Tây Nguyên là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất nước. Tính đến tháng 5/2017, diện tích hồ tiêu toàn vùng lên đến 72.000 ha. Cụ thể, tỉnh Đăk Lăk có gần 28.000 ha hồ tiêu vượt diện tích quy hoạch hơn 12.500 ha, tỉnh Đăk Nông gần 25.000 ha vượt 14.000 ha, tỉnh Gia Lai 16.400 ha vượt hơn 10.000 ha.
Mùa hồ tiêu 2018 ở Tây Nguyên dự báo nông dân tiếp tục thiệt hại kép |
Cây tiêu tỏ ra khá phù hợp khí hậu vùng Tây Nguyên, năng suất bình quân đạt 31,4 tạ/ha, sản lượng hơn 120.000 tấn, giá trị do hồ tiêu đem lại luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời mở ra cơ hội làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân.
Theo các đại lý thu mua tiêu, hiện giá hồ tiêu trên địa bàn từ 65.000 - 66.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ. Ngoài việc giá rớt thê thảm, do mưa kéo dài trong năm 2017 nên không thể tiến hành cắt nước nhằm kích hoa cho hồ tiêu, khiến cho nhiều vườn tiêu dễ bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh.
Giá tiêu thế giới giảm, bên cạnh đó do thừa nguồn cung nên thời gian tới giá hồ tiêu dự báo có thể giảm thêm nữa. Bên cạnh đó, một thời gian dài, giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, trong khi giá các sản phẩm nông nghiệp khác giảm mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng hồ tiêu làm diện tích loại cây này tăng mạnh, nguồn cung dồi dào.
Theo các doanh nghiệp, không chỉ giảm mạnh về giá, hạt tiêu đang gặp áp lực tiêu thụ. Nguyên nhân là do tiêu Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh lớn của hạt tiêu Brazil. Trong khi tại Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch rộ hồ tiêu, sản lượng vụ cũ vẫn còn, cộng với sản lượng từ vụ mới, khiến cho giá hạt tiêu đầu năm 2018 vẫn giậm chân tại chỗ.
Ngoài giá hồ tiêu thấp, nông dân Tây Nguyên còn phải đối mặt với năng suất tiêu giảm mạnh do thiên tai, sâu bệnh. Bà Lê Thị Minh, xã Ea Lai, huyện M’Drắk, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Năm nay quả là đáng buồn, mưa bão đã làm hơn 700 trụ tiêu chuẩn bị thu hoạch ngập úng, gẫy đổ hơn 100 trụ. Diện tích trụ tiêu bị ngã đổ phần lớn không thể phục hồi, số còn lại bị ngập úng dẫn tới bệnh vàng lá, rụng đốt và héo dần”.
Nhìn ở mặt tích cực, cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, đã và đang góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân, trong đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu nhờ cây tiêu. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đối mặt với nhiều thách thức và đnag phát triển thiếu bền vững, diện tích hồ tiêu phát triển nóng, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn tiêu bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh…
Vì vậy, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới… để dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ KHKT, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm chi phí vật tư đầu vào.