| Hotline: 0983.970.780

Tiếp vụ lật thuyền, 5 bà cháu thiệt mạng: Chất chứa nỗi buồn một dòng sông

Thứ Tư 17/08/2022 , 10:52 (GMT+7)

Khi sợ hãi, đứa trẻ thường tìm đến mẹ để ẩn náu nhưng lần này thì không. Cả 5 bà cháu bị lật thuyền chìm xuống sông và không có phép màu nào xảy ra.

Gia đình Ly Seo Dìn nhận cú sốc lớn khi mất cả bà lẫn cháu. Ảnh: H.Đ.

Gia đình Ly Seo Dìn nhận cú sốc lớn khi mất cả bà lẫn cháu. Ảnh: H.Đ.

Bà địu cháu ra sông lái thuyền

Xã Bản Mế của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) vốn bình yên, không chỉ bởi là nơi xa nhất, còn khó khăn và ít người đặt chân đến. Rồi chuyện kinh hoàng đã xảy ra, chấn động xóm núi khi 5 bà cháu sang sông thì bị lật thuyền.

Trong đó, 2 người lớn, 3 đứa trẻ đã bị sông Chảy cuốn đi. Xác suất cho sự may mắn là rất thấp khi việc tìm kiếm kéo sang ngày thứ hai, bởi ngoài 2 người lớn, thì những đứa trẻ quá nhỏ bé không thể tự cứu mình. Khi sợ hãi, chúng sẽ tìm đến mẹ che chở nhưng lần này thì không.

“Em đang đi công an nghĩa vụ ở tỉnh. Vợ em đi làm dưới tận Hải Phòng. Ở nhà chỉ có bà cháu trông nhau. Hôm đó, con lớn ngủ trong nhà, còn bà địu đứa bé để đưa bà bác cùng 2 đứa cháu sang bên nhà thông gia chơi ở Na Lốc. Thuyền bị lật. Mẹ em chưa bao giờ chở khách qua sông. Cái thuyền đó, bình thường chỉ có em đi không hiểu sao hôm đó bà lại xuống lái thuyền, Ly Seo Dìn 22 tuổi ở thôn Cốc Dế, xã Bản Mế kể lại.

Vợ của Dìn thì ngồi một góc thất thần, ôm khư khư đứa con lớn như để nó không vuột khỏi tay, không để xảy ra một sự mất mát nào nữa. 

“Em mới đi làm xa được mấy tháng thôi. Hôm qua, em đang đi làm thì người nhà gọi điện báo tin con mất. 8h tối em về đến nơi, chỉ kịp nhìn mặt lần cuối rồi mang cháu đi chôn luôn”, vợ Dìn chia sẻ.

Sau khi tìm thấy xác của đứa bé, gia đình Ly Seo Dìn làm ma cho cháu ngay ngoài sân. Vì theo phong tục của người Mông không được cho vào nhà vì kiêng kị. 

“Không được giữ lại gì của con, chôn con xong cũng không được lên thăm mộ nữa. Đấy là phong tục người Mông. Tang ma đều do bố em lo liệu còn 2 vợ chồng em cũng khó khăn chưa lo được gì”, Lý Sẹo Dìn nói.

Cũng theo Dìn, chờ tìm được xác của mẹ, chôn cất xong thì làm ma khô cho cả bà lẫn cháu. Theo phong tục của người Mông, sau khi chôn cất 12 ngày sẽ làm ma khô để linh hồn người đã khuất được siêu thoát, về với tổ tiên và phù hộ cho gia đình.

Khung cảnh sau đám ma của gia đình một nạn nhân trong vụ lật thuyền. Ảnh: H.Đ.

Khung cảnh sau đám ma của gia đình một nạn nhân trong vụ lật thuyền. Ảnh: H.Đ.

Huy động tổng lực để tìm kiếm

Cũng theo phong tục địa phương, do đuối nước, nên bà con không để lâu, chỉ làm thủ tục một vài giờ là mang người thân đi mai táng. Việc tổ chức đám ma của bà con người Mông cũng không rềnh ràng, không kèn trống. Thậm chí, khi vào nhà không tinh ý cũng khó nhận ra gia đình đang trải qua chuyện không may, nhưng không khí u buồn vẫn bao trùm. 

Sau khi làm ma, những thành viên trong gia đình, họ hàng ngồi lại uống với nhau chén rượu, ăn bữa cơm để cùng nhau san sẻ nỗi buồn…

Từ đầu huyện, người ta đã biết vụ chìm thuyền thương tâm, số phận dường như là một điều gì đã định trước nhưng đối mặt với nó vẫn quá nghiệt ngã. Từ tỉnh lộ 153 rẽ xuống thôn Cốc Dế của xã Bản Mế, đường hun hút, một bên vách đá dựng đứng, một bên bờ sông vực thẳm. Xe vào ra khác hẳn ngày thường.  

“Sau khi nhận được thông tin về 5 nạn nhân mất tích, đuối nước tại sông Chảy đoạn qua Bản Mế, Ban Chỉ đạo huyện đã triển khai lực lượng công an, bộ đội, dân quân cùng người dân tham gia tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân. Cho đến nay, đã huy động tổng lực 70 - 80 người để tìm kiếm các nạn nhân. Các lực lượng nỗ lực ngày đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích trong thời gian sớm nhất, ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết.

Thuyền máy, thiết bị lặn, thiết bị dò tìm, dây móc chài cá của người dân địa phương đã được huy động để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật thuyền. Trong đó, có nhiều thuyền đi dọc sông để tìm kiếm các nạn nhân song cũng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

"Vụ lật thuyền là mất mát rất lớn đối với người dân trong thôn, người dân cùng với đội tìm kiếm cứu nạn của huyện của xã để tìm kiếm các nạn nhân sớm đưa họ về cho gia đình để làm ma chay theo phong tục địa phương, ông Hảng Seo Phử, người dân trong thôn Cốc Dế cho biết.

Thôn Cốc Dế, xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) tĩnh lặng sau vụ việc lật thuyền khiến 5 người tử vong. Ảnh: H.Đ.

Thôn Cốc Dế, xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) tĩnh lặng sau vụ việc lật thuyền khiến 5 người tử vong. Ảnh: H.Đ.

Hạn chế rủi ro thấp nhất khi xảy ra tai nạn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh đã có mặt tại hiện trường vụ lật thuyền, chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức để tìm kiếm nạn nhân. Đồng thời, ông đã đến động viên, an ủi, chia sẻ mất mát đối với những gia đình có người bị nạn; đề nghị cấp ủy, chính quyền và các ngành của huyện Si Ma Cai, xã Bản Mế cần quan tâm, hỗ trợ các gia đình nạn nhân để họ phần nào vơi đi những đau thương mất mát, ổn định cuộc sống.

Được biết, liên tiếp trong thời gian chưa đầy 1 tuần, 2 vụ việc nghiêm trọng làm thiệt mạng 6 người xảy ra tại Lào Cai. Trước khi xảy ra vụ lật thuyền lúc 8h50 sáng 15/8, thì một tai nạn khác là học sinh V.Đ.D (sinh năm 2007, trú tổ 16, phường Pom Hán, TP Lào Cai) bị nước lũ cuốn trôi cùng xe đạp điện khi đi qua đập tràn làng Dạ, xã Cam Đường (TP Lào Cai) vào sáng 12/8. Cả 2 vụ việc trên đều hết sức thương tâm.

Ghi nhận tại khu vực sông Chảy đoạn qua xã Bản Mế, nơi xảy ra vụ lật thuyền không có biển cảnh báo đường thủy. Việc di chuyển trên sông của người dân ở thôn Cốc Dế hoàn toàn tự phát và diễn ra từ lâu nay. 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vì điều kiện sông suối, lòng hồ chưa đủ để công bố tuyến luồng đường thủy. Chúng tôi mong nhân dân khi sử dụng các phương tiện để làm ăn, đi lại hết sức lưu ý tránh thời điểm mưa lũ, con nước to đặc biệt khi lưu thông nên có phương tiện cứu sinh đi cùng để hạn chế rủi ro tai nạn không may xảy ra. 

Cũng theo tìm hiểu của PV, khái niệm tai nạn giao thông đường thủy nội địa được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014, cụ thể như sau: Tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường.  

Và vụ tai nạn không nằm trên luồng đường thủy (chưa có luồng vì chưa công bố) và không có đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện. 

Tuy nhiên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng nên có những cảnh báo, tuyên truyền cho người dân khi lưu thông trên những khu vực như vậy, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.