El Nino duy trì tới đầu năm 2024
Theo nhận định của ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85 - 95%. Trên lưu vực sông Mê Kông được dự báo ít có khả năng xuất hiện mưa lớn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức thấp. Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL.
Còn theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ cuối tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, mực nước sông Mê Kông xuống dần. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn trên một số nhánh sông có khả năng tương đương với mùa khô năm 2015 - 2016 và thấp hơn mùa khô 2019 - 2020.
Qua đó, ông Lê Đình Quyết khuyến cáo các địa phương và người dân trên khu vực cần có những biện pháp để chủ động và giảm thiểu các rủi ro do thời tiết gây ra. Cụ thể, dự trữ nước ngọt trong sinh hoạt và trong sản xuất, chủ động trong việc xuống giống sớm để né hạn, mặn.
Bài học kinh nghiệm phòng, chống thiên tai ở Bến Tre
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, qua công tác phòng chống, ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, tỉnh Bến Tre đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo tình hình xâm nhập mặn, trong đó chú trọng thực hiện dự báo sớm, dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động.
Đồng thời, phải bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn. Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt.
Song song đó, nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện ngay trong mùa mưa để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và chăn nuôi trong mùa hạn mặn.
Hơn nữa, phải huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình phòng chống hạn mặn, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh. Hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ thiệt hại để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất.
Đặc biệt, một trong những kết quả nổi bật nhất của tỉnh Bến Tre trong công tác phòng chống hạn mặn thời gian qua đó là phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt" do Tỉnh ủy phát động năm từ năm 2016.
Cụ thể, tỉnh vận động mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn. Phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để thực hiện trữ nước ngọt trong từng xóm, ấp và từng xã. Khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện tự trang bị thêm dụng cụ trữ nước đủ để ăn uống, sinh hoạt trong mùa hạn mặn.
Tỉnh Bến Tre đề xuất, kiến nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn hàng năm để các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó.