Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị “Triển khai một số nội dung Nghị định số 91/2024/NĐ-CP về dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP”.
Sự kiện thu hút gần 190 đại biểu từ các cơ quan trực thuộc Cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý Dự án lâm nghiệp, Sở NN-PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và đại diện bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (EVN), tổ chức quốc tế, tư vấn liên quan.
Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Nghị định mới tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian qua.
Một trong các nội dung sửa đổi, bổ sung nổi bật là đã làm rõ đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bao gồm bổ sung danh mục cụ thể các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp và các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có vị trí nằm trong hoặc tiếp giáp khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Những đối tượng này sẽ phải thực hiện trách nhiệm chi trả theo quy định.
Nghị định 91/2024/NĐ-CP còn bổ sung nội dung chi không thường xuyên cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và cấp tỉnh. Đồng thời, chủ rừng là tổ chức (trừ doanh nghiệp) có thể sử dụng nguồn thu này để chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong trường hợp ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo đầy đủ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định số tiền trích để chi cho công tác quản lý của chủ rừng là tổ chức sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng.
Tại Hội nghị, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng cung cấp thông tin về Nghị định 107/2022/NĐ-CP, liên quan đến thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính và quản lý tài chính từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải tại vùng Bắc Trung bộ.
Các đại biểu đánh giá cao Nghị định 91/2024/NĐ-CP và cho rằng Nghị định này đã giải quyết nhiều bất cập, đặc biệt đối với các tổ chức chủ rừng, qua đó tạo tiền đề quan trọng để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai hiệu quả hơn trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho rằng, mỗi bước tiến của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ là bước tiến của ngành lâm nghiệp.
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP và Nghị định số 107/2022/NĐ-CP cũng sẽ thúc đẩy mở ra cơ hội khai thác thêm những tiềm năng, giá trị đa dụng quý giá từ rừng, đặc biệt là giá trị về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện đang được xem là nguồn tài chính bền vững, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chính sách này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, mà còn nâng cao nhận thức về vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu.