| Hotline: 0983.970.780

Trao quyết định công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Ba 27/04/2021 , 14:38 (GMT+7)

Huyện Cần Giờ nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao bằng công nhận 'Huyện Cần Giờ, TP.HCM đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020'. Ảnh: X.A.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao bằng công nhận "Huyện Cần Giờ, TP.HCM đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020". Ảnh: X.A.

Phát triển Cần Giờ trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai

Sáng 27/4, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ sự vui mừng: "Cuối năm 2020, TP.HCM vui mừng đón nhận Cù lao Gò Gia được Chính phủ công nhận thuộc TP.HCM sau hơn 40 năm chồng lấn địa giới hành chính với tỉnh Đồng Nai, và nay một lần nữa hết sức vui mừng khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn NTM năm 2020 và công nhận xã Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM. Đây không chỉ là niềm vui của huyện Cần Giờ mà còn là niềm vui của Thành phố khi chứng kiến huyện Cần Giờ đã phát triển hơn, trình độ sản xuất tiên tiến hơn, nông dân chuyên nghiệp hơn và sản phẩm có sức cạnh tranh cao, môi trường, cảnh quan nông thôn, xanh, sạch, đẹp".

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Cần Giờ dù xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của người dân năm 2020 đã tăng lên 63,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập của người dân xã Thạnh An đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% so với thu nhập bình quân huyện Cần Giờ.

"Đây là công sức, trí tuệ, tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ cha anh đi trước, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho một vùng đất mới, vùng đất anh hùng. Con đường phía trước của Cần Giờ đang mở ra với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Cần Giờ phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực không ngừng vươn lên", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: X.A.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: X.A.

Ông Phong cho rằng, Cần Giờ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; tăng cường phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, xem đây là giải pháp nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cần Giờ cần bám sát định hướng phát triển của Thành phố, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, đề án đã đề ra, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương để phát triển. Chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện nhà, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Tiếp đến là đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công-nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng nông thôn kiểu mẫu; kết hợp chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ".

Diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ là 70.421,58 ha; diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha (chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện), có trên 20.000 ha mặt nước biển sử dụng cho đánh bắt thủy hải sản gần bờ, 10.000 ha đất và mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và gần 1.500 ha đất sản xuất muối. Ảnh: Duy Tạch.

Diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ là 70.421,58 ha; diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha (chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện), có trên 20.000 ha mặt nước biển sử dụng cho đánh bắt thủy hải sản gần bờ, 10.000 ha đất và mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và gần 1.500 ha đất sản xuất muối. Ảnh: Duy Tạch.

Song song đó, Cần Giờ cần tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình đã đầu tư; thực hiện tốt phong trào bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục rà soát, có kế hoạch triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư tại đô thị, khu dân cư tại các xã, thị trấn. Phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để áp dụng kịp thời, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng người dân xã đảo Thạnh An.

Người đứng đầu UBND TP.HCM đánh giá, Cần Giờ là địa phương duy nhất của Thành phố tiếp giáp biển, có bờ biển dài, bãi biển rộng và chỉ cách trung tâm thành phố 50km, đây là yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển Cần Giờ trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai. Do đó, ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cần Giờ cần đột phá về nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa chú trọng phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để có thể gánh vác tương lai của Cần Giờ.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, lãnh đạo Thành phố sẽ luôn theo dõi từng bước đi lên của huyện Cần Giờ và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để huyện Cần Giờ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nông dân ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM thu hoạch muối. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nông dân ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM thu hoạch muối. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phấn đấu 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, từ xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ còn nhiều khó khăn; bên cạnh đó, tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa được đầu tư, khai thác có hiệu quả; thu nhập dân cư thấp; hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn… Đến nay, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 đã đáp ứng được sự mong mỏi và tinh thần quyết tâm của Đảng bộ - chính quyền và nhân dân cho việc phát triển huyện Cần Giờ.

6/6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và được UBND TP.HCM ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn chỉnh làm cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, các trường học trên địa bàn huyện được đầu tư đạt chuẩn quốc gia các cấp độ. Chính sách an sinh xã hội đã góp phần ổn định đời sống của người lao động, chăm lo kịp thời và hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực sự mang lại hiệu quả, giảm bớt phần nào khó khăn của người nghèo, giữ vững mức sống người dân hạn chế bị giảm sút, ổn định đời sống của nhân dân, ổn định về trật tự xã hội. Tính đến cuối năm 2019, giá trị sản xuất bình quân là 365 triệu đồng/ha/năm tăng 22,9% so với năm 2015 (năm 2015 là 297 triệu đồng/ha).

Đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng/người năm 2010 tăng lên 58,524 triệu đồng/người năm 2019, xã cao nhất đạt 60,084 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm đạt 43,6% năm 2010; đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hiện nay hộ nghèo theo chuẩn 21 triệu đồng/người/năm và theo 5 chiều thiếu hụt giảm còn 0,1%. Tỷ lệ lao động có việc làm tại 6 xã nông thôn mới đạt 95,75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 84,96%, trong đó tại 6 xã nông thôn mới đạt 85,84%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,08%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 5 tuổi là 2,43%...

Tại 6 xã xây dựng nông thôn mới có 16 hợp tác xã (trong đó có 13 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và 3 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải) với 249 thành viên và 78 tổ hợp tác tổ sản xuất nông nghiệp trên diện tích 1.049,62 ha với 736 tổ viên.

Từ những kết quả đó, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ khẳng định, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, Cần Giờ sẽ tập trung giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã và huyện. Phấn đấu giai đoạn năm 2021-2025, có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại duy trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tập trung phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mang tính hợp tác.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tập trung giảm hộ nghèo bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM

Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Thạnh An là xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM, kể từ ngày 1/7/2021, xã đảo Thạnh An sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đối với xã đảo như Nghị định 76/2019.

Xã đảo Thạnh An. Ảnh: Luynh Biển.

Xã đảo Thạnh An. Ảnh: Luynh Biển.

Thạnh An là một trong sáu xã thuộc huyện Cần Giờ, nằm ở phía Đông Nam của TP.HCM, cách trung tâm huyện khoảng 08 km tính theo đường chim bay và cách trung tâm thành phố khoảng 50km, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Xã Thạnh An rộng hơn 13.131ha (chiếm 18,66% diện tích tự nhiên của Cần Giờ), hơn 1.130 hộ với khoảng 4.500 người. Nơi đây được xem là khu vực đặc biệt khó khăn của TP.HCM.

Với việc được công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Thạnh An thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân xã đảo.

Người lao động làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc xã đảo sẽ hưởng các ưu đãi về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.