| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh Quảng Ninh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thứ Bảy 23/12/2023 , 07:39 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh từng bước tiến tới tự động hóa trong khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Mô hình nuôi vịt công nghệ cao của ông Đồng Quang Cường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi vịt công nghệ cao của ông Đồng Quang Cường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại Quảng Ninh, ngày càng nhiều người nông dân có thể làm chủ công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao, sử dụng nền tảng điện tử để nâng cao giá trị nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Với một chiếc điện thoại, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, Quảng Yên) đã nắm bắt được mọi thông tin tại trang trại nuôi vịt của mình. Từ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, liều lượng thức ăn uống, thời điểm tiêm vacxin…

Đàn vịt thương phẩm tại trang trại của ông Cường được nuôi theo công nghệ nhà lạnh khép kín, chăm đàn vịt đẻ bằng công nghệ ấp trứng tự động, mọi hoạt động sản xuất đều đã vào quy trình với sự hỗ trợ một phần của máy móc thiết bị tự động. Hiện trang trại nuôi đến 30.000 con/năm và 7.000 con vịt đẻ mỗi ngày.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích. Ngoài ra, còn nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn... được thực hiện, đầu tư cơ bản ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi.

Công nghệ cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản với 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 98,7%); trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn. 

Với kỳ vọng tạo tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường trong nước và quốc tế, từ nhiều năm qua, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao.

Người làm nông nghiệp được hướng dẫn kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, email; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm na Đông Triều được bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sản phẩm na Đông Triều được bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.

Đồng thời, qua các trang điện tử, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh tới các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP. Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN-PTNT.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh lên kế hoạch tiếp tục tập trung nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phù hợp việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, từng bước tiến tới tự động hóa trong khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại hỗ trợ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Quảng Ninh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.