| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh nghèo có cả trăm công trình tiền tỷ xây xong đắp chiếu

Thứ Hai 03/07/2017 , 14:20 (GMT+7)

Ở Lào Cai, đâu đó, vẫn có những bữa trẻ bị đứt bữa, nhiều gia đình thiếu ăn mùa giáp hạt. Nhưng cũng chính tại địa phương có 43.835 hộ nghèo (27,41%), 16.821 hộ cận nghèo (10,52%) này lại luôn tồn tại sự lãng phí ghê gớm. 

Có đến cả trăm công trình từ chợ, nước sạch, thủy lợi, điện cho tới các khu tái định cư tiền tỷ xây xong đắp chiếu.

Đứng trên con dốc cao nhìn xuống 4 thôn Vả Thàng, Dì Thàng, Tả Chu Phùng, Văng Leng… xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, không khó để nhận ra những cột chiếc điện trắng toát, lởm chởm như cây nấm.

15-08-51_5
Những chiếc công tơ lắp xong phơi mưa nắng

Nhưng nhiều năm qua, những thứ ấy chỉ có tác dụng trang trí, phơi nắng mưa, thi gan cùng tuế nguyệt. Từng ngày, 212 hộ dân vẫn canh thâu đèn dầu. Mỗi ngày đi nương, ngước nhìn những chiếc cột điện, hộp công tơ rỉ sét, họ chỉ biết thở dài…
 

Vật lộn với màn đêm

Vả Thàng là thôn xa tính từ trung tâm xã Tung Chung Phố. Trời mưa lâm thâm, chúng tôi mất gần tiếng đồng hồ đánh vật với những đoạn đường đất trơn trượt, có đoạn lại đá lởm chởm, sắc như lưỡi lê. Đây là một trong 3 thôn của xã Tung Chung Phố giáp biên giới Trung Quốc với 52 hộ, 249 nhân khẩu thì có tới 44 hộ nghèo, nơi sinh sống của 100% người Mông.

Trưởng thôn Thào Seo Pao ngậm ngùi, Vả Thàng có hai cái khó nên không thoát nổi nghèo đó là thiếu điện, thiếu nước. Bà con nơi đây lúc nào cũng chỉ ước mơ đến một ngày được xem ti vi, được ngồi hóng gió trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu. Chẳng vậy mà, khi thấy chúng tôi được cán bộ xã dẫn đến những cây cột điện được chôn dưới đất nhưng chưa có điện để tìm hiểu, ai cũng tưởng cán bộ ngành điện, rồi khấp khởi dò la: “Bao giờ có điện thế các cô chú?”

15-08-51_1
Những đứa trẻ sinh ra trong tối tăm, nghèo khó

Mặt trời tắt nắng, chiếc ghế ngoài sân đã ướt nhẹp sương, Vả Thàng lại chìm trong bóng tối. Từ ngoài nhìn vào, ánh sáng hắt ra từ căn nhà của ông Vàng Dỉ Lìn (75 tuổi) chỉ leo lét như phát ra từ một con đóm đóm đực.

75 tuổi, đôi mắt ông Lìn chẳng còn tinh nhanh, làm gì cũng chậm rãi, đôi tay khua khoắng. Ngồi trò chuyện trong bóng tối, chúng tôi chỉ nhìn thấy mờ mờ gương mặt ông qua ánh sáng của chiếc đèn dầu cũ kĩ. Ông Lìn buồn rầu bảo, tôi đã sống gần hết đời người, đối với tôi việc không có điện cũng đã trở thành thói quen. Nhưng điều khiến tôi lo nghĩ nhất đó là việc học hành vào buổi tối và tương lai của con cháu sau này, chẳng lẽ cứ sống trong cảnh tối tăm như thế này mãi? Thôn chúng tôi còn nhiều khó khăn lắm, đặc biệt là thiếu điện. Nhiều gia đình muốn biết tin tức, cuộc sống bên ngoài cũng đành chịu.

15-08-51_2
Bữa tối vật lộn trong bóng tối ở Vả Thàng

Mảnh đất Vả Thàng cheo leo, dựng ngược, được ví như “Trường Sa cạn”. Mùa khô hanh thì suối khô, ruộng cạn. Mùa mưa thì nước lại cuồn cuộn, mấy chiếc máy phát điện mini lăn đi như cục đá trong cơn lũ quét. Thiếu điện, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân bao năm vẫn bị cái đói nghèo bủa vây. Chẳng thế mà, quanh đi, quẩn lại, bình bầu lên xuống, Vả Thảng vẫn chỉ có 2 hộ thoát nghèo - đều là 2 cán bộ thôn.

“Mặc dù đã thấy dây điện được kéo về thôn, một số cột điện đã được mọc lên, nhưng sau nhiều ngày chúng vẫn nằm im ở đó, chúng tôi vẫn chẳng biết bao giờ mới có điện dùng. Tôi mong thời gian tới, Vả Thàng sẽ một tín hiệu mới, chúng tôi không muốn làm hộ nghèo nữa”, anh Pao thở dài thườn thượt.

Anh Thào Seo Pao trăn trở, nhiều năm qua bà con sống trong cảnh tối tăm nên bây giờ mong muốn nhà nước kéo điện lắm, không biết khi nào bà con trong thôn mới có điện sáng dùng đây? Một số người dân phải tìm đến các thôn lân cận đã có điện để sạc nhờ đèn pin...
 

Tết năm nay là năm nào?

Trưởng thôn Dì Thàn Thào Thị Liên giọng buồn buồn kể, có những người sinh ra, lớn lên và chết đi mà chưa một lần nhìn thấy thứ ánh sáng nào khác ngoài đèn dầu ban đêm. Không điện, mọi thứ tăm tối từ vật chất tới tinh thần. Buổi tối, những đứa trẻ dí sát mắt vào sách để viết lên những con chữ nguệch ngoạc, loằng ngoằng như giun bởi đâu nhìn rõ cả đầu bút.

Quyết tâm có ánh sáng từ điện lưới quốc gia, nhiều gia đình ở Dì Thàng đã làm đơn kiến nghị để kéo điện từ thôn Páo Tủng về dùng. Theo đó, năm 2012, vài hộ gia đình đã góp tiền, ngày công để kéo điện về thôn. Sau 2 ngày giằng dây, một đường dây điện dài 2,5 cây số đã được kéo về từng nhà. Tuy nhiên, do đường dây dài, điện tải yếu nên nhiều khi có cũng như không. Những cây cột điện chủ yếu chôn bằng gỗ, đến mùa mưa, gió quật đổ lên đổ xuống. Có những hộ đã phải chi tới vài triệu đồng sửa cột, đường điện để rồi đôi lúc… ngồi ngắm mong cuộc sống hạnh phúc hơn.

Chỉ tay về hướng chiếc ti vi đen trắng được kê trang trọng ở trong nhà, anh Pờ Khái Hùng bảo: “Mấy cái này mình mua về cũng chỉ để trưng bày là chủ yếu, chứ chưa sử dụng đến lần nào”.

15-08-51_3
Có những người, sống gần hết cuộc đời vẫn chưa một lần nhìn thấy ánh sáng điện lưới

Trong những lần tiếp xúc cử tri, tâm nguyện của người dân Tung Chung Phố là được kéo điện về dùng từ những cây nấm rỉ sét kia. Năm 2015, lãnh đạo ngành điện huyện Mường Khương hứa chắc chắn: “Sẽ có điện đón tết”. Nhưng tới 2017, khi người dân ăn xong hai cái tết cổ truyền, sắp đón cái thứ 3, nhưng lời hứa “điện về bản” vẫn chỉ như nước trôi qua cầu.

Toàn xã Tung Chung Phố có 10 thôn thì có 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn đều rơi vào vùng “trống” điện. Ông Vương Sử Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố thật thà chia sẻ rằng, mỗi lần xuống các thôn nắm tình hình nghe người dân phản ánh những khó khăn khi không có điện, tôi thấy xót lắm.

Để tìm hiểu rõ hơn, vì đâu có sự lãng phí đến vô lý này, chúng tôi đã làm việc với Cty điện lực Lào Cai. Theo đó, công trình thi gan cùng tuế nguyệt này thuộc dự án mở rộng và cải tạo lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa. Dự án dùng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổng mức đầu tư 4 gói thầu xấp xỉ 57 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu NPC-ADB/W3.1 LK xây lắp đường dây trung, hạ áp và TBA thuộc thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương có mức đầu tư trên 13,7 tỷ đồng. Quy mô gói thầu sẽ xây dựng mới 12,5 Km đường dây 35 kV, 9 Trạm biến áp với tổng công suất 700 kVA, 35,71 Km đường dây 0.4 kV, lắp đặt mới 1.553 công tơ các loại…

Đại diện điện lực Lào Cai cho biết, đây là chủ trương của UBND tỉnh Lào Cai và Tổng Cty Điện lực miền Bắc nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Năm 2011, hai bên đã thống nhất các nội dung đầu tư.

15-08-51_4
Chẳng biết khi nào sự lãng phí này sẽ chấm dứt

Năm 2012 - 2013, ngành điện đã đầu tư xây dựng lưới điện trung áp 35 kV và 55 trạm trạm biến áp thuộc với tổng mức đầu tư 79,9 tỷ đồng. Về phía đối tác, UBND tỉnh Lào Cai đã không bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng phần đường dây 0,4 kV đấu nối với các trạm biến áp khiến cả dự án bị đóng băng.

Cũng theo ngành điện, về nguyên nhân khách quan, cơn bão số 3 tháng 8/2016 đã gây ra mưa to và lũ quét đã làm hư hỏng một số tyến đường dây 0,4 kV. Việc khắc phục hậu quả của mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Giờ đây, người dân Tung Chung Phố vẫn mong mỏi có điện nhưng không còn mặn mà như xưa. Ngày ngày, đi làm qua những chiếc cột điện, hộp công tơ rỉ sét, nhiều người chẳng buồn ngước nhìn. Chẳng biết khi nào sự lãng phí này sẽ chấm dứt!

“Những thôn này đã nghèo, đường đi lối lại còn gặp nhiều khó khăn cộng với thiếu điện, cuộc sống bà con khó càng thêm khó. Do đó, việc sớm triển khai hệ thống lưới điện, chấm dứt lãng phí, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho bà con luôn canh cánh trong lòng chúng tôi”, ông Vương Sử Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố.

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.