Sản xuất thu hẹp
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ trung bình mỗi tuần của HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (huyện Tam Dương) đạt trên 10 tấn, không chỉ cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc mà còn có mặt tại Hà Nội.
Nhưng khi các trường học cho học sinh nghỉ, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, sản phẩm không tiêu thụ được, sản lượng tiêu thụ của HTX đã giảm tới 2/3, chủ yếu là bỏ đất trống, chỉ thu hoạch các loại rau củ đang có rồi bán ra chợ để thu lại một phần vốn, công sức bỏ ra mà không thể bù lại chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
"Do thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là cho một số doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm cho các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp ở thành phố Hà Nội và một số thương lái lớn trên địa bàn tỉnh, nên khi các hoạt động phải tạm dừng để bảo đảm phòng chống dịch đã khiến doanh thu của hợp tác xã giảm gần 70%, đời sống của các thành viên gặp rất nhiều khó khăn". Bà Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX chia sẻ.
Thống kê của Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc, trong tổng số 230 hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh, có khoảng 50 hợp tác xã phải dừng hoạt động bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Không chỉ các HTX lao đao, những tháng gần đây, ngành chăn nuôi, đặc biệt nuôi lợn của tỉnh cũng đang chịu những tổn thất nặng nề khi giá thức ăn chăn nuôi đang tỷ lệ nghịch với giá lợn xuất chuồng.
Ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch chia sẻ, trang trại rộng hơn 10.000m2 của gia đình nuôi hơn 200 con lợn nái và 2.000 lợn thịt, chủ yếu xuất cho thương lái ở huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thương lái phải tạm dừng mọi hoạt động thu mua nên giá thịt lợn dù giảm xuống mức kỷ lục còn 51.000 - 52.000 đồng/kg vẫn khó xuất bán. Với giá mỗi bao cám tăng giá 30.000 - 40.000 đồng so với vài tháng trước đó, trung bình mỗi ngày, chi phí bỏ ra cho trang trại tốn cả trăm triệu đồng, chịu lỗ là điều không tránh khỏi.
Vận dụng nhiều giải pháp
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định trong những tháng còn lại của năm 2021, song song với công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất đúng khung thời vụ, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang phối hợp với ngành Công thương, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối, bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo hình thức bán hàng online.
Cụ thể, đối với các sản phẩm chủ lực của các địa phương, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh đầu tư cơ sở sơ chế, chú trọng xây dựng thương hiệu để có được những sản phẩm gắn sao OCOP, qua đó, giúp các mặt hàng nông sản dễ dàng thâm nhập vào các kênh tiêu thụ lớn.
Ngành Nông nghiệp cũng chủ động, nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nguyên liệu, thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, đa dạng sản phẩm, nâng thời gian bảo quản sản phẩm, xuất khẩu dễ dàng, tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm nhập lậu trái phép có giá rẻ gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.