| Hotline: 0983.970.780

Tiền lương- Bài toán khó nhất của Việt Nam

Thứ Năm 06/10/2011 , 09:57 (GMT+7)

Các chuyên gia cho rằng, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động.

Các chuyên gia cho rằng, mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Phạm Minh Huân thừa nhận, tiền lương đang là một trong những bài toán khó khăn nhất của Việt Nam.

Theo quy định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất: Vùng 1 là 2 triệu đồng; vùng 2 là 1,78 triệu đồng; vùng 3 là 1,55 triệu đồng; vùng 4 là 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mức lương hiện tại áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực trong đời sống của người lao động.

Tại Hội thảo chính sách tiền lương tối thiểu – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam do Bộ LĐ, TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB-XH, Phạm Minh Huân cho biết, đầu năm 2011 Bộ đã thực hiện điều chỉnh lương theo đúng quy luật, nhưng vào thời điểm hiện nay, do chỉ số CPI tăng quá cao, ảnh hưởng mạnh đến đời sống của người dân nên Chính phủ đã đồng ý với chủ trương của Bộ trình tiếp phương án điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp một đợt nữa trong năm nay. Tuy nhiên, đây sẽ là mức điều chỉnh sớm của năm 2012, tức là sang đến đầu năm sau sẽ không tiếp tục thực hiện tăng lương nữa.

Đại diện Vụ Lao động – Tiền lương của Bộ LĐ, TB-XH, nhận định: Theo Điều 56, Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động là hết sức khó khăn, luôn biến động, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội quốc gia, vùng. Về loại hình, hình thức, Bộ luật Lao động qui định mức LTT chung, LTT vùng, LTT ngành, song trên thực tế mức LTT ngành chưa có qui định cụ thể và tổ chức đại diện cấp ngành chưa đầy đủ nên chưa thực hiện được.

Về cơ chế áp dụng, qui định lương công chức, viên chức (nhân với hệ số lương) cũng như nhiều chế độ phí, trợ cấp xã hội (tỷ lệ trên LTT chung) gắn với mức LTT chung làm cho quá trình điều hành LTT theo luật định khó khăn do phụ thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước. Điều này dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức có xu hướng ngày càng thấp so với giá cả thị trường.

Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, sau nhiều lần điều chỉnh và lựa chọn phương án LTT ở mức thấp đã dẫn đến khoảng cách giữa LTT và mức sống tối thiểu ngày càng rộng ra. Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức của người lao động đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và đình công gia tăng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp FDI. Theo thống kê, từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra khoảng 200 cuộc đình công và 80% trong số đó đều có nguyên nhân từ tiền lương, tiền thưởng.

Có thể nói, LTT khu vực DN FDI và DN trong nước được hợp nhất và điều chỉnh từ ngày 1/10 là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên, mức điều chỉnh đó cũng chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. 

Thực tế đã xảy ra từ rất lâu nay, lương chưa tăng thì giá đã tăng vọt từ trước đó, khiến đời sống người lao động càng khó khăn. Có chuyên gia đã đưa ra nhận định, nếu cứ thực hiện mãi “bài ca” tăng lương đuổi theo giá thì chỉ là một vòng luẩn quẩn? 

Để trả lời câu hỏi này, ông Phạm Minh Huân cho rằng đây là câu chuyện của cả thế giới không chỉ riêng chúng ta. Vấn đề lương và giá luôn là mối quan hệ biện chứng khó có thể tách rời, luôn đuổi bắt nhau. Nếu nói là vòng luẩn quẩn, cho tôi hỏi ngược lại, ai có biện pháp gì để tách riêng vấn đề lương và giá.

Như hiện nay, nếu giá tăng mà lương không tăng thì đời sống người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, lương công nhân chỉ 2 triệu, nhưng mấy ngày nay đi chợ mọi thứ vật phẩm đã tăng giá tăng đến 20% mà lương vẫn chỉ thế. Vậy họ giải quyết ra sao, chỉ còn cách hạ thấp mức sống xuống nữa. Cứ để thế, người lao động sẽ không chịu nổi, nên Chính phủ buộc phải yêu cầu tăng lương, đủ để họ mua được ngần đó thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các địa phương cũng cần có những hành động cụ thể giúp bình ổn đời sống người lao động. Như TP HCM  đang thực hiện vận động bình ổn giá bán hàng ở nhiều siêu thị; vận động 65 nghìn hộ có nhà trọ không tăng giá, đó cũng là bình ổn xã hội. Rất tiếc là chưa có nhiều địa phương thực hiện được như TP HCM. Cùng đó, vấn đề quản lý vĩ mô từ Chính phủ cũng là điều thiết yếu để ổn định thị trường. Hiện nay, CPI đang tăng quá cao.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất