Thị trường rộng mở
Trong những tháng còn lại của năm 2021, thị trường xuất khẩu tôm nhìn chung đang khá thuận lợi. Hầu hết các thị trường chính của tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vacxin diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19.
Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… đang từng bước được mở cửa trở lại ở nhiều thị trường. Vì vậy, mảng dịch vụ thực phẩm sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung, tôm nói riêng ở các hệ thống, chuỗi dịch vụ thực phẩm.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại là lợi thế cạnh tranh cùa ngành tôm Việt Nam với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề.
Đi vào phân khúc sản phẩm tôm chế biến sâu, ngành tôm Việt Nam sẽ tránh được sự cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ từ Ấn Độ và Ecuador vốn có thế mạnh về tôm xuất khẩu tôm thô hoặc tôm sơ chế nhờ vào nguồn tôm nguyên liệu dồi dào và giá rẻ. Như vậy, nhu cầu của thị trường hiện nay cũng đã tạo điều kiện nhất định cho ngành tôm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu, qua đó tiếp tục giữ được thị trường, thị phần của mình ở những thị trường quan trọng.
Đặc biệt, thông tin từ một số chuyên gia ngành tôm cho hay, nguồn tôm dự trữ trong kho ở nhiều thị trường quan trọng hiện không còn nhiều, trong bối cảnh các dịp lễ hội lớn đang đến gần như Giáng sinh, đón năm mới 2022. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm ở các thị trường quan trọng sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm.
Trong khi đó, dịch Covid-19, thời tiết… đã ảnh hưởng tới nguồn cung tôm ở nhiều nước xuất khẩu hàng đầu. Tại Ấn Độ, nguồn cung tôm cỡ lớn đang rất thiếu do thời tiết xấu và chất lượng con giống đã ảnh hưởng tới quá trình nuôi trong những tháng qua. Nguồn cung tôm chân trắng ở nước này cũng giảm do dịch bệnh trong tháng 7 và tháng 8. Nếu không sớm cải thiện, nhiều khả năng việc thiếu hụt tôm nguyên liệu ở Ấn Độ còn kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Ở Ecuador, chi phí sản xuất và xuất khẩu tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu tôm. Các nước có trình độ chế biến sâu từ con tôm tương đương với Việt Nam là Thái Lan, Indonesia… cũng đều bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19.
Với những yếu tố như trên, nguồn cung tôm trên phạm vi toàn cầu trong những tháng cuối năm dự báo giảm. Do đó, giá tôm sẽ tăng lên, nhất là với tôm cỡ lớn do thiếu hụt nhiều so với nhu cầu.
Giữ an toàn cho nhà máy
Thị trường thuận lợi là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, việc xuất hiện nhiều ca nhiễm, ổ dịch mới tại các tỉnh ĐBSCL, trong đó, có không ít ca nhiễm, ổ dịch tại các nhà máy chế biến thủy sản, đang gây áp lực không nhỏ cho các nhà máy chế biến tôm trong việc đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất.
TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho biết, chỉ khi dịch không còn lây lan mất kiểm soát, doanh nghiệp mới an tâm tập trung cho công việc chính, khôi phục sản xuất. Trong khi đó, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm mũi 1 vacxin ở ĐBSCL còn khá thấp. Do đó, điều quan trọng lúc này là cần đẩy mạnh tiêm đủ vacxin cho người lao động trong toàn chuỗi sản xuất tôm.
Cũng theo TS Hồ Quốc Lực, trong mấy ngày qua liên tục phát hiện ca F0 trong quá trình tầm soát của các doanh nghiệp chế biến tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Như vậy, các doanh nghiệp không thể chủ quan, bởi thực tế cho thấy có lao động đã tiêm hai mũi hơn hai tháng vẫn mắc bệnh. Có lao động kiểm tra hôm trước âm tính, hôm sau lại có kết quả ngược lại.
Vì vậy, ông Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có đủ phương tiện, điều kiện kiểm tra xét nghiệm, qua đó, tiến hành tầm soát y tế cho tất cả người lao động của mình một cách chặt chẽ và chu đáo. Theo diễn biến tình hình dịch bệnh, có thể phải tăng tầng suất tầm soá để giữ vững sự an toàn cho nhà máy. Thậm chí, doanh nghiệp nên trang bị cho mình máy xét nghiệm Realtime PCR, vì chỉ kiểm qua thiết bị này độ chính xác mới bảo đảm.
Doanh nghiệp phải có bộ phận thường xuyên phân tích các mối nguy mà dịch bệnh có thể lẻn vào nhà máy, tương tự phân tích mối nguy trong HACCP mà các doanh nghiệp đều biết. Trong đó, cần chú ý tới đội ngũ lái xe đường dài của doanh nghiệp. Việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, thực phẩm… vào bên trong doanh nghiệp, tốt nhất, phải qua vùng đệm để hạn chế tối đa tiếp xúc, hạn chế lây lan.
Ông Lực cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay việc bảo đảm an toàn là hàng đầu. An toàn mới sản xuất. Quan điểm này là xuyên suốt, lâu dài đến khi có chuyển biến mới về tác động của Covid-19.
Khi dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát và vacxin chưa phủ khắp, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tôm nói riêng cần hết sức khẩn trương, coi trọng việc giữ vững sự an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức, tiền của nhưng vô cùng cần thiết, không thể lơi tay, coi nhẹ.
Song song đó, phải theo dõi diễn biến tình hình nhu cầu, năng lực các quốc gia là đối thủ để chúng ta biết người, biết ta mà có chiến lược, bước đi phù hợp cho hoàn cảnh mình làm sao đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.
Xuất khẩu tôm dần phục hồi từ tháng 10
Sau mấy tháng chững lại do dịch bệnh Covid-19 xuất khẩu tôm đang dần phục hồi và có tiềm năng tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, dù giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 do dịch bệnh, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng nhẹ khi đạt 2,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn nhất và có mức tăng trưởng tốt nhất khi đạt 775 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cấp tôm đứng thứ 4 về lượng và thứ 5 về trị giá cho thị trường Mỹ.
Đứng thứ 2 của xuất khẩu tôm Việt Nam là Nhật Bản với 413 triệu USD. Tiếp theo là EU 408 triệu USD, Trung Quốc - Hồng Kông 298 triệu USD, Hàn Quốc 261 triệu USD.
Tôm thẻ chân trắng tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành tôm Việt Nam, với giá trị xuất khẩu hơn 2,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Tiếp đó là tôm sú với 422 triệu USD, tôm biển 208 triệu USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát, nhờ vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam dần phục hồi kể từ tháng 10/2021.
Quý 4 là thời điểm nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Âu, Mỹ… ở mức cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm. Bên cạnh đó, ngành tôm còn được hỗ trợ bởi giá tôm trên thị trường đang có xu hướng tăng. Giá tôm nguyên liệu tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia có xu hướng tăng do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.