| Hotline: 0983.970.780

Tri thức nghề nông: Về Đông Trường Sơn nghe cây mía ‘hát’

Thứ Bảy 03/02/2024 , 16:30 (GMT+7)

GIA LAI Với người BahNar ở vùng Đông Trường Sơn, có được cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay không thể không nhắc đến cây mía.

Đưa cơ giới hóa vào cánh đồng mía lớn tại huyện Kbang. Ảnh: Tuấn Anh.

Đưa cơ giới hóa vào cánh đồng mía lớn tại huyện Kbang. Ảnh: Tuấn Anh.

Cánh đồng mía lớn nhất nước

Cánh đồng mía thuộc thị xã An Khê và 3 huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai là cánh đồng mía lớn nhất cả nước (tính đến thời điểm hiện tại) với khoảng hơn 30 ngàn ha mía nguyên liệu, năng suất 75 tấn/ha. Toàn bộ vùng mía nguyên liệu ở đây để phục vụ cho Nhà máy đường An Khê, cũng là nhà máy có công suất lớn nhất nước hiện nay.

Rời Quốc lộ 19 ở Đài Chiến thắng huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai), chúng tôi vào đường Đông Trường Sơn huyền thoại để đến huyện Kbang. Con đường thảm nhựa phẳng lỳ, mềm mại như một dải lụa xuyên qua những cánh đồng mía bạt ngàn, khi thì ở dưới lũng sâu, lúc men theo những sườn đồi thoai thoải, có lúc dũng mãnh leo hẳn lên những đỉnh đồi. Đứng trên đỉnh đồi, phóng tầm mắt về phía xa là bạt ngàn mía. Nhìn xung quang, mía len lỏi khắp các thung xa lũng gần, xanh ngát đến tận đường chân trời…

Những người BahNar lớn tuổi ở các xã Kông Lơng Khơng, Kông Hla, Lơ Ku, Tơ Tung… (huyện Kbang) bây giờ vẫn chưa quên được cái đói đeo bám, rình rập dưới những chân cầu thang nhà sàn bởi trước kia vùng đất này chỉ canh tác sắn, khoai, lúa rẫy và gieo hạt xuống rồi phó thác cho… Yang (trời).

Còn giờ đây, mía được xem là cây chủ lực của huyện Kbang với trên 10 ngàn ha trải rộng trên địa bàn 7 xã trọng điểm.

Hiện nay, khâu thu hoạch mía đã hoàn toàn được cơ giới hóa. Ảnh: Tuấn Anh.

Hiện nay, khâu thu hoạch mía đã hoàn toàn được cơ giới hóa. Ảnh: Tuấn Anh.

Điều đặc biệt, không ít diện tích mía ở đây đã được gom lại thành những cánh đồng lớn. Thống kê của Nhà máy đường An Khê cho thấy, toàn huyện có trên 100 cánh đồng mía lớn với khoảng trên 3.000ha. Mỗi cánh đồng lớn như vậy có diện tích khoảng 30ha trở lên. Điều này đã mang đến nhiều thuận tiện trong việc canh tác, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng mía nơi đây.

Cơ giới trên cánh đồng mía lớn

Mùa này đang là chính vụ thu hoạch mía ở vùng Đông Trường Sơn. Đứng trước cổng Nhà máy đường An Khê, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm xe tải chất đầy mía đợi đến lượt lên bàn cân. Anh Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy đường An Khê cho biết: “Hiện đang có trên 200 xe mía đang đợi lên cân. Với nhiêu đó xe, chỉ cần khoảng 8 - 10 tiếng là cân xong toàn bộ, bởi Nhà máy đã đầu tư hệ thống cân hiện đại, theo đó giảm được thời gian, mía không bị mất chữ đường khi phải đứng đợi lâu dưới trời nắng”.

Máy thu hoạch mía có công suất 300 tấn/ngày. Ảnh: Tuấn Anh.

Máy thu hoạch mía có công suất 300 tấn/ngày. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo anh Phước, thời gian qua, Nhà máy đã không tiếc tiền đầu tư mạnh để cơ giới hóa các khâu như làm đất, thả hom, chăm sóc đến thu hoạch. Cụ thể, hiện Nhà máy có một xí nghiệp cơ giới gồm 350 máy cày công suất lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, 8 máy thu hoạch, cùng với hàng trăm phương tiện cơ giới khác.

Anh Phước bảo muốn có hiệu quả thì phải đưa cơ giới vào sản xuất, mà muốn cơ giới hóa sản xuất thì phải có cánh đồng lớn. Theo tính toán của anh Phước, một máy thu hoạch mía có thể thu hoạch 300 tấn mía/ngày, tương đương với 300 lao động thu hoạch thủ công. Về chi phí, nếu thu hoạch thủ công theo phương thức truyền thống phải mất khoảng 200 - 220 ngàn đồng/ha, trong khi thu hoạch bằng máy chỉ hết 150 - 170 ngàn đồng.

“Thu hoạch bằng máy cây mía được cắt đều sát gốc, theo đó mía sẽ nảy mầm và lên đều ở vụ sau. Chưa kể, thu hoạch bằng máy thì sau khi thu, có khoảng 15 tấn lá sẽ được để lại trên mỗi ha, đây là nguồn phân hữu cơ dồi dào cho vụ mía sau”, anh Phước chia sẻ.

Cây mía được trồng trên cánh đồng lớn không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian lao động, tiết kiệm chi phí mà năng suất còn tăng lên rõ rệt. Khi canh tác trên cánh đồng lớn, có sự hỗ trợ của cơ giới ruộng mía sẽ được bón đều, đủ lượng phân bón và nước tưới, khâu làm cỏ cũng sẽ kỹ hơn làm thủ công. Do vậy, mỗi ha mía ở cánh đồng lớn có năng suất cao hơn trồng thông thường từ 10 - 20 tấn. Theo đó, thu nhập của người trồng mía cũng tăng lên rõ rệt.

Việc thu hoạch bằng máy giúp người dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc thu hoạch bằng máy giúp người dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Tuấn Anh.

“Nhà máy đã có những đầu tư trực tiếp cho vùng nguyên liệu mía, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phi, tăng lợi nhuận hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Điều quan trọng hơn, Nhà máy đã nâng được công suất chế biến từ 2.000 tấn lên 18.000 tấn mía/ngày, qua đó đáp ứng kịp thời cho người dân trồng mía, từ đó duy trì và tăng trưởng ổn định vùng nguyên liệu”.

Những nụ cười của người BahNar

Người BahNar, đặc biệt là phụ nữ rất kiệm lời. Rất nhiều lần đi công tác về vùng đồng bào BahNar, khi gặp một phụ nữ BahNar đang đi trên đường với chiếc gùi sau lưng, dừng xe lại hỏi đường thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Ai “hào phóng” lắm thì đưa tay chỉ về một hướng nào đó, rồi lẳng lặng mang gùi đi tiếp. Nhưng với chị Đinh Thị Sách (làng Bờ - Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) thì hoàn toàn khác. Hỏi đến đâu, chị nói đến đấy, thậm chí còn vui vẻ nói những điều mà chúng tôi chưa kịp hỏi.

Vợ chồng chị Sách có hai người con đều đã có vợ, có chồng và ra ở riêng. Riêng anh con trai được nhận vào làm công nhân cho Nhà máy đường An Khê, hàng ngày điều khiển phương tiên cơ giới “lang thang” trên khắp những cánh đồng mía lớn ở vùng mía Đông Trường Sơn.

Gia đình chị Sách hiện có hơn 3ha mía được trồng trên cánh đồng mía lớn có diện tích khoảng 150ha của hơn 80 hộ dân cùng tham gia. Chị kể, ngày trước làm nông bấp bênh, không đủ ăn. Từ khi có Nhà máy đường An Khê, bà con tham gia trồng mía nên cuộc sống đỡ cực hơn. Tuy nhiên, trồng mía trước đây vất vả lắm, chỉ làm thủ công. Có những hôm trên người chằng chịt những vết cắt của lá mía, cộng thêm mồ hôi vã ra nên xót không chịu nổi.

“Làm mía bây giờ nhàn lắm do có máy làm thay hết rồi. Nhiều hôm hai vợ chồng ra ruộng mía cũng chỉ để ngồi chơi và… ngắm máy móc làm thay mình thôi”, chị Sách nói rồi nở nụ cười tươi như những tia nắng đang rót mật vàng trên miên man đồng mía.

Người BahNar đã nở nụ cười trên cánh đồng mía lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Người BahNar đã nở nụ cười trên cánh đồng mía lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Để có được cánh đồng mía lớn như thế này, ngoài việc vận động của chính quyền địa phương, việc hỗ trợ mọi mặt từ phía Nhà máy đường An Khê là không thể không kể đến, bên cạnh đó còn có những nông dân tiên phong như anh Đinh Văn Thinh ở làng Bờ - Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng. Thinh là mẫu đàn ông BahNar nhạy bén, năng nổ, có trách nhiệm với người làng trong việc giúp nhau sản xuất. Chính Thinh là người đã đứng ra vận động bà con dồn điền đổi thửa, làm nên cánh đồng mía tập trung rộng trên 150ha của trên 80 hộ dân nơi đây.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2015, gia đình Thinh cũng như phần lớn người dân trong làng trồng mía manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả không cao. Trong khi đó phía Nhà máy đường An Khê lại có đầy đủ các trang thiết bị máy móc từ khâu cày bừa, làm đất, bón phân. Đặc biệt đối với khâu thu hoạch, việc sử dụng cơ giới hóa rất thuận tiện, người dân không phải mất nhiều công sức, giảm được chi phí. Hơn nữa, việc tham gia vào cánh đồng mía lớn sẽ được nhà máy hỗ trợ các chính sách về đầu tư, bao tiêu sản phẩm...

Từ đó, anh Thinh suy nghĩ, tại sao không tham gia vào cánh đồng mía lớn để chủ động hơn trong việc trồng, chăm sóc, cũng như thu hoạch mía. Sau đó, anh đã vận động người dân trong làng có diện tích mía gần nhau tập hợp lại thành cánh đồng mía lớn.

“Khi vận động tham gia cánh đồng mía lớn, nhiều hộ dân trong vùng thậm chí còn chưa biết trồng mía, chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây mì. Nhiều hộ dân còn lo sợ giá mía xuống thấp, càng trồng càng lỗ nên không dám thay đổi. Sau khi thuyết phục, chỉ cho họ cách trồng mía, nhiều hộ dân mới mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến giờ, tất cả người dân trong làng đều đã chuyển qua trồng mía và tham gia cánh đồng mía lớn”, anh Thinh nói và cho biết, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía luôn ổn định, giúp người dân trong làng có nguồn thu nhập khá, thậm chí có của ăn, của để.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, trước đây, người BahNar canh tác theo phương thức lạc hậu nên đời sống kinh tế gặp nhiều bấp bênh. Từ khi triển khai xây dựng các cánh đồng mía lớn, đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là cộng đồng người BahNar trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Huyện đang vận động bà con tham gia cánh đồng lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với cơ giới hóa để nâng cao năng suất lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con, đặc biệt là đồng bào BahNar trên địa bàn.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.