| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục quản lý bảo vệ 42.000ha rừng ven biển thuộc dự án FMCR

Thứ Năm 31/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Khẳng định mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ và giữ rừng, Ban quản lý cam kết phân bổ, bố trí nguồn lực để duy trì hoạt động ngay cả khi kết thúc dự án.

Các đại biểu tham gia trồng rừng ngập mặn tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ khi phát động Dự án FMCR vào tháng 12/2019 tại Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đại biểu tham gia trồng rừng ngập mặn tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ khi phát động Dự án FMCR vào tháng 12/2019 tại Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Phải hoàn thành trước 31/12

Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, thực hiện từ năm 2019 đến 31/12/2023 và thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ven biển là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Nội dung đầu tư chính của dự án gồm trồng, phục hồi rừng; xây dựng các công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi trồng rừng; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa; đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Với mục tiêu cải thiện quản lý rừng ven biển tại các tỉnh thuộc vùng dự án, nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng, dự án phân rõ cơ chế tài chính. Trong đó, các hoạt động trồng, phục hồi rừng thuộc nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT.

Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động xây dựng, nâng cấp công trình, cơ sở hạ tầng, công nghệ và đóng mốc giới… do địa phương vay lại và UBND tỉnh làm chủ quản đầu tư. Thẩm quyền phê duyệt thuộc Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đồng thuận của WB.

Về cơ chế thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố là chủ quản dự án thành phần thuộc địa phương, chịu trách nhiệm toàn bộ về trình tự, thủ tục phê duyệt và các bước thực hiện diễn ra tại địa phương bao gồm đấu thầu, thi công, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán...

Ban Quản lý dự án Trung ương (CPO Lâm nghiệp) chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và đôn đốc.

Tính đến tháng 8/2023, qua rà soát, nắm bắt hồ sơ, thủ tục, CPO Lâm nghiệp đánh giá, các địa phương cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và của nhà tài trợ.

Theo kế hoạch, các tỉnh, thành phố sẽ phải hoàn thành các công trình quyết toán bàn giao sử dụng  trước 31/12/2023. Nếu công trình nào không hoàn thành trước thời điểm này, UBND các địa phương phải bố trí nguồn kinh phí khác để thực hiện. 

Dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon gấp 4 lần rừng trên đất liền. Ảnh: Tùng Đinh.

Dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon gấp 4 lần rừng trên đất liền. Ảnh: Tùng Đinh.

Điểm sáng trồng rừng

Dự án khởi động tháng 12/2019, nhưng do dịch bệnh và bão lũ xảy ra trong hai năm liên tiếp 2020, 2021, tính đến tháng 8/2023, Dự án FMCR mới triển khai được 20 tháng. Tuy bị rút ngắn hai năm làm việc, tương đương hơn một nửa thời gian triển khai, dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, bao gồm cả công tác chuẩn bị đầu tư, so với dự án điều chỉnh.

Đặc biệt, điểm sáng của FMCR là công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong năm 2022 là năm triển khai chủ yếu, dự án trồng gần 3.000ha rừng phòng hộ ven biển, trong khi hàng năm cả nước trồng khoảng 3.500ha.

Tính tổng cộng từ khi triển khai, dự án đã đóng góp gần 4.000ha cho Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 1662/QĐ-TTg ban hành ngày 4/10/2021.

Khẳng định mục tiêu xuyên suốt của FMCR là bảo vệ rừng ven biển, Ban quản lý dự án cam kết bố trí nguồn lực để duy trì quản lý bảo vệ 42.000ha rừng ngập mặn ven biển thuộc vùng dự án sau năm 2023. Đây cũng là cơ sở để tạo các dải rừng phòng hộ ven biển cho 8 tỉnh, thành phố nhằm bảo vệ các công trình, tài sản, cơ sở hạ tầng dân sinh trong Kế hoạch phòng chống thiên tai, góp phần tăng khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững dựa vào cộng đồng, phương thức triển khai trồng rừng của dự án tập trung sử dụng cộng đồng địa phương để thực hiện. Do đó, dự án đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình đang sinh sống phụ thuộc vào rừng thông qua các gói sinh kế, tập huấn kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất. Đồng thời, dự án còn đóng góp nhiều mặt cho ngành giao thông, thủy lợi, chương trình nông thôn mới bằng việc nâng cấp các công trình đường giao thông nông thôn, hệ thống đê kè trên địa bàn các xã dự án. “Thành quả này là sự cố gắng nỗ lực của toàn bộ các thành viên liên quan tham gia dự án”, đại diện Dự án FMCR chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.