| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản chớp cơ hội cuối năm: [Bài 1] Làm không hết việc

Thứ Năm 04/11/2021 , 09:09 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nhưng 3 nhà máy của Công ty CP Thủy sản Bình Định duy trì sản xuất không nghỉ ngày nào từ nay đến tết làm không hết việc.

Đơn hàng rất nhiều

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho biết, từ tháng 5 đến tháng 9, thời gian Bình Định bùng phát dịch Covid-19 đợt thứ 4, hơn 1.000 công nhân của 3 nhà máy chế biến thủy sản của BIDIFISCO vẫn duy trì hoạt động xuyên suốt không nghỉ ngày nào. Nhờ vậy, đến nay BIDIFISCO mới cơ bản giải quyết được những đơn hàng xuất khẩu thủy sản năm nay.

 BIDIFISCO thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

 BIDIFISCO thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

"Năm nay công ty được giao kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 65 triệu USD, tính đến hết tháng 9 chúng tôi đã thực hiện được 50 triệu USD. Suốt 5 tháng nay, 3 nhà máy chế biến thủy sản của chúng tôi đều thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", hơn 1.000 công nhân bám trụ nhà máy để làm việc, không ai về nhà.

Hiện toàn bộ công nhân của công ty đã hoàn tất tiêm vacxin Covid-19 mũi 1 nên  hoạt động sản xuất sẽ được thuận lợi hơn. Còn 3 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt từ 18 - 20 triệu USD nữa. Dù năm nay phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu vượt kế hoạch được giao”, bà Cao Thị Kim Lan chia sẻ.

Cũng theo bà Lan, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của BIDIFISCO chủ yếu là cá ngừ đại dương, loại cá này chiếm đến 80% trong tổng lượng hàng xuất khẩu hàng năm của công ty. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 50%, kế đến là thị trường châu Âu chiếm 40%, còn lại được xuất sang thị trường Trung Đông.

Hiện nay, thế giới gần như đã phủ sóng vacxin Covid-19, hoạt động kinh tế dần hồi phục và khởi sắc, theo đó nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản của thị trường cũng tăng mạnh. Thêm vào đó, ở các nước là thị trường chủ đạo tiêu thụ mặt hàng thủy sản của công ty như Mỹ và châu Âu người dân sắp mừng lễ Noel và ăn tết dương lịch, nên sức tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, thị trường Mỹ có sức tiêu thụ mạnh nhất, trong năm nay thị trường Mỹ ăn mạnh nhất mặt hàng cá ngừ đại dương của công ty. 

"Đơn hàng mà công ty đã nhận của khách hàng từ nay đến cuối năm còn rất nhiều, phải làm miệt mài mới mong đáp ứng được nhu cầu”, bà Cao Thị Kim Lan cho hay.

Đầu tháng 8 năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, đây là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với các nước trong Liên minh châu Âu, trong đó có mặt hàng thủy sản.

BIDIFISCO xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

BIDIFISCO xuất khẩu cá ngừ đại dương nguyên con sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, hơn 1 năm qua, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi, khi xuất khẩu vào thị trường các nước trong Liên minh châu Âu, thuế quan sẽ được giảm dần về 0% theo lộ trình của EU tùy từng thời điểm, trong đó có mặt hàng thủy sản.

Đó là điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định có cơ hội cạnh tranh với các nước trên thế giới, nhất là với những nước đã được hưởng ưu đãi này từ trước đến nay.

"Thuế quan giảm về mức 0% đã cho chúng tôi cơ hội cạnh tranh giá cả với các nước khác, theo đó, lượng hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu tăng trưởng mạnh, nhất là đối với những mặt hàng cao cấp. Trước đây, những sản phẩm phải chịu mức thuế cao công ty chúng tôi không dám xuất vào thị trường châu Âu, vì sợ cạnh tranh không lại với các nước khác.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì những mặt hàng này có cơ hội tăng lượng hàng xuất khẩu, bởi khi thuế còn 0% thì chúng tôi có cơ hội cạnh tranh, theo đó, hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc hơn”, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, chia sẻ.

Vượt khó

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn tổ chức sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động.

Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định) là đơn vị chuyên xuất khẩu tôm sang các thị trường Hàn Quốc, Philippines và châu Âu với lượng hàng xuất khẩu hơn 1.000 tấn/năm. 5 tháng vừa qua, thời gian dịch Covid-19 hoành hành, công ty vẫn duy trì cho hơn 200 công nhân hoạt động để đảm bảo hoàn thành những đơn hàng từ nay đến cuối năm.

"Trong thời gian qua, công nhân ở những vùng không bị giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 thì chúng tôi tổ chức sản xuất theo hình thức “1 cung đường 2 điểm đến”.

Công nhân ở những vùng giãn cách thì chúng tôi tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, lao động làm việc, ăn ở tại nhà máy để vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo công tác công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hầu hết công nhân của công ty đều ở TP Quy Nhơn và hiện đã được tiêm vacxin Covid-19 mũi 1 nên việc duy trì sản xuất được thuận lợi hơn trước đây", ông Bành Quang Hạ cho hay.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn là tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn là tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hầu hết sản phẩm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn là tôm thẻ chân trắng, trong khi đối tượng này phải còn đến 4 năm nữa mới được hưởng ưu đãi giảm thuế quan xuống còn 0% theo Hiệp định EVFTA, đây là khó khăn của công ty này hiện nay.

"Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là lập tức tôm sú được hưởng ngay ưu đãi giảm thuế quan xuống còn 0%, thế nhưng tôm thẻ chân trắng phải 5 năm sau mới được hưởng ưu đãi này. Trong khi mỗi năm chúng tôi xuất khẩu sang thị trường thế giới hơn 1.000 tấn tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Bởi, đặc thù của nghề nuôi tôm ở miền Trung là hầu hết ngư dân đều nuôi thẻ chân trắng chứ không còn nuôi tôm sú như trước đây. Khi chưa được hưởng ưu đãi giảm thuế quan xuống còn 0%, mặt hàng tôm thẻ chân trắng của chúng tôi mất sức cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu”, ông Hạ chia sẻ.

Dù gặp không ít khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong năm qua Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn đã nỗ lực vượt khó để đảm bảo sản xuất.

“Từ nay đến cuối năm 2021 đơn hàng của chúng tôi còn khá nhiều. Hiện các hoạt động kinh tế ở Bình Định đang dần hồi phục trong trạng thái bình thường mới, tùy diễn biến từng giai đoạn chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất phù hợp để hoàn thành kế hoạch sản xuất trong năm nay”, ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn cho hay.

Chuyển hướng thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương

Nếu như trước đây châu Âu là thị trường lớn nhất trong xuất khẩu cá ngừ đại dương của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định thì nay đã chuyển sang thị trường Mỹ.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định xấp xỉ 60 triệu USD, riêng mặt hàng cá ngừ đại dương chiếm đến 50 triệu USD. Trước đây, thị trường châu Âu chiếm tới 70% tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp này, thị trường Mỹ chiếm 20% và các thị trường khác chiếm 10%. Thế nhưng thời gian gần đây, thị trường Mỹ đã thu hút đến 50% lượng cá ngừ đại dương xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, thị trường châu Âu giảm xuống còn 40% và các thị trường khác 10%.

Theo TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, sản lượng khai thác thuỷ sản trong 9 tháng đầu năm 2021 của Bình Định đạt 208.732 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ, riêng cá ngừ đại dương đạt 8.906 tấn. Sản phẩm cá ngừ đại dương của Bình Định được tiêu thụ nội tỉnh và thị trường trong nước rất ít, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường thế giới.

Ở Bình Định có Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định xuất khẩu mạnh mặt hàng này. Những tháng cuối năm đã hết mùa đánh bắt cá ngừ đại dương, thế nhưng những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng này không bao giờ thiếu nguyên liệu. Bởi, khi nhận được đơn hàng là họ chủ động dự trữ nguyên liệu.

Trong mùa đánh bắt chính, họ thu mua mạnh cá ngừ đại dương rồi dự trữ trong kho cấp đông. Vả lại, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương có mối liên kết rất chặt chẽ, doanh nghiệp này cần hàng thì doanh nghiệp kia xuất kho cấp đông san sẻ ngay.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.