ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt gần 150.000 tấn/năm.
Sau dồn điền, đổi thửa đã khắc phục được một phần tình trạng thửa đất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán của các hộ gia đình, cá nhân. Số lượng thửa đất giảm, quy mô thửa đất lớn hơn tạo điều kiện thuận lợi để hộ nông dân cải tạo đồng ruộng, đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất kinh doanh trên diện tích đất được giao.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy mô hình mọi người, mọi nhà đều sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu.
Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn huyện Đông Hưng có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp (các hộ này thường cho mượn ruộng không thu khoán, thậm chí còn đóng sản cho các hộ sản xuất); 20% có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng và 20% hộ nếu giá thuê ruộng hợp lý thì sẽ thỏa thuận cho thuê ruộng; còn 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất để tạo lương thực, thực phẩm để phục vụ gia đình. Thực thế này dẫn đến nhiều xã có hiện tượng ruộng bỏ hoang không tổ chức gieo cấy.
Trước tình hình đó, huyện Đông Hưng đã khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất nhất là các diện tích bị bỏ hoang để đưa cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất/ha đất nông nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha. Trong đó, hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên là 67 hộ; từ 10 ha trở lên có 17 hộ; tích tụ từ 20 ha/hộ có 1 hộ. Đa số các tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc BVTV.
Từ đó, góp phần giảm diện tích bỏ ruộng hoang hóa trên địa bàn huyện. Năm 2018 diện tích bỏ ruộng hoang là 400 ha, đến năm 2023, diện tích bỏ hoang còn 35 ha chủ yếu ở chân quẩn ven làng, cạnh khu công nghiệp, chuột bọ phá hại, nước thải ô nhiễm, khu trũng máy móc không vào được.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Đông Hưng, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn như diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Việc liên kết tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn ít và hiệu quả chưa cao.
Người dân vẫn có tư tưởng sợ mất ruộng đất nên giữ đất không cho thuê, không cho mượn. Việc tích tụ ruộng đất mang tính tự phát, khi tích tụ không thành vùng nên khó khăn trong việc quản lý và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Các hộ tích tụ thiếu vốn đầu tư sản xuất, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước không nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn nên việc đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật trọng sản xuất còn gặp khó khăn.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thái Bình có trên 1.700 hộ có diện tích canh tác từ 2ha trở lên.
Trong đó, hộ có diện tích lớn nhất là bà Trần Thị Lanh (70ha) - Trưởng thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (Kiến Xương). Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hoá bằng máy cấy ngày càng tăng lên.
Trên phạm vi toàn tỉnh, tỷ lệ cấy bằng máy đã đạt 18%. Trong đó, huyện Đông Hưng là một điển hình với diện tích cấy bằng máy đạt trên 40%.
Theo ông Thụy, xu thế phát triển nông nghiệp ở Thái Bình hiện nay đang dần định hình theo 3 hướng. Thứ nhất, một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực khác. Họ không tiếp tục cấy lúa nên nhượng lại cho người khác bằng hình thức cho thuê hoặc cho mượn. Ngoài ra, cũng có trường hợp không canh tác nhưng không cho người khác thuê, mượn, để cỏ mọc hoang.
Xu hướng thứ hai là những hộ thu gom ruộng của người không có nhu cầu gieo cấy để hình thành hộ đại điền. Xu hướng thứ ba cũng bắt đầu xuất hiện, đó là một số hộ đại điền gom đất vào để hình thành nên hợp tác xã (HTX) như HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh (có hơn 10 thành viên góp đất để tập trung 100ha canh tác lúa)…
Sớm nhận biết được những xu thế này, Thái Bình đang đẩy mạnh các giải pháp để khuyến khích thành lập các HXT theo hình thức tự nguyện, bởi đây mới là mô hình thực chất, mang lại hiệu quả cao. Mô hình này được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp đã được triển khai thành công.
Bên cạnh đó, về cơ chế hỗ trợ tập trung ruộng đất, đối với các hộ có ruộng nhưng không gieo cấy, nếu cho người khác thuê lại để sản xuất nông nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm từ nguồn ngân sách tỉnh. Những xã đứng lên vận động tuyên truyền người dân để tập trung đất đai, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, trên cơ sở hình thành các tổ nhóm, Thái Bình có cơ chế hỗ trợ 50% chi phí đầu tư máy sấy và máy cấy (không quá 40 triệu đồng/máy). Bởi thực tế, rất nhiều hộ cấy hàng chục ha lúa, nếu không có máy sấy, máy cấy thì rất khó khăn sau khi thu hoạch.
Nhằm giới thiệu, tìm những giải pháp để khuyến khích, tháo gỡ những khó khăn giúp mô hình đại điền tại Thái Bình nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung phát triển, ngày 4/4, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Tuần lễ Hợp tác xã nông nghiệp - Chào mừng 77 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam”, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN-PTNT Thái Bình sẽ tổ chức Diễn đàn trực tiếp và trực tuyến “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”.
Quý vị tham dự trực tiếp qua zoom theo địa chỉ sau:
https://zoom.us/j/96215171333?pwd=RmRGaUpBSzc2TythYjZFU24yNUx2Zz09
ID cuộc họp: 962 1517 1333
Mật mã: 202304