| Hotline: 0983.970.780

Trại heo rừng giữa lòng Sài Gòn

Thứ Năm 21/05/2009 , 11:15 (GMT+7)

Chỉ nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng vài cây số, trại heo rừng Phú Hữu hiện đang tổ chức chăn nuôi, thuần dưỡng hàng trăm con heo rừng giống nhập ngoại,...

Chỉ nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng vài cây số, trại heo rừng Phú Hữu hiện đang tổ chức chăn nuôi, thuần dưỡng hàng trăm con heo rừng giống nhập ngoại, nuôi hoàn toàn theo quy trình bán hoang dã.

Chủ heo... bất đắc dĩ

Tìm đến trại heo rừng Phú Hữu, ở số 618/27, đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9 (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến đàn heo rừng hàng trăm con đang sục sạo quanh một khoảng trống sân vườn rộng phía trước những dãy chuồng. Dẫn chúng tôi vào tham quan khu trại nuôi, anh Nguyễn Thanh Vân, chủ trại Phú Hữu giới thiệu rành rọt đặc tính của từng con giống heo rừng mới được nhập ngoại từ Thái Lan về.

Chỉ vào đàn heo nái ngoại trên tai có bấm thẻ xanh, đỏ, anh Vân giải thích: “Toàn bộ những con heo giống tai đeo thẻ xanh là đã được bấm sẵn từ bên Thái, còn những con đeo thẻ đỏ là do trong quá trình vận chuyển về trại bị rớt nên ngành thú y phải kiểm tra bấm lại thẻ để theo dõi…”. Tìm hiểu về hành trình đến với “nghiệp heo rừng”, chúng tôi nghe anh Vân kể: Từng là một cán bộ giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sau đó anh đã thôi nghề khi chứng kiến ông Trương Ngạt - một chủ trang trại đã liên tục bị thất bại với các mô hình chăn nuôi ngay trên mảnh đất gia đình anh cho thuê.

Năm 2004, ông Ngạt chuyển hướng sang nhập heo rừng từ Thái Lan về nuôi, nhưng ngay từ chuyến đầu tiên heo đã bị chết gần hết do không có kinh nghiệm vận chuyển và nuôi dưỡng. Do bị hao hụt một khoản vốn lớn, ông Ngạt tính “giải nghệ” nghề nuôi. Nhưng lúc này anh Vân thấy bỏ uổng, vì hệ thống chuồng trại đã có sẵn nên mạnh dạn gặp ông Ngạt để bàn phương hướng cùng hợp tác, người nhập hàng về, người triển khai nuôi và đôi bên đã thống nhất. Từ đó ông chủ Nguyễn Thanh Vân bắt đầu “kiêm” luôn nghề nuôi và kinh doanh heo rừng giống ngoại nhập cho đến nay.

Anh Nguyễn Thanh Vân: “Thịt heo rừng có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon lại ít mỡ nên được mọi người ưa chuộng. Chính vì vậy mà heo rừng trong thiên nhiên hoang dã đã bị săn lùng ráo riết. Tâm nguyện của tôi muốn nhập và nhân giống heo rừng để bảo tồn. Hiện trại đang giữ lại những con giống bố mẹ chuẩn để nghiên cứu thử nghiệm cho lai gen ngoại…!”.

Năm 2006-2007, ông chủ Vân đã quyết định đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vào xây dựng mở rộng thêm quy mô trại nuôi heo rừng trên diện tích 4.000 m2. Trại heo được chia làm 6 khu với khoảng 30 chuồng nuôi, có những khoảng sân trống rộng, được thiết kế quy trình nuôi theo điều kiện bán hoang dã. Gồm những khu chuồng trại cho heo giống con, nhỡ, heo sắp đẻ, heo đang cho bú, hay khu dưỡng heo yếu, bệnh… tất cả các khu đều được bố trí cách ly nhằm dễ quản lý và kiểm soát từng loại. Ngoài ra còn có các hệ thống đường nước ngầm được lắp đặt xung quanh các dãy chuồng nuôi.

Ông Phạm Văn Nhơn, người trực tiếp quản lý trại heo cho biết: “Số lượng đàn heo giống từ 2-3 tháng tuổi trong trại hiện còn khoảng 100 con và trại đang giữ lại 50 con heo nái bố mẹ chuẩn để gầy giống; trong đó có 4 con heo mẹ đang đẻ. Ngoài ra trại cũng nhập về nuôi đàn heo thịt và thường ưu tiên cung cấp cho những mối khách đặt hàng trước”. Theo ông Nhơn, có lúc số lượng đàn heo giống nhập về trại lên đến 300 con (khoảng 15 kg/con), hầu hết đều được tuyển chọn rất kỹ từ Thái Lan.

Tuy nhiên, hiện nay lượng heo giống tuyển chọn nhập về vẫn không đáp ứng kịp cho khách hàng. Hiện heo rừng giống của trại Phú Hữu đang bán với giá cũng khá “mềm”, từ 220.000 -280.000 đ/kg (tùy loại); còn giá heo rừng thịt 120.000 đ/kg do vậy khi nghe heo vừa nhập về đến trại là nhiều mối khách hàng đến chọn “rinh” liền. Mới đây, có khách hàng từ Hà Nội tìm vào đòi mua cả đàn heo (mẹ và con) về nuôi, biết khó từ chối được khách hàng nên ông chủ Vân đành phải gật đầu bán. Hay cũng có những người tìm đến trại chỉ vì muốn mua được một con heo rừng chuẩn về cho cả gia đình cùng thưởng thức…

Bảo tồn heo rừng hoang dã

Kinh nghiệm của anh Vân cho thấy, con giống tuyển chọn nhập từ Thái lan về vẫn chuẩn hơn so với đàn heo con sinh sản tại trại. Nhìn giống heo rừng nhập bụng thon, mỏ dài, lưng thẳng, lông màu vàng nâu, còn những con heo sinh sản tại trại bụng to, mỡ… không đẹp bằng. Hiện đàn heo rừng giống của trại Phú Hữu được nhập từ Thái Lan về nuôi, thuần dưỡng và đang cho sinh sản tốt. Nhất là đối với những con giống bố mẹ đang được trại nuôi và tuyển chọn kỹ càng để tránh tình trạng thoái hóa giống.

Theo anh Vân, việc nuôi heo rừng cũng đơn giản, chúng thường thích nghi với môi trường hoang dã và ăn tạp. Thức ăn hàng ngày của chúng có thể tận dụng các loại rau, củ, quả từ các chợ... Chuồng trại chỉ cần giữ vệ sinh, rào lưới thép B40 hoặc xây tường bằng xi măng đủ cao để quản lý tốt đàn heo. Một con heo rừng phát triển bình thường thì 8 tháng đã có thể xuất chuồng.

Trong hướng phát triển, trại heo rừng Phú Hữu đang tiến hành thành lập HTX (Tổ hợp tác trang trại Phú Hữu) liên doanh nuôi và tiêu thụ heo rừng theo phương thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thu mua vào luôn cao hơn thị trường. Đồng thời, xây dựng các “vệ tinh” và phát động rộng rãi phong trào nuôi heo rừng trong các hộ dân xung quanh địa bàn. Chủ trại heo rừng Nguyễn Thanh Vân bộc bạch: “Hy vọng thời gian tới trại heo chúng tôi sẽ tăng cường thêm quy mô nuôi và nhập giống chuẩn nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hơn nữa thịt heo rừng sẽ trở nên phổ biến và đi vào bữa ăn hàng ngày của mỗi hộ dân, chứ không còn là món nhậu giá cao nữa!”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất