| Hotline: 0983.970.780

Trả giá đắt vì đánh bắt vi phạm IUU: [Bài 2] Ôm nợ, chuốc sầu

Thứ Tư 03/07/2024 , 09:29 (GMT+7)

Đa số những tàu cá đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chấp pháp bắt giữ là do chủ động vi phạm để cố 'săn' những mẻ cá lớn…

Tự chuốc khổ vào thân

Trước nguyện vọng được gặp anh Trần Tòng, ngư dân từng bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt, tịch thu 2 tàu cá do đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) của chúng tôi, ông Đinh Công Sướng, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Nhơn trăn trở: “Sau khi bị Malaysia bắt 2 tàu cá và sau 2 lần bị ngành chức năng Malaysia giam giữ, khi về quê, anh Tòng trở nên xa lánh cộng đồng, không muốn tiếp xúc với ai. Biết mấy anh là nhà báo chắc chắn anh Tòng không muốn tiếp xúc. Nếu có gặp thì chỉ gặp chị Nga - vợ anh Tòng”.

Nhắc đến bi cảnh của gia đình, chị Nguyễn Thị Nga không khỏi xúc động, tiếc nuối. Ảnh: V.Đ.T.

Nhắc đến bi cảnh của gia đình, chị Nguyễn Thị Nga không khỏi xúc động, tiếc nuối. Ảnh: V.Đ.T.

Được 1 cán bộ dẫn đường, chúng tôi đến căn nhà cấp 4, nơi vợ chồng anh Trần Tòng đang ở. Căn nhà gần như trống hoác, chẳng món đồ nội thất nào có giá trị, ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ phủ đầy bụi, chứng tỏ căn nhà này chẳng mấy khi đón khách.

Chị Nga tiếp chúng tôi với gương mặt vô hồn, buồn buồn kể: Năm 2016, chiếc tàu đóng mới mang số hiệu BĐ 97476 TS có trị giá 5,4 tỷ của gia đình chị bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt khi đang đánh bắt trên vùng biển nước này. Năm 2018, gia đình chị tiếp tục bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ chiếc tàu khác nhỏ hơn, mang số hiệu BĐ 95572 TS, được đóng vào năm 2010, có trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Theo chị Nga, cả 2 lần bị bắt, 2 chiếc tàu cá đều bị ngành chức năng Malaysia tịch thu, tất cả thuyền viên trên tàu đều bị giam giữ. Bị tịch thu 2 chiếc tàu, kể như toàn bộ tài sản của gia đình mất đứt, anh Trần Tòng gần như cắt đứt quan hệ với xã hội. Không làm gì, cả ngày anh Tòng chỉ quanh quẩn trong nhà, buồn thì mua xị rượu về uống 1 mình.

“Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, chồng tôi mới bắt đầu đi bạn cho tàu cá ở địa phương để kiếm thu nhập, phụ giúp gia đình trả lãi vay. Mừng nhất là anh ấy đã chịu hòa nhập với cộng đồng, chứ không xa lánh như trước đây”, chị Nguyễn Thị Nga ngậm ngùi nói.

Nhắc lại thời gian “ở ẩn” của anh Trần Tòng trước đây, chị Nga chia sẻ: Suốt hơn 5 năm nay, chồng chị cả ngày thui thủi trong nhà, chẳng buồn ăn buồn nói, sống như người mất hồn. Khách đến nhà hỏi thăm, anh Tòng cũng không buồn tiếp, trò chuyện thì nhát gừng, khách hỏi gì trả lời nấy, rất cộc lốc, với tâm trạng không muốn bày tỏ nỗi lòng. Thậm chí anh Tòng không muốn gặp bạn bè, người thân vì mặc cảm.

Chắp vá từ nhiều mẩu chuyện, chúng tôi biết ngư dân Trần Tòng mới 52 tuổi mà đã có hơn 30 năm trong nghề. Do đó, đường đi nước bước trên biển có chỗ nào anh cũng biết. Vì thế, nguyên nhân tàu cá của anh Tòng vi phạm vùng biển nước ngoài là vì anh làm liều, đi kiếm luồng cá lớn, chứ không phải “đi lạc” như nhiều ngư dân cùng cảnh ngộ thường chống chế.

Căn nhà của vợ chồng chị Nga ở bên hông chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) từng tưng bừng vui vẻ sau mỗi chuyến biển giờ buồn hiu hắt. Ảnh: V.Đ.T.

Căn nhà của vợ chồng chị Nga ở bên hông chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) từng tưng bừng vui vẻ sau mỗi chuyến biển giờ buồn hiu hắt. Ảnh: V.Đ.T.

Tất tả lo tiền chuộc chồng

Theo chia sẻ của chị Nga, trong thời gian còn hoạt động, anh Tòng phải “mua" bạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 6 triệu đồng/người/chuyến biển. Nghề lưới vây cần rất nhiều lao động, nên mỗi chuyến biển tàu của anh Tòng phải đi đến 14 người.

Trừ anh là chủ tàu, tiền bạn anh Tòng chi cho 13 lao động mất đến 72 triệu đồng, cộng tiền tổn 120 triệu đồng, vị chi 1 chuyến biển anh chi phí hết gần 200 triệu đồng. Nếu đánh bắt không có cá sẽ bị mất tiền tổn lẫn tiền “mua" bạn. Do vậy, anh Tòng làm liều cho tàu đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài để kiếm luồng cá lớn theo kiểu may nhờ rủi chịu, được ăn cả ngã về không.

“Chiếc tàu BĐ 97476 TS bị bắt năm 2016, sau khi về nhà, chồng tôi nản chí nghỉ đi biển nguyên năm 2017, dù nhà vẫn còn 1 tàu cá khác. Đến năm 2018, chồng tôi mới bắt đầu đi lại, thì đến tháng 8 năm ấy, bị bắt lần thứ 2”, chị Nga nhớ lại.

Trong 2 đợt tàu cá của gia đình bị bắt, chồng bị ở tù, chị Nguyễn Thị Nga ở nhà 1 nách lo cho 3 con ăn học, lại phải tất tả vay mượn tiền để chuộc chồng về nước. Khi ấy, chị phải mất cả tỷ đồng để chuộc chồng.

Căn nhà có mặt tiền đối diện chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chị Nga định bán để giải gánh nợ của ngân hàng. Ảnh: V.Đ.T.

Căn nhà có mặt tiền đối diện chợ Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chị Nga định bán để giải gánh nợ của ngân hàng. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi ấy, ngành chức năng Malaysia kêu án chồng tôi 24 tháng tù ở, họ tính mỗi tháng bao nhiêu tiền mình phải đóng phạt họ mới cho chồng tôi về, tính cả tiền máy bay đi lại mất cả tỷ đồng”, chị Nga ngậm ngùi nhớ lại.

Sau lần ấy, nếu ngư dân Trần Tòng từ bỏ lòng tham kiếm mẻ cá lớn, từ bỏ việc đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài thì vợ anh, chị Nguyễn Thị Nga không phải tất tả lo chạy tiền chuộc chồng, chuộc thuyền viên thêm 1 lần nữa.

“Chuyến biển tàu BĐ 95572TS bị bắt vào lần thứ 2 vào năm 2018. Sau khi bắt, tất cả thuyền viên trên tàu bị tạm giam 14 ngày, sau đó ngành chức năng Malaysia kêu án chồng tôi là tài công 1 năm tù, thuyền viên 8 tháng tù. Tôi lại phải "ôm" tiền qua chuộc chồng và tất cả anh em thuyền viên về, không để họ ngồi tù ngày nào. Đợt sau về chồng tôi bị sốc tâm lý nặng nên mới xa lánh xã hội”, chị Nga chia sẻ.

Tâm niệm của chị Nga là bây giờ buôn bán chỉ để kiếm ăn qua ngày, còn số nợ khoảng gần 1 tỷ đồng lúc trước vay ngân hàng để đóng tàu lâu nay chưa trả được, chị đang tính đến chuyện bán căn nhà mặt chợ để trả cho xong gánh nợ nần.

"Lúc đóng chiếc ghe đầu tiên mang số hiệu BĐ 97476 TS có trị giá 5,4 tỷ đồng, 2 vợ chồng vét hết vốn liếng tích góp được gần 3 tỷ, vợ chồng tôi phải vay thêm hơn 2 tỷ nữa mới đủ tiền đóng tàu, giờ còn dính ngân hàng khoảng gần 1 tỷ đồng, những khoản nợ bên ngoài mấy năm nay tôi trả đã gần hết. Bây giờ mua bán khó khăn, không còn đủ sức trả lãi ngân hàng mỗi tháng 7 - 8 triệu đồng, buôn bán nhỏ lẻ kiếm chưa đủ ăn hằng ngày lấy tiền đâu trả lãi. Bán nhà mặt chợ xong tôi ra chợ kiếm chỗ buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày", chị Nga ngậm ngùi nói.

“Trước đây, gia đình ông Trần Tòng giàu có hạng ở Hoài Hương. Sau khi 2 tàu cá của gia đình bị bắt, kinh tế của gia đình ông Tòng suy sụp, ông Tòng bị sốc tâm lý, suốt mấy năm liền không làm ăn gì, mọi việc trong nhà bà vợ cáng đáng hết nên khổ lắm”, chị Phan Thị Tiến, người bán trái cây tại chợ Hoài Hương, cho hay.

Xem thêm
Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

HÀ TĨNH Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Chống khai thác IUU: Không nhân nhượng vì lợi ích quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu Dù đã thực hiện nghiêm chống khai thác IUU nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài với các thủ đoạn tinh vi.

Cà Mau đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm

Cà Mau vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì.

Hơn 220 suất quà có ý nghĩa đến với ngư dân Quảng Ngãi

Những suất quà là nguồn cổ vũ, động viên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.