| Hotline: 0983.970.780

Tôi đi học và làm báo Mỹ

Thứ Hai 20/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Giống như bao sinh viên sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tôi đã phải chật vật để bắt đầu một môi trường mới...

Tôi tới Mỹ vào mùa hè năm 2015. Giống như bao sinh viên sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tôi đã phải chật vật để bắt đầu một môi trường mới và phải đáp ứng với nhiệm vụ mới: nghiên cứu về xu hướng báo chí hiện đại và viết báo bằng tiếng Anh.

Tôi nhớ như in, sau gần 1 tháng học tập, ngày 25/7/2015, tôi được đăng bài báo đầu tiên trên tờ The Post Standard của bang New York. Tôi hưởng nhuận bút là 35 đô la. Về cơ bản, khoản nhuận bút ở báo Mỹ tính ra cũng chỉ bằng mức sàn như Việt Nam.

Học tập trong môi trường báo chí ở Mỹ rất căng thẳng, bởi các giảng viên luôn cố tái hiện ngành công nghiệp báo chí ngay tại ngôi trường. Trên thực tế, báo chí Mỹ đang bị tác động bởi công nghệ một cách mạnh mẽ, điều đó kéo theo báo chí luôn thay đổi, luôn vận động từng phút, từng giây.

Chính vì xác định báo chí hiện đại phải gắn liền với công nghệ, cho nên những môn học trong trường khá hiện đại và thậm chí lạ lẫm. Những kĩ năng cơ bản bắt buộc mọi sinh viên đều phải có đó là thực hiện và dựng video clip, chụp hình và chỉnh sửa hình ảnh, làm infographic (hình hoạ truyền tải thông tin), có kiến thức chuyên sâu về mạng xã hội để đẩy lượt người xem trên các báo điện tử.

Ngoài ra, trường còn có những môn nghiêng hẳn về chính trị, kinh tế, văn hoá, giải trí…, từ đó, nếu sinh viên đã có định hướng theo mảng gì trong tương lai, sẽ đăng kí học những khoá học đó. Thậm chí, trường còn dạy về Virtual Reality (cảm nhận không gian 3 chiều trên máy tính), từ đó chúng tôi có thể làm những bài báo với đồ hoạ 3 chiều. Điển hình là làm dự báo thời tiết, chúng tôi có thể tạo cho độc giả cảm giác rõ mức độ nắng, mưa, hay bão tuyết.

Hầu hết các chương trình thạc sĩ báo chí ở Mỹ đều gói gọn trong một năm. Điều này khiến các môn chúng tôi học trong một tháng, sẽ bằng các trường khác học trong một học kì 4 tháng. Có những thời điểm, chúng tôi đi học từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới được nghỉ. Sau giờ học, chúng tôi phải tự đi săn tin, phỏng vấn và tác nghiệp ở những thành phố xa xôi.

Ngoài ra, những bài tập mang tính khái quát về nền công nghiệp báo chí, hay viết những bài phản biện về những cuốn sách, phản biện những chương trình talkshow được các giáo sư giao khá dày đặc và phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành.

Thời kì đầu đến Mỹ, mỗi ngày tôi chỉ có khoảng 4 tiếng để ngủ, thậm chí có những đêm thức trắng để hoàn thành các bài viết. Sau này, khi đã quen với cường độ này, tôi thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Nhiều khi tôi nghĩ, cái học được lớn nhất khi tới đây đó là khả năng chịu áp lực.

Khi kết thúc học kì xuân vào cuối tháng 4 năm nay, tôi đã lên kế hoạch tìm chỗ làm. Thực ra tôi còn một số môn chưa học, và tôi muốn đổi lấy những tín chỉ này sang đi làm và nhà trường sẽ xem đó là kì thực tập. Với sự trợ giúp của các giảng viên, tôi đã xin vào làm theo dạng cộng tác viên của tờ nhật báo The Post and Courier ở bang Nam Carolia. Tờ báo này khá có tiếng bởi mới năm ngoái, nó đã nhận giải Pulitzer ở hạng mục “Phục vụ cộng đồng”.

Nắm bắt cơ hội này, tôi bắt đầu cuộc hành trình làm báo ở Mỹ…

Tôi được bàn giao về ban văn hoá, cũng là lĩnh vực tôi có thế mạnh nhất. Một tuần làm việc bắt đầu bằng các buổi họp giao ban vào sáng thứ 7, khi mà tất cả các phóng viên đều phải báo cáo đề tài và nhận phản biện từ các biên tập viên.

Mỗi bài báo viết ra đều phải gửi cho biên tập viên trước 4 ngày, trừ những tin bài thời sự, họ chỉ giao cho những phóng viên gạo cội nhiều kinh nghiệm. Trong 4 ngày đó, ban kiểm tra thông tin (fact checker) sẽ lần theo thông tin và số điện thoại của tất cả những người được phỏng vấn trong bài để kiểm tra các chi tiết.

Khâu này ở các toà soạn báo Mỹ được xem cực kì quan trọng, bởi luật báo chí khá chặt chẽ, và mỗi khi các báo đưa thông tin sai hay trích dẫn sai, thì con đường dẫn đến các phiên kiện tụng sẽ rất gần. Báo chí Mỹ khá thống nhất về văn phong, họ chuộng câu đơn và ngắn. Họ chọn thể chủ động thay cho bị động, vì tác nhân gây ra phải rõ ràng. Họ không dùng tính từ, vì tính từ là cảm xúc cảm tính của phóng viên chứ không phải bản chất sự kiện.

Ở The Post and Courier, ngoài viết bài ra, tôi thường được giao quay và dựng video clip trên các thiết bị di động. Mỗi clip chỉ gói gọn trong một phút và được cập nhật thường xuyên trên trang điện tử.

The Post and Courier có một ban phụ trách về mạng xã hội riêng. Ban này phải làm việc với phóng viên để tìm ra phương án phù hợp khi đưa link lên mạng xã hội. Những kênh được các báo sử dụng bao gồm Facebook, Twitter, Pinterest và Instagram. Chiến lược đăng tải bài trên mạng xã hội được lập thành bảng dựa trên những thông số được thu thập từ các nhà khảo sát về thói quen, thời gian, giới tính, độ tuổi của người đọc.

Ví dụ, nếu đăng tin bài thời sự thì khung giờ phải là từ 7 đến 9 giờ sáng khi mọi người đi làm trên xe bus, tàu điện ngầm và họ sẽ sử dụng các thiết bị điện tử lướt tin bài thật nhanh. Nếu các dạng bài tư vấn thì khung giờ thường là 7 đến 9 giờ tối, khi người đọc sử dụng thời gian nghỉ ngơi để đọc những thông tin sâu cần suy ngẫm.

Nếu bài thiên về hình ảnh thì phải chọn Instagram, một kênh thiên về hình ảnh, để đăng chứ không phải là Facebook, hay tường thuật thời sự trực tiếp phải là Twitter, nơi người đọc tìm thông tin ngắn và tương tác với bạn bè người thân nhanh hơn Facebook.

Báo chí Mỹ hiện nay đều lấy mảng báo điện tử làm hướng phát triển chính. Theo xu thế chung, một tờ báo điện tử đều phải làm tốt về 2 khía cạnh: nội dung, và tận dụng giao diện, môi trường số.

Về mặt nội dung, ở tờ báo tôi làm, họ ít khi chấp nhận sử dụng nguyên những bài trên báo giấy để đăng lên báo điện tử. Mỗi phóng viên khi viết bài đều phải hoàn thành 2 phiên bản, một cho báo giấy và một cho báo điện tử. Bản viết cho báo giấy có thể dài, nhưng bản cho báo điện tử bắt buộc phải ngắn, thông thường chỉ dưới 500 chữ.

Về mặt tận dụng môi trường số, các báo Mỹ, trong đó có The Post and Courier, đang có cuộc chạy đua về cải cách hình thức bài báo. Đi đầu phong trào này là BuzzFeed khi tờ này “lăng xê” cách viết dạng “list” theo kiểu gạch đầu dòng. Để làm được dạng bài này, phóng viên phải tập khái quát ý, sử dụng ngôn ngữ chặt chẽ và ngắn.

Ví dụ, khi viết về buổi bầu cử sơ bộ ở bang New York, thay vì tường thuật thành một bài báo, rất nhiều tờ theo đuổi cách viết khái quát dạng như “10 điều bất ngờ ở buổi bầu cử sơ bộ New York”, hay “7 khoảnh khắc của Donald Trump ở buổi bầu cử”. Cách viết này khiến người đọc có thể đọc nhanh, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nắm bắt được đầy đủ thông tin của sự kiện.

Ở báo điện tử, bên cạnh 2 dạng bài khá truyền thống là video clip và hình ảnh, thì sử dụng hình hoạ (infographic) để khái quát thông tin cũng đang khá thịnh hành. Hầu hết các phóng viên đều phải thông thạo các thao tác trên máy tính để thực hiện dạng bài này.

Ngoài ra, các phóng viên đều phải cập nhật các thuật toán của Google và Facebook về tìm kiếm, từ đó họ có phương án chèn hoặc sử dụng các từ khoá vào bài viết một cách hiệu quả hơn. Việc này giúp bài báo hiện thị khi có ai đó tìm kiếm qua Google hay Facebook.

Trong tương lai gần, các báo Mỹ bắt đầu tuyển những phóng viên có thể sản xuất được nội dung có không gian 3 chiều. Đi đầu về dạng này là New York Times khi năm 2015, họ tường thuật một diễn biến của một cơn bão tuyết bằng đồ họa 3 chiều, khiến người đọc có thể cảm nhận được độ khốc liệt và nguy hiểm của cơn bão.

Nhìn chung, công nghệ chi phối nền công nghiệp báo chí nơi đây. Chính điều này đã dẫn đến 2 thay đổi: báo in, tạp chí đang dần bị khai tử và các phóng viên chỉ biết mỗi viết bài đã gần như không còn tồn tại ở Mỹ.

Nói cách khác, từ phóng viên ở Mỹ đã được định nghĩa lại, khi họ đã dần biến thành những chuyên gia công nghệ thông tin biết viết lách.

Vĩnh Khang là phóng viên thuộc Báo Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2015, anh nhận học bổng toàn phần từ quỹ học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ. Hiện anh theo học Thạc sĩ Báo chí tại Newhouse School thuộc Đại học Syracuse, bang New York.

Vĩnh Khang có nhiều bài báo về văn hóa đại chúng được đăng tải trên các báo Mỹ như: The Post and Courier, Syracuse New Time, The Post and Standard…

 

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.