| Hotline: 0983.970.780

Tinh giản bộ máy hành chính: Đột phá chính là đổi mới thể chế

Thứ Tư 05/11/2014 , 11:10 (GMT+7)

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ mong muốn Đại hội XII của Đảng tới đây sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về thể chế./ Phải từ ý chí lãnh đạo

Ông cho rằng, có như vậy mới giảm được bộ máy cồng kềnh hiện nay. Bên hành lang Quốc hội, ĐB Lê Nam đã dành cho PV NNVN cuộc phỏng vấn xung quanh câu chuyện tinh giản bộ máy, biên chế.

Công chức tăng khủng khiếp

Mở đầu câu chuyện, ông Nam chia sẻ: Vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế thì Đảng và Nhà nước ta nói mấy chục năm nay rồi. Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy một "tia sáng" nào cả. Ngày xưa tôi ở một cơ quan bắt đầu nói tinh giản biên chế thì lúc đó có 60 người.

Thế rồi càng nói tinh giản thì bây giờ cơ quan đó có gần 200 biên chế đang hưởng lương ngân sách. Tức là tốc độ tăng biên chế nó khủng khiếp quá, dường như không có cách gì ngăn được, kể cả bây giờ. Nếu Quốc hội, Chính phủ cứ cho ra đời thêm những cơ quan mới với những nhiệm vụ mới thì biên chế sẽ còn tiếp tục tăng.

Một cơ quan như ông nói, ngày trước có 60 người nay là 200 người, liệu hiệu quả công việc có gì khác không, thưa ông?

Có sự thay đổi. Ngày xưa khối lượng công việc thì không nhiều bằng bây giờ. Tuy nhiên, biên chế tăng vọt như thế đúng là có vấn đề. Mà vấn đề là ở chỗ, khi nào và ở đâu có điều kiện tăng biên chế thì người ta vẫn cứ nhận thêm vào. Nên mới có chuyện 30% công chức ngồi chơi.

Cái này cả viên chức nữa chứ chẳng riêng gì công chức đâu. Chẳng hạn cơ quan có 100 người mà chỉ có 40 người làm việc hiệu quả thì sẽ xảy ra tình trạng người thì quá tải vì công việc, người thì không có việc hoặc không biết việc mà làm. Thế là có cái lý để tăng biên chế để giải tỏa sức ép cho người quá tải.

Người ta nói 30% công chức làm việc kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Theo ĐBQH Đỗ Văn Đương đó là công chức ma, vô dụng. Quan điểm của ông về điều này thế nào?

Tôi cho rằng, cái tệ hại nhất hiện nay của chúng ta là loạn chuẩn mực trong đánh giá cán bộ. Một thực tế đó là đại bộ phận công chức trong bộ máy của chúng ta đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ này có nơi là 90-99%. Thậm chí còn được giao chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm là xuất sắc, bao nhiêu phần trăm thì được khen thưởng giấy khen, bằng khen, huân chương.

Nếu nhìn vào cái bảng tự đánh giá của mỗi công chức, cái danh sách xếp loại công chức, cái hồ sơ đề nghị khen thưởng trong từng đơn vị thì rõ ràng chẳng có ai yếu kém cả. Cho nên sẽ không có ai ra khỏi bộ máy này đâu vì ai cũng tốt và xuất sắc cả.

Làm quan thì phồn vinh

Ma hay vô dụng mà vẫn xuất sắc, vẫn được khen thưởng. Nghe có vẻ không được thuận tai cho lắm. Vậy công chức có cái gì hay mà người ta đổ xô vào bộ máy lắm thế thưa ông?

Tôi dám chắc với anh là người ta còn chạy và xin để được vào công chức. Chúng ta thiếu việc làm cho người lao động. Vẫn còn hàng ngàn thạc sỹ, kỹ sư vật vờ kiếm từng đồng để tồn tại cuộc sống. Không ít khu công nghiệp giải quyết cho hàng triệu lao động nhưng đồng lương cũng rất eo hẹp, hết tháng là hết lương, không tích lũy và đảm bảo cho cuộc sống ổn định được.

Cho nên được vào làm công chức là mơ ước đôi khi không chỉ riêng của các em mà còn của gia đình, làng xóm, họ tộc nữa. Đó là lối thoát tốt nhất của các em. Một vấn đề khác chính là tâm lý của người Việt Nam từ xa xưa đến nay, là muốn được làm quan, thích làm quan.

Nó có một thực tế là nhiều khi đã vào công chức, được làm quan thì có cuộc sống phồn vinh, giàu có. Đó cũng là động lực để người ta vào bằng được công chức hơn là bươn chải ra ngoài thị trường thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm. Tâm lý đó nó xuất phát từ hiện trạng xã hội của chúng ta.

Là ĐBQH, ông có đề xuất gì cho Đảng và Nhà nước một giải pháp tốt nhất thực hiện việc tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay?

“Trong tổ chức chính quyền, hệ thống chính trị, các đoàn thể cũng vậy. Mặt trận với dân vận; đoàn thể, các hội của chúng ta nhiều quá. Tôi đi nhiều nước, không thấy nước nào như nước mình, người ăn lương quá nhiều, ngân sách oằn mình ra trả lương nhiều quá. 
Không còn cách nào khác, bây giờ dứt khoát phải cắt bỏ và giảm cái đó đi. Đoàn thể, hội nào muốn tồn tại thì cứ chủ động nguồn kinh phí mà hoạt động, thông qua đóng góp của hội viên. Chứ không thể bấu víu vào ngân sách được.
Trong bộ máy thì xác lập ít công chức thôi, còn lại chuyển sang làm hợp đồng. Tôi khẳng định chỉ giải quyết bằng bài toán đổi mới thể chế thì mới dứt khoát được vấn đề tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay của chúng ta” – ĐB Lê Nam nói.

Chúng ta đã nói quá nhiều các thuật ngữ như là phải làm mạnh, đột phá, quyết liệt, chuyển biến… nhưng có lẽ, theo tôi đi kèm với đó phải là hành động từ trên xuống, từ trong mỗi chúng ta.

Như tôi được biết, Việt Nam mình bây giờ không còn những cái dư địa của thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 nữa. Một cái mà lãnh đạo Việt Nam, trong đó ông Thủ tướng có nói rằng là phải đổi mới thể chế. Tôi cho rằng, điều này quá đúng. Cần phải có những bứt phá về thể chế. Nghĩa là điều tôi muốn đề xuất thì nhiều người đã biết trong đó có Thủ tướng. Cho nên cái cần đột phá chính là đổi mới thể chế.

Cắt bỏ bớt đi

Theo ông đâu là hạn chế mà coi đổi mới thể chế là bức thiết hiện nay?

Cái cồng kềnh của chúng ta là có tới 2 đến 3 bộ máy so với các nước khác. Ví dụ vấn đề Đảng cầm quyền, theo tôi bây giờ Đảng phải thay đổi phương thức cầm quyền.

Cái này không có gì phải ngại ngần cả. Đảng khẳng định vai trò cầm quyền thì phải làm luôn, làm trước đã. Tuyên giáo phải làm văn hóa. Thanh tra phải làm kiểm tra. Các Đảng cầm quyền đều như thế, cầm quyền trực tiếp luôn.

Cái này nếu đổi mới được thì nó sẽ chuyển biến rất là ghê gớm. Tôi rất mong chờ cái đổi mới đó. Tôi đảm bảo, làm như thế sẽ tinh giản được rất nhiều bộ máy, biên chế và chắc chắn sẽ tăng được hiệu lực, hiệu quả lên rất cao.

Nhưng khi chưa đổi mới được thể chế thì giải quyết tạm thời là gì thưa ông?

Tôi hiểu ý của bạn. Vì, không thể đuổi số công chức ấy ra đứng đường được. Mà thay đổi phương thức sử dụng lao động. Như tôi đã nói ở trên, đó là chỉ giữ lại một ít công chức trong bộ máy mà thôi. Số còn lại chuyển sang dạng làm việc hợp đồng. Dần dần chúng ta sẽ giải tỏa được một số tâm lý cố hữu lâu nay của người Việt và bớt đi áp lực.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm