| Hotline: 0983.970.780

Tìm về 'mật khu' căn cứ năm xưa!

Thứ Bảy 15/05/2021 , 07:45 (GMT+7)

'Chiến khu Đ còn, Sài Gòn sẽ mất' câu nói mà chính quyền Mỹ ngụy từng truyền tai nhau, thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng của kẻ thù…

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm vùng đất “gian nan mà anh dũng” chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam đặt tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Vùng đất 'gian nan mà anh dũng' chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam đặt tại xã Mã Đà, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ảnh: MV.

Vùng đất “gian nan mà anh dũng” chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng lớn của miền Nam đặt tại xã Mã Đà, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ảnh: MV.

Trước mắt chúng tôi, vùng chiến khu Đ được bao trùm bởi rừng nguyên sinh á nhiệt đới, cây hỗn giao, nhiều tầng mọc dày đặc. Không khó bắt gặp những họ cây cổ thụ tán rộng như cây kơ-nia, cây gõ, cây sao. Càng vào sâu, chúng tôi càng cảm nhận được chiến khu Đ như một nơi ẩn mình tuyệt vời trước sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù năm xưa.

Chiến khu Đ - chiến khu đỏ, chiến khu đầu tiên, chiến khu Đất Cuốc,… chính là những cái tên mà nhiều tài liệu lịch sử đã lý giải cho một vùng căn cứ có ý nghĩa quan trọng đối với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại miền Nam. Đối với nhiều người, “mật danh Đ” đã quá quen thuộc, chỉ cần nhắc đến 3 chữ chiến khu Đ, người ta nghĩ ngay đến khu vực đóng quân của cách mạng miền Nam.

Vùng chiến khu Đ được bao trùm bởi rừng nguyên sinh á nhiệt đới, cây hỗn giao, nhiều tầng mọc dày đặc. Ảnh: MV.

Vùng chiến khu Đ được bao trùm bởi rừng nguyên sinh á nhiệt đới, cây hỗn giao, nhiều tầng mọc dày đặc. Ảnh: MV.

Chiến khu Đ được hình thành từ năm 1946, khi tướng Huỳnh Văn Nghệ quyết định thành lập căn cứ tại một địa điểm vừa tốt về vị trí địa lý, vừa bảo đảm thuận về nguồn lương thực cho quân khởi nghĩa. Chiến khu Đ đáp ứng đủ những điều kiện mà cách mạng cần một trong những “mật khu” căn cứ, là bàn đạp tấn công các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: “Ngày xưa trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, do sự phong phú của hệ động thực vật ở đây đã cung cấp nguồn thực phẩm cho bộ đội. Ngoài ra, các loài thực vật cũng là dược liệu, các loại thuốc để phục vụ công tác chữa bệnh cho đội quân cách mạng”.

Theo ông Phước, tại khu rừng này có rất nhiều loài thực vật quý, đặc biệt có một loài từng gắn liền trong ký ức của những người cựu binh về những năm tháng tuổi trẻ gian khổ nhưng đầy tự hào, đó chính là củ chụp.

Đồng thời, cây trung quân là loài thực vật điển hình khi nhắc đến chiến khu Đ, bởi cây này không chỉ là một loại dược liệu dùng để chữa bệnh sốt rét cho bộ đội mà còn là chất liệu để lợp mái nhà cho căn cứ cách mạng. Đồng thời, lá trung quân khó bắt lửa và không tạo khói, giúp ích rất nhiều trong việc che giấu căn cứ.

Vai trò của người đồng bào dân tộc Chơ ro và Stieng rất quan trọng trong việc nuôi quân ở căn cứ chiến khu Đ. Nhà dài của làng dân tộc Chơ ro đã được xây dựng từ thời Già làng Năm Nổi ở vùng chiến khu Đ, đến nay đang được gìn giữ làm điểm di tích tham quan. Ảnh: MV. 

Vai trò của người đồng bào dân tộc Chơ ro và Stieng rất quan trọng trong việc nuôi quân ở căn cứ chiến khu Đ. Nhà dài của làng dân tộc Chơ ro đã được xây dựng từ thời Già làng Năm Nổi ở vùng chiến khu Đ, đến nay đang được gìn giữ làm điểm di tích tham quan. Ảnh: MV. 

Qua câu chuyện của những nhân chứng lịch sử có mặt ở căn cứ khu ủy miền Đông, từ những ngày đầu có thể thấy vai trò của người đồng bào dân tộc Chơ ro và Stieng rất quan trọng trong việc nuôi quân ở căn cứ chiến khu Đ.

Với bản tính thật thà, tối kỵ sự thất tín phản bội, đồng bào dân tộc một khi đã giác ngộ thì lòng tin trở nên sắt đá và phục vụ sự nghiệp đến cùng. Bên cạnh đó, những nông dân và công nhân các đồn điền cao su thời bấy giờ cũng là những người sớm giác ngộ cách mạng và góp phần nuôi quân cho lực lượng ở chiến khu Đ.

Với những đặc điểm thiên nhiên cũng như vùng đất và con người, Chiến khu Đ là nơi hội tụ đủ 3 yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Cũng vì thế, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chiến khu Đ trở thành căn cứ chiến lược của cách mạng ở Nam Bộ nói chung và miền Đông Nam Bộ nói riêng. Điển hình là sự ra đời của Khu ủy miền Đông vào tháng 2 năm 1961. 

Khoảnh khắc không quên

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Minh Tân (Hai Tân), nguyên cán bộ thông tin liên lạc Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (hiện đang ở phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), đúng lúc ông đang chuẩn bị chương trình họp mặt nhân dịp 30/4 và kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam (1961 - 2021).   

Ông Tân hào hứng kể về kỷ niệm với những người đồng đội 'tình sâu nghĩa nặng' trong thời hoạt động ở chiến khu Đ thật sự xúc động. Ảnh: MV.

Ông Tân hào hứng kể về kỷ niệm với những người đồng đội “tình sâu nghĩa nặng” trong thời hoạt động ở chiến khu Đ thật sự xúc động. Ảnh: MV.

Mặc dù đã ở độ tuổi ngoài “thất thập” nhưng nhìn ông còn rất khỏe và tinh thần minh mẫn. Chúng tôi nghe ông hào hứng kể về kỷ niệm với những người đồng đội “tình sâu nghĩa nặng” trong thời hoạt động ở chiến khu Đ rất cuốn hút và thật sự xúc động.

Ông có khoảng 10 năm gắn bó với chiến khu Đ, khi tham gia vào cách mạng từ năm 1961, ông được điều lên căn cứ phục vụ các Ban Khu ủy và làm liên lạc cho Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ Mai Chí Thọ.

Thời điểm đó, cuộc kháng chiến ác liệt nhất (từ năm 1961-1968) khi đế quốc Mỹ mở nhiều cuộc càn quét nhằm tiêu diệt sinh lực của ta.  Trong chiến khu rừng núi âm u, ánh sáng mặt trời cũng khó xuyên qua, dưới đất thì rất nhiều rắn rết, sên, vắt, muỗi… với những bữa ăn chỉ có rau rừng, củ chụp thay cơm mà vẫn lạc quan yêu đời, giữ một niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Cán bộ chiến sĩ sốt rét la liệt trong tình trạng thuốc men bị thiếu và liên tục đối mặt với các trận bom B52 của Mỹ.

Đến năm 1965, tình hình càng ác liệt hơn, nhưng ông cùng đơn vị phải ra chiến trường thành lập các phân khu tấn công vào Tết Mậu Thân (Sài Gòn), cụm đài thông tin liên lạc phục vụ cho Trung ương Cục miền Nam. Năm 1972, đơn vị ông quay về thành lập lại Khu ủy miền Đông trong điều kiện lương thực thực phẩm thiếu thốn muôn phần.   

Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt, khi ngày nào địch cũng trút bom B52 xuống chiến khu Đ. Ảnh: MV.

Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt, khi ngày nào địch cũng trút bom B52 xuống chiến khu Đ. Ảnh: MV.

Ông còn nhớ rõ ngày 10/3/1966, khi cả đơn vị đang chuẩn bị tổ chức lễ 8/3 cho chị em phụ nữ thì địch rải bom B52 phủ lên căn cứ, khiến 8 người bị thương, trong đó có 2 người bị nặng nhất đã hy sinh.

“Tôi không thể quên được hình ảnh đồng chí Phạm Văn Xem dù bị thương rất nặng nhưng anh đã từ chối băng bó vết thương cho mình và nói rằng vết thương tôi quá nặng chắc không qua khỏi, hãy để dành số bông băng này cho những anh em khác nhẹ hơn. Đảng phí tháng 3 tôi vẫn chưa đóng, các anh em hãy lấy sinh hoạt phí tháng này để đóng giúp tôi”, ông Tân xúc động kể.

Ký ức 60 năm trước chợt ùa về trong đôi mắt đã không còn tỏ tường của ông Tân, đó cũng chính là khoảnh khắc khiến ông nhớ nhất vì hành động và nghĩa cử cao đẹp của người đồng đội đáng kính trọng. Câu chuyện đó cũng là một trong số rất nhiều hình ảnh đẹp về tình đồng đội tình đồng chí, tình yêu dành cho Đảng, cho đất nước ở chiến khu Đ.

Trong kháng chiến, mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đều phải chuyển xuống hầm được che chắn bằng gỗ chắc và cây khô để tránh các loại đạn pháo của địch. Ảnh: MV.

Trong kháng chiến, mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đều phải chuyển xuống hầm được che chắn bằng gỗ chắc và cây khô để tránh các loại đạn pháo của địch. Ảnh: MV.

Từ năm 1969 - 1971, tình hình chiến khu ngày càng khó khăn, ác liệt hơn, ngày nào máy bay B52 của Mỹ cũng trút bom xuống chiến khu Đ. Địch sử dụng triệt để các loại chất độc hóa học làm trụi lá cây, gây khó khăn cho hoạt động của ta. Thời điểm ấy những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp trước đây chỉ còn trơ lại những thân cây khiến cho địa hình ở chiến khu Đ càng trở nên trống trải.

Do vậy, mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đều phải chuyển xuống hầm được che chắn bằng gỗ chắc và cây khô để tránh các loại đạn pháo của địch. Công tác vận chuyển lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn khi địch trang bị dày đặc những máy dò tiếng động, các loại mìn bẫy. Lực lượng cách mạng thiếu đói nghiêm trọng. Khó khăn vất vả là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ đều một lòng đánh giặc và tìm cách phục hồi lại chiến khu.

Căn cứ khu ủy như "vùng đất thép"

Dẫn chúng tôi vượt qua quãng đường dài 35km vào Căn cứ khu ủy miền Đông, chị Vũ Mai Thi, Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa niềm nở giới thiệu: “Con đường phủ đầy hoa giấy này trước đây mang tên Trần Lệ Xuân như một bằng chứng cho sự tàn độc của Mỹ - Diệm. Ngày nay con đường này đã được đổi thành DT 761 chứ không còn gọi tên Trần Lệ Xuân như xưa nữa, có lẽ cũng để mọi người mau quên đi nỗi ám ảnh của thời đó!”.

Con đường vào căn cứ phủ đầy hoa giấy. Ảnh: MV.

Con đường vào căn cứ phủ đầy hoa giấy. Ảnh: MV.

Với kinh nghiệm cả chục năm làm hướng dẫn viên, đưa hàng ngàn du khách ghé thăm chiến khu Đ, nhưng lần nào có khách về thăm Trung ương cục miền Nam khiến chị Thi cũng có những cảm xúc rất lạ. Sau khi hướng dẫn tôi thực hiện nghi thức thắp nhang trước đền tưởng niệm căn cứ Trung ương Cục, chị Thi cho biết, khu nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà được người dân địa phương gọi là “nghĩa trang không bia mộ”, bởi tại đây có 70 phần mộ liệt sỹ nhưng chỉ có 5 ngôi mộ là có tên. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi đây đang chứa hàng ngàn hài cốt các liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý khu vườn “Ấn tượng Chiến khu Đ”, gồm 60 tác phẩm điêu khắc trên đá xanh với phong cách hiện đại được đặt ngoài trời của 27 tác giả cả nước. Ngoài đề tài truyền thống, các tác phẩm điêu khắc đá còn đề cao giá trị của rừng, sự đa dạng sinh học của chiến khu D.

Khu vườn 'Ấn tượng Chiến khu Đ', gồm rất nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá xanh với phong cách hiện đại được đặt ngoài trời thu hút, mỗi tác phẩm điêu khắc đá còn đề cao giá trị của rừng, sự đa dạng sinh học của chiến khu D.. Ảnh: MV.

Khu vườn “Ấn tượng Chiến khu Đ”, gồm rất nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá xanh với phong cách hiện đại được đặt ngoài trời thu hút, mỗi tác phẩm điêu khắc đá còn đề cao giá trị của rừng, sự đa dạng sinh học của chiến khu D.. Ảnh: MV.

Một trong những điểm đặc biệt của di tích căn cứ khu ủy miền Đông chính là hệ thống địa đạo. Thông thường nhắc đến địa đạo, mọi người sẽ nghĩ đến địa đạo “Vùng đất thép” Củ Chi, nơi mà toàn bộ cuộc sống sinh hoạt đều ở dưới lòng đất trong thời chiến. Tuy nhiên, với địa đạo căn cứ khu ủy miền Đông lại khá rộng, cao và dễ đi hơn do mục đích chủ yếu là để tránh bom.

Chúng tôi quan sát xung quanh các nhà di tích đều có đặt những mô hình người, tái hiện lại không khí ấm tình đồng đội của các chiến sĩ ngày xưa. Giữa rừng thiêng đại ngàn, giữa chiến tranh đạn bom khốc liệt, có chăng tình người là ngọn lửa sưởi ấm cho trái tim mỗi chiến sĩ nơi đây. Dù 60 năm đã qua đi (1961-2021), nhưng dường như thời gian không làm thay đổi nhiều con đường quanh co đầy bụi đỏ dẫn vào căn cứ khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam năm xưa.

Xung quanh các nhà di tích tại chiến khu Đ đều có đặt những mô hình người, tái hiện lại không khí ấm tình đồng đội của các chiến sĩ ngày xưa.Ảnh: MV.

Xung quanh các nhà di tích tại chiến khu Đ đều có đặt những mô hình người, tái hiện lại không khí ấm tình đồng đội của các chiến sĩ ngày xưa.Ảnh: MV.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết: “Hiện nay khu bảo tồn đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục như nhà bia, con đường nối thông khu làm việc của các đồng chí lãnh đạo và phòng trưng bày để phục vụ du khách. Không gian di tích được phân thành hai khu vực rõ rệt. Khu vực nhà bia và đền tưởng niệm được xây dựng ngay lối vào di tích. Khu vực phòng trưng bày cách đền tưởng niệm cũng là một trong những hạng mục vừa được trùng tu xây mới”.

Theo ông Hà, khi đến đây khách tham quan sẽ có được cái nhìn bao quát nhất về sự phát triển của căn cứ chiến khu Đ từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay. Đặc biệt, khu bảo tồn đã đầu tư một sa bàn hiện đại đặt ở khu vực trung tâm, căn cứ khu ủy miền Đông được thu nhỏ và nằm trong lòng rừng cây chiến khu Đ.

Công trình thế kỷ giữa chiến khu

Theo ông Hai Tân, sau năm 1973 khi Hiệp định Paris ký kết, vùng giải phóng mở rộng, cán bộ, cách mạng được tiếp xúc với dân, hoạt động tăng gia sản xuất tạo nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cách mạng phát triển khá mạnh. Riêng Ban thông tin Khu ủy miền Đông - nơi ông công tác có 7 ha rẫy trồng bắp, sắn, lúa, chăn nuôi heo, gà... có thể cung cấp nhu cầu sử dụng trong 6 tháng liên tục của Ban.

Các đoàn thanh thiếu niên luôn tổ chức các đợt về nguồn thăm chiến khu Đ. Ảnh: MV.

Các đoàn thanh thiếu niên luôn tổ chức các đợt về nguồn thăm chiến khu Đ. Ảnh: MV.

Đến nay, khi đã trở về cuộc sống đời thường, những người chiến sĩ chiến khu Đ năm xưa vẫn luôn nhớ về kỷ niệm của một thời hoạt động cách mạng. Ông Tân cho biết: “Chúng tôi đã thành lập Ban liên lạc và tập hợp được hầu hết những người từng tham gia chiến khu Đ xưa để cùng sinh hoạt, giúp đỡ, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường mới. Đồng thời, hàng năm vẫn tổ chức về chiến trường xưa và thăm viếng mộ đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống!”. 

'Công trình thế kỷ', Nhà máy thủy điện Trị An nằm ngay tại chiến khu Đ, xây dựng trên sông Đồng Nai, được Liên Xô hỗ trợ, đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Ảnh: MV.

“Công trình thế kỷ”, Nhà máy thủy điện Trị An nằm ngay tại chiến khu Đ, xây dựng trên sông Đồng Nai, được Liên Xô hỗ trợ, đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Ảnh: MV.

Tiếp tục câu chuyện, ông Tân tự hào nhắc đến một “công trình thế kỷ”: Nhà máy thủy điện Trị An nằm ngay tại chiến khu Đ, xây dựng trên sông Đồng Nai, được Liên Xô hỗ trợ, đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991.

“Ngay từ thời điểm xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An chúng tôi tích cực tham gia thông tin cho Ban lãnh đạo công trình và chuyên gia Liên Xô. Sau khi ngăn dòng thủy điện thành công đã tạo được niềm tin rất lớn cho cán bộ chiến sĩ ở vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc cũng sẵn sàng hy sinh cả nhà cửa, nương rẫy để phục vụ công trình thủy điện sớm hoàn thành”, ông Tân tự hào nói

Nhớ về quãng thời gian thi công, xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Trị An, ông Nguyễn Bá Mẫn - nguyên Giám đốc Ban quản lý Công trình Thủy điện Trị An chia sẻ: “Với sự giúp đỡ chí tình của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Liên Xô ngày ấy thật sự rất to lớn, từ khâu cung cấp vật tư, thiết bị, tài liệu thiết kế, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng cho đội ngũ kỹ sư, công nhân của Việt Nam. Vì thế chúng tôi luôn coi các bạn Nga là những người thầy giúp đỡ chúng ta sớm đưa tổ máy đầu tiên phát điện”.

Theo ông Mẫn, từ năm 1982, phong trào ủng hộ Thủy điện Trị An vô cùng rầm rộ trong mọi ngành và lan ra các tỉnh phía Nam. Sau 5 năm xây dựng, “công trình thế kỷ” ở chiến khu Đ đã đi vào hoạt động với công suất 400MW, cho sản lượng điện 1,76 tỷ kwh.

Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô chính là công trình Nhà máy Thủy điện Trị An. Ảnh: MV.

Minh chứng lịch sử của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô chính là công trình Nhà máy Thủy điện Trị An. Ảnh: MV.

Xây dựng thành công nhà máy thủy điện Trị An đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ngành Điện lực Việt Nam. Công trình cũng là bài ca bất hủ tiêu biểu cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô, được đóng góp bằng công sức, trí tuệ của nhân dân 2 nước để đem lại nguồn năng lượng từ sức nước, thắp sáng và phục vụ phát triển kinh tế cho miền Nam. Vào thời điểm lịch sử công trình đã trở thành trái tim của nguồn năng lượng phía Nam, góp phần phát triển kinh tế, làm thay đa đổi thịt toàn vùng chiến khu Đ năm xưa!

“Việc giữ gìn di tích chiến khu Đ, lồng với những những nội dung thuyết minh về lịch sử, chúng tôi đang truyền tải thông điệp yêu nước, tinh thần bất khuất của quân và dân ta, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường tới khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn tạo và lan tỏa thông điệp về chiến khu Đ, không chỉ là quá khứ mà còn tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho hiện tại và tương lai”, chị Đinh Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nói.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.