Năm 2013, nghị quyết 62 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện nhỏ. Nhưng đến nay, các thủy điện nhỏ được xây dựng vẫn có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Nam.
Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. Chỉ cần nhà đầu tư thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động bổ sung dự án vào quy hoạch.
Chỉ riêng tỉnh Lai Châu đã có tới 137 thủy điện được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và hiện đã có 95 dự án được tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư. Thử hỏi với 137 dự án thủy điện thì tỉnh Lai Châu sẽ phải chặn bao nhiêu con suối, làm ngập mất bao nhiêu ha rừng đầu nguồn, cắt chân bao nhiêu dãy núi để làm đường tới thủy điện?...
Trên thực tế, Lai Châu cũng như các địa phương khác khi phê duyệt dự án thủy điện đều đặt nặng mục đích kinh tế như cấp điện sinh hoạt cho dân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng là người hưởng lợi ích kinh tế từ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất là nhà đầu tư tư nhân nhưng thiệt hại nhiều nhất từ thiên tai, từ xả lũ của thủy điện nhỏ là dân vùng hạ du.
Sự cố mưa lũ lớn tại miền Trung những ngày qua cho thấy các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không thực hiện được chức năng thoát lũ, cắt lũ. Dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao, tức tích nước phát điện. Trong khi lũ về, chúng thường xả thẳng xuống hạ du.
Việc phát triển hệ thống thủy điện nhỏ phải hết sức thận trọng, không vì lợi ích nhỏ mà tàn phá môi trường trên diện tích lớn. Khi xây dựng các thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa buộc các chủ đầu tư phải cắt chân các dãy núi để làm đường tới công trình, nên nguy cơ sạt lở núi rất lớn.
Vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ và quy định chỉ được xây dựng thủy điện nhỏ tại khu vực nào, không thể chỗ nào có tiềm năng là đặt nhà máy. Và chỉ nên phát triển thủy điện nhỏ ở những sông suối nhỏ, không phải làm đập cao, ít tác động đến môi trường.
Ngoài ra, từ sự cố thủy điện Rào Trăng 3 và từ những vi phạm tại thủy điện Tả Thàng, Lào Cai cần xem lại chất lượng xây dựng, kết cấu các thủy điện nhỏ, chất lượng kè hai bên đập của các nhà máy thủy điện nhỏ. Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân làm có chất lượng kém, không đảm bảo an toàn công trình, có nguy cơ vỡ đập khi lũ lớn. Cần quy trách nhiệm cho người cấp phép, người có trách nhiệm giám sát chất lượng, nghiệm thu kỹ thuật công trình thủy điện nhỏ để xảy ra sự cố tại các địa phương.