| Hotline: 0983.970.780

Tôi sợ nhất là khi tăng giá thì các hãng 'phân cỏ' sẽ sống dậy

Thứ Bảy 31/07/2021 , 07:13 (GMT+7)

Ông Vũ Xuân Hồng-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam những lo nghĩ khi giá phân bón tăng nóng.

Ông nghĩ sao về chuyện dư luận xã hội có nhiều người ác cảm với các công ty phân bón khi cho rằng sản phẩm bán giá cao, tăng giá vô tội vạ trong khi nông sản của nông dân bán ra lại đang giá thấp?

Thị trường phân bón vừa qua liên tục tăng giá khiến cho dư luận xã hội mà nhất là nông dân rất bức xúc nhưng nếu chỉ nhìn nhận một chiều như vậy là chưa thật khách quan với một số nhà sản xuất phân bón chân chính. Thị trường phân bón trong nước chỉ là hệ quả của sự mất cân đối về cung cầu của thị trường thế giới mà nhất là những nguyên liệu, phân đơn mà thôi.

Khi có hiện tượng tăng giá của những phân bón vừa sử dụng trực tiếp  vừa là nguyên liệu đầu vào của các đơn vị sản xuất phân bón hỗn hợp NPK cụ thể: DAP, Urê, Kali, SA, supe lân, lân nung chảy…ở mức độ vừa phải, sẽ thuận lợi cho tất cả các đơn vị sản xuất phân bón nói chung. Tại sao? Bởi vì khi thị trường trầm lắng, chẳng có động cơ mua, bán gì cả, ít người quan tâm còn khi sốt nhẹ thì giao dịch sẽ nhiều. Tuy nhiên khi sốt quá như hiện nay sẽ làm hỏng thị trường bởi sẽ thuận lợi cho những nhà sản xuất phân bón nói trên (DAP, Urê, Kali, SA…) nhưng cả thị trường và nhất là thị trường cho phân bón NPK sẽ gặp khó khăn.

Ông Vũ Xuân Hồng-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ Xuân Hồng-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì, bây giờ thị trường trong nước đã thông với thị trường thế giới, bàn tay vô hình của nó sẽ điều hành dù cho có dùng các rào cản kỹ thuật đi chăng nữa. Giá phân bón DAP, Urê, Kali, SA lên theo thị trường thế giới mà khó có rào cản có thể ngăn được. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất phân bón NPK lớn, sản xuất chân chính như Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, Bình Điền, Phân bón miền Nam…sẽ lại “chết” bởi gặp nhiều khó khăn cụ thể là:

Thứ nhất là nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá NPK cũng sẽ tăng nhưng nhịp độ chậm hơn và không thể tăng một lần để bù đắp chi phí tăng. Ví dụ, ure quý I giá 5,85 triệu/tấn, giữa tháng 6 mua 9,1 triệu/tấn và bây giờ 10,5 triệu/tấn, dap quý I giá 8,5-9 triệu/tấn tùy theo hàm lượng thì bây giờ 14-15 triệu/tấn, kali quý I và nửa đầu quý II giá 5,7 triệu/tấn giờ 8,4 – 9 triệu/tấn; Thì NPK cũng chỉ tăng ở mức 10-20% mà phải chia nhiều đợt.

Thứ hai là giá nguyên liệu lên cao đã đành mà còn không có để mua, nếu mua thì phải “tiền tươi, thóc thật”, mỗi lần chỉ được vài trăm tấn/lần trong khi mình sản xuất ra bán sản phẩm NPK phải ít nhất 4 tháng mới thu được tiền.

Trong ba thành phần NPK, Lâm Thao còn chủ động được chữ P tức là supe lân nên gần như lấy tất cả hiệu quả từ việc sản xuất supe lân bù đắp sang để giữ giá nhưng còn chữ N, K thì không chủ động được. Đó là chưa kể giá lưu huỳnh, từ đầu năm tới giờ đã tăng hơn gấp đôi ảnh hưởng rất lớn đến giá phân supe lân.

Thế nên bảo các nhà máy sản xuất NPK lãi lớn là không đúng.

Thứ ba là  yếu tố tổng hợp (1) đầu vào, giá nguyên liệu tăng lại còn khó mua, (2) đầu ra gặp dịch: quý I/2021 thì vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh xuất hiện dịch Covid, hàng vận chuyển về đó bị đứt gãy do phải ưu tiên công tác phòng chống dịch; đầu quý II/2021thì ở Bắc Giang-một trọng điểm về tiêu thụ phân bón bởi có cây vải lại xuất hiện dịch Covid; (3) Còn bây giờ thì dịch Covid trên diện rộng kèm theo giá nông sản lại đang xuống thấp và bán rất khó; thu hồi công nợ sẽ khó khăn.

Từ đầu năm đến giờ nhà máy chạy hết công suất để cung ứng sản phẩm ra thị trường chứ không phải thấy giá cao mà găm hàng để đẩy giá lên. Thứ nhất là để đáp ứng công việc cho hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên, thứ hai là cung ứng đủ sản phẩm để giữ thị trường, đáp ứng cho bà con nông dân. Chúng tôi “không té nước theo mưa” để chạy theo lợi nhuận.

Vậy công ty Lâm Thao đã có những hành động gì để chia sẻ với bà con thưa ông?

Khi giá nguyên liệu đầu vào là các phân nguyên liệu DAP, Urê, SA, Kali, tăng dựng đứng theo giá thế giới như thế thì giá NPK trong nước lại không như vậy. Các nhà sản xuất NPK chân chính chỉ tăng giá từ từ, theo từng nấc, từng bậc để chia sẻ với bà con và quả thực nếu tăng quá cao thì cũng chẳng bán được hàng bởi không có nhà máy nào độc quyền được chuyện sản xuất.

Chưa bao giờ chúng tôi phải tính toán rất kỹ, tìm các giải pháp trong công tác quản trị từ quản trị mua hàng, sản xuất, bán hàng (mua trực tiếp của nhà sản xuất, lô lớn; quản trị chi phí sản xuất…để có giá bán sản phẩm tốt nhất. Có thể nói Supe Lâm Thao với trách nhiệm và với tâm huyết của nhà sản xuất 59 năm truyền thống để hỗ trợ nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chúng tôi cần sự phát triển bền vững, ổn định chứ không cần lợi nhuận trước mắt nhất là khi giá nông sản đang thấp như thế này, lấy đâu ra tiền để bà con tái đầu tư?

Xuất bán sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xuất bán sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tình thế giá nguyên liệu tăng cao đó có bao giờ sẽ là cơ hội để cho hàng giả, hàng kém chất lượng len chân vào thị trường không thưa ông?

Đúng thế! Giá tăng cao là cơ hội, là ngõ ngách cho các loại phân kém thị trường để luồn lách vào vì họ đang bán sản phẩm thấp hơn so với các hãng phân lớn, có uy tín. Vừa rồi giá tăng, một số nơi bà con đã có tâm lý dừng mua của các hãng phân bón lớn, uy tín và thường giá bán của các nhà sản xuất này sẽ cao hơn để lấy hàng của những hãng “phân cỏ”. Những cơ sở sản xuất “phân cỏ” phân bón “trôi nổi” lập tức sống dậy, bán rất nhiều trên thị trường, nhất là ở những tỉnh miền núi.

Nếu không quản lý chặt thì sẽ rất nguy hiểm. Nông dân đang bị hai tác động kép, giá phân bón tăng nếu người tiêu dùng thông thái sẽ dùng lượng ít đi nhưng mua phân tốt còn đỡ chứ nếu ham rẻ, mua vào phải phân rởm, phân kém phẩm chất sẽ trả giá đến tận vụ năm sau bởi cây trồng bị suy kiệt.

Theo logic các nhà sản xuất lớn, có thực lực đã dự trữ được những lô nguyên liệu giá tốt còn phải tăng giá bán sản phẩm một cách chừng mực trong khi đó những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, mua nguyên liệu rồi sản xuất ngay, bán ngay thì giá sẽ phải tăng cao hơn thế không sẽ lỗ bởi cứ cộng nguyên liệu theo công thức là ra giá bán sản phẩm ngay.

Thế mà giá của họ lại thấp hơn nhiều? Đây là câu hỏi cho nhà quản lý và cả các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Theo tôi do vấn đề chất lượng bị rút ruột là chính bởi giá nguyên liệu cao thế này mà mỗi 1% dinh dưỡng bị giảm đi họ sẽ có lợi rất nhiều.

Xuất bán sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xuất bán sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông dự đoán tình hình thị trường phân bón sắp tới sẽ ra sao?

Thị trường phân bón sắp tới vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán chính xác nhưng cơ bản sẽ ở hai tình huống. Thứ nhất giá phân vẫn neo ở mức cao như hiện nay, các nhà sản xuất phân bón chân chính sẽ hết sức khó khăn bởi giá nguyên liệu cao thì giá sản phẩm phải cao, ảnh hưởng đến thị trường. Bà con nông dân cũng gặp khó khăn, sẽ ít đầu tư hơn.

Thứ hai là sẽ đảo chiều, xuống ở cuối quý III, đầu quý IV ở một số sản phẩm như Urê, DAP và một số nguyên liệu khác buộc các nhà sản xuất phải tính toán lại giá bán sản phẩm của mình. Nếu trước mua nguyên liệu giá cao thì khi thị trường xuống giá sản phẩm cũng phải xuống theo,  những nhà sản xuất lớn đã nhập kho nhiều nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng và họ cũng khó biết được thời điểm nào để mua dự trữ tiếp.  

Lượng tồn kho nguyên liệu, sản phẩm của Công ty hiện nay chỉ duy trì ở mức hợp lý. Tuy nhiên, nếu tăng mua nguyên liệu dự trữ, đẩy mạnh sản xuất và tăng tồn kho sẽ có rủi ro rất lớn nhất là trong bối cảnh mùa vụ ngoài Bắc cơ bản đã hết. Hơn nữa giá phân bón nguyên liệu cho sản xuất NPK đang mở mức rất rất cao. Vì vậy, với riêng Supe Lâm Thao có tính toán các phương án hết sức cụ thể linh hoạt vừa đáp ứng chân hàng vừa phải tránh rủi ro biến động giá.

Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện King Spider 93SC

King Spider 93 SC là hỗn  hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất