| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Nông dân khấm khá nhờ mô hình trồng ớt

Thứ Bảy 02/01/2021 , 08:35 (GMT+7)

Toàn xã Bình Ninh (Tiền Giang) có khoảng 1.800 hộ dân, nhờ mô hình trồng ớt mà tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1%, thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/năm.

Những năm qua, mô hình trồng cây ớt ở tỉnh Tiền Giang cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh cây ớt nổi tiếng của Tiền Giang. Mô hình này đã giúp cho nhà nông nơi đây thoát khỏi cảnh khó khăn vươn lên khá, giàu.

Nhiều hộ dân ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang khá lên nhờ mô hình trồng ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều hộ dân ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang khá lên nhờ mô hình trồng ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Bình Ninh, gia đình ông Nguyễn Văn Tranh ở ấp Bình Hưng Hạ rất phấn khởi vì trúng mùa ớt. Ông Tranh cho biết, 4 công ruộng trồng cây ớt của gia đình đã cho thu hoạch 3 đợt, giá cao nhất là 110.000 đồng/kg và thấp nhất là 80 nghìn đồng/kg. Năm nay, giá ớt đạt kỉ lục nên nông dân địa phương lãi to.

“Ở cánh đồng Bình Ninh cây ớt chiếm 90%. Năm nay, đầu ra, giá cả ngon rồi, cao nhất 110 nghìn đồng. Hiện nay là 80 nghìn đồng. Nếu giá 30 nghìn đồng trở lên có lãi ngon rồi. Ở đây, hồi đó giờ trồng cây ớt không, mua xe cộ, nhà cửa đều nhờ cây ớt”, ông Tranh phấn khởi.

Cây ớt đã bén rễ trên vùng đất Bình Ninh gần 20 năm qua, chủ yếu trồng dưới chân ruộng. Đây là vùng đất thấp ven sông Tiền, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây ớt phát triển. Lúc đầu, chỉ từ vài chục ha đến nay nông dân đã nhân rộng hơn 300 ha. Cây ớt dần trở thành cây màu chủ lực của địa phương.

Được sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, đa số nông dân trồng ớt đạt năng suất, chất lượng cao. Đối với các loại giống ớt như: Chánh Phong, Sen Hồng…. nông dân trồng đạt năng suất mỗi vụ đạt đến 1 tấn/ ha. Gần đây, giá trái ớt ổn định ở mức cao nên, thu nhập từ mô hình trồng ớt cao hơn lúa hay các loại hoa màu khác gấp nhiều lần.

Năm nay, bình quân mỗi vụ trồng ớt, nông dân thu lãi gần 500 triệu đồng/ha. Ông Đỗ Đông Hòa, nông dân trồng 2.000 m2 cây ớt cho biết, với diện tích này nếu trồng lúa hay hoa màu khác chỉ đủ ăn nhưng nhờ trồng cầy ớt cuộc sống gia đình đã khắm khá, mỗi năm có lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Hà chia sẻ: Ở đây, cây ớt rất ngon, tốt, đất phù hợp với cây ớt lắm. Đầu ra thì năm nay giá đắt suốt luôn. Từ đầu vụ đến cuối vụ, lãi khá hơn các loại hoa màu kia. Kỹ thuật thì dân ở đây là ô-kê rồi.

Mô hình trồng ớt trên đất ruộng giúp nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình trồng ớt trên đất ruộng giúp nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cho biết: Mô hình trồng ớt thương phẩm cho hiệu quả rất cao, rất thích hợp với biến đổi khí hậu. Toàn xã hiện có khoảng 1.800 hộ dân, nhờ mô hình trồng ớt mà giảm còn hơn 1% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/năm. Xã Bình Ninh đã được công nhận xã nông thôn mới. Hướng tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục vận động người dân duy trì và phát triển diện tích ớt, xem đây là cây hoa màu chủ lực của địa phương.

Cây ớt là cây màu chủ lực, là một trong những cây hiệu quả nhất, mà trong những năm qua ở Bình Ninh đem lại thu nhập cho người dân rất cao. Vùng đất này cao trình thấp nên cây ớt rất chịu. Quy hoạch trồng cây ớt trên cơ sở diện tích hiện có, thời gian tới còn 20 ha đất lúa còn lại UBND xã sẽ vận động nhân dân chuyễn đổi sang cây ớt hay cây màu ngắn ngày gắn với với vườn dừa, ông Tài chia sẻ.

Cây ớt dưới chân ruộng tại xã Bình Ninh cũng như nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhà nông đổi đời và là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, ở các vùng đất ven biển, cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang đang nhân rộng diện tích cây màu ngắn ngày này để né hạn mặn và cho thu nhập cao.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.