| Hotline: 0983.970.780

Thực hiện Luật trồng trọt: Loay hoay 'tìm chủ' cho giống xã hội hóa

Thứ Năm 15/12/2022 , 06:45 (GMT+7)

Xử lý ra sao đối với những giống cây trồng đã được xã hội hóa là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn tại hội thảo về triển khai Luật Trồng trọt.

Ngày 14/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội thảo “Triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt”.

Trả lại giống cho "chính chủ" là việc nên làm

Tại hội thảo, Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh cho rằng: Việc công nhận lưu hành lại giống cây trồng thể hiện giống đó là của tác giả hay tổ chức, cơ quan, tác giả cụ thể. Do đó, các giống trước khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời (2005) không thể làm bảo hộ thì đến nay việc trả lại cho "chính chủ" cũng là việc nên làm.

Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng quảng Ninh cho rằng, việc trả lại giống cho tác giả là việc nên làm. Ảnh: Trung Quân.

Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Theo bà Hồng, hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp giống ra đời nhưng không ít doanh nghiệp thiếu năng lực sản xuất, thuần túy mua đi bán lại. Một số giống như Khang dân 18, Q5... mỗi đơn vị chọn tạo ra một dạng khác nhau, sau đó tự công nhận chất lượng rồi đưa ra thị trường mà không có sự giám sát, quản lý của tác giả, cơ quan tác giả. Hậu quả là khi giống đến tay nông dân không đảm bảo chất lượng, thị trường thì “vàng thau lẫn lộn”.

Bà Hồng cho rằng, việc thực thi Luật Trồng trọt không có gì khó khăn, ngược lại, luật tạo ra khí thế mới cho công tác giống, góp phần đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh giống luôn gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đứng tên chứng nhận lưu hành. Từ đó, giúp đảm bảo tính đồng nhất, ổn định, giá trị canh tác và sử dụng của giống.

Đồng thời, luật giúp cho các chủ thể thống nhất lại với nhau để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất giống để các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cùng nhau phát triển.

Luật tạo ra sự công bằng, không có phân biệt đối xử, đây cũng là nguyên tắc cơ bản của hội nhập quốc tế, giúp nông dân thực sự được hưởng lợi. Các tác giả, cơ quan tác giả có giống được công nhận trước khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời được bù đắp lại công sức để có nguồn lực tiếp tục công tác nghiên cứu, chọn tạo ra những giống mới chất lượng phục vụ sản xuất.

Không thống nhất chỉ đạo, doanh nghiệp lúng túng

Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông lâm nghiệp Tuyên Quang cho hay: Công ty hiện đang cung ứng giống lúa Sán ưu 63 và Nhị ưu 63 cho người dân tỉnh Tuyên Quang. Qua nhiều năm sản xuất, hai giống này thể hiện tính thích ứng cao, người dân vẫn tin dùng, nhất là trong vụ xuân. Trong cơ cấu giống của tỉnh, những giống này vẫn được xếp vào nhóm chủ lực trong cơ cấu cây lương thực.

Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công Ty Cổ phần Giống vật tư nông lâm nghiệp Tuyên Quang đề nghị các cơ quan quản lý sớm thống nhất chỉ đạo để doanh nghiệp thuận lợi sản xuất kinh doanh giống. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông lâm nghiệp Tuyên Quang đề nghị các cơ quan quản lý sớm thống nhất chỉ đạo để doanh nghiệp thuận lợi sản xuất kinh doanh giống. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Tuy nhiên, nếu theo quy định mới, đến 31/12, những giống này sẽ không còn được lưu hành vì chưa rõ ai sẽ là người thực hiện việc công nhận lại. Bởi lẽ, giống Sán ưu 63 và Nhị ưu 63 được công nhận từ năm 2001, lâu nay vẫn được xem là tài sản chung của quốc gia. Do đó, nếu hết thời hạn mà không công nhận lại được thì bỗng dưng chúng ta đang có một tài sản quốc gia, đang sử dụng tốt, có thể đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ"?

Bên cạnh đó, việc chưa xác định được rõ ràng chủ thể công nhận lại, sẽ gây bất lợi cho hoạt động của công ty. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2022 - 2023, Công ty đã nhập về khoảng 100 tấn giống, sẵn sàng cung ứng cho người dân. Tuy nhiên, thời vụ chưa tới, việc công nhận lại vẫn đang bùng nhùng, trả lại giống không được mà qua 31/12 tiếp tục cung cấp cho người dân thì sai luật; rất dễ bị các cơ quan chức năng, quản lý ở địa phương xử phạt.

Do đó, ông Tuyển đề nghị Cục Trồng trọt sớm có ý kiến hoặc văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thống nhất việc chỉ đạo để doanh nghiệp thuận lợi lưu hành, cung cấp tiếp hai giống lúa này phục vụ người dân.

Cần sớm có văn bản hướng dẫn cho địa phương

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình nêu ý kiến: Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chắc chắn phải thực hiện việc quản lý theo luật. Câu chuyện đặt ra là để chuẩn bị giống cung cấp cho vụ xuân sắp tới thì tất cả giống đều được các doanh nghiệp sản xuất trong năm 2022, như vậy là vẫn đang hợp pháp.

Tuy nhiên, khi bước sang đầu năm 2023, lúc này giống đã về tới các đại lý ở địa phương mà chưa được công nhận lưu hành lại thì sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý. Bởi nếu thông cảm cho doanh nghiệp, cho phép kinh doanh buôn bán tiếp ở địa phương thì vô hình chung cơ quan quản lý nhà nước làm sai luật, để vi phạm diễn ra trên địa bàn mình quản lý.

IMG_7972

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình cho rằng nếu không sớm thống nhất các quy định thì các đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương khó triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Còn nếu áp dụng đúng theo quy định của luật để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp vẫn kinh doanh, buôn bán giống thì sẽ khó cho doanh nghiệp, vì chính họ cũng đang lúng túng. Do đó, đề nghị phải sớm có văn bản hướng dẫn để cơ quan quản lý nhà nước địa phương thuận lợi triển khai nhiệm vụ.

Mặt khác, tỉnh Ninh Bình đến hết năm 2022 có tới 75% là giống lúa chất lượng cao, trong đó hai giống lúa chiếm tỷ trọng cao là giống LT2 và Bắc thơm số 7 thì đến hiện tại vẫn chưa được công nhận lưu hành lại. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn.

Theo ông Tuấn, hiện nay tỉnh Ninh Bình đang thực hiện Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trong khi, hai giống lúa này chưa có quyết định công nhận lưu hành lại thì tỉnh không giám đưa vào danh mục hỗ trợ, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân vẫn rất lớn. Xa hơn, nếu không sớm có hướng dẫn, Ninh Bình sẽ không dám đưa hai giống này vào cơ cấu giống, như vậy có thể dẫn tới tỷ trọng lúa chất lượng cao của tỉnh sẽ sụt giảm.

Xem xét công nhận đặc cách cho giống "vô chủ"

Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, Luật Trồng trọt được xây đựng đúng trình tự thủ tục và được thông qua với tỷ lệ tán thành cao (98%). Tuy nhiên, do quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý này sang cơ chế quản lý khác có những vướng mắc do quy định của hệ thống pháp luật cũ và mới chưa được đồng nhất nên khi triển khai còn một số điểm khiến các đơn vị còn băn khoăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Như Cường (giữa)

Từ phải sang: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo; ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt và ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Tuy nhiên, luật đưa ra thường có tính bao trùm, phổ quát trên diện rộng, không thể đi vào từng nội dung cụ thể, trường hợp cá biệt, không phổ biến. Do đó, trong quá trình triển khai, Cục Trồng trọt đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện rất chặt chẽ, đúng theo quy định. Tất cả các văn bản dưới luật cũng đều được thực hiện đúng theo quy định.

Theo ông Cường, một giống không phải tự nhiên "trên trời rơi xuống", mà phải bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết, kinh phí để nghiên cứu, chọn tạo. Do đó, khi xây dựng luật, đã nghiên cứu kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tác giả, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, người dân; hài hòa với những điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Đối với những giống trước khi luật có hiệu lực mà không thuộc về tác giả nào, chỉ được Bộ NN-PTNT đồng ý đưa vào sản xuất, thì sẽ tiến hành phối hợp với một Sở NN-PTNT ở một tỉnh làm thủ tục công nhận đặc cách. Những giống có cá nhân hoặc tập thể đứng ra đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành thì chủ thể đó phải tiến hành công nhận lại, nếu không thì phải có văn bản để đưa giống đó vào diện đặc cách.

Cần sớm có giải pháp tình thế trước mắt

Đại diện Công ty Cổ phần Tập Đoàn ThaiBinh Seed kiến nghị: Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 của Luật Trồng trọt về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng là không phù hợp với thực tiễn.

Để giải quyết vướng mắc, trước mắt đề nghị Cục Trồng trọt báo cáo Chính Phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn về mặt điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các giống cây trồng đã hết thời gian bảo hộ hoặc chưa từng được bảo hộ theo hướng: Cho phép tất cả các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện về năng lực sản xuất (có hệ thống máy móc, thiết bị, nhân lực...) có thể kinh doanh đối với giống cây trồng đã hết thời gian bảo hộ hoặc chưa từng được bảo hộ.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.