Triều Tiên đã trưng bày thứ có vẻ là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới tại cuộc duyệt binh diễn ra tối 14/1, đánh dấu sự kết thúc của một đại hội chính trị mà tại đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận những thất bại nghiêm trọng nhưng cam kết sẽ thúc đẩy sức mạnh quân sự của quốc gia.
Mặc áo khoác da đen, đeo găng tay và đội mũ lông, ông Kim mỉm cười và vẫy tay khi theo dõi cuộc duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Vũ khí mạnh nhất thế giới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, lần lượt tiến vào quảng trường, thể hiện sức mạnh của các lực lượng vũ trang cách mạng”.
Các bức ảnh được KCNA công bố cho thấy SLBM được dán nhãn Pukguksong-5, có khả năng đánh dấu sự nâng cấp so với Pukguksong-4 đã được công bố tại một cuộc duyệt binh lớn hơn vào tháng 10 năm ngoái.
“Tên lửa mới chắc chắn trông dài hơn”, Michael Duitsman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin có trụ sở tại California, cho biết trên Twitter.
Ankit Panda, một thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace cho biết cuộc diễu hành cũng trưng bày “một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới chưa từng thấy”.
Các tên lửa với "khả năng tấn công mạnh mẽ để tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù bên ngoài lãnh thổ theo cách phủ đầu" cũng được trưng bày, KCNA đưa tin.
Cụm từ cho thấy vũ khí có tầm bắn vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên và ít nhất có thể vươn tới Nhật Bản.
Không giống như cuộc duyệt binh vào tháng 10, cuộc duyệt binh hôm 14/1 không trưng bày các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất của Triều Tiên, được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết cuộc duyệt binh tự bản thân nó không nhằm mục đích khiêu khích mà là một dấu hiệu đáng lo ngại về các ưu tiên của Bình Nhưỡng.
“Nền kinh tế đang bị căng thẳng nghiêm trọng do đóng cửa biên giới [vì đại dịch], quản lý chính sách yếu kém và các lệnh trừng phạt quốc tế", ông nói. “Bất chấp hoặc có lẽ vì điều này, ông Kim Jong-un cảm thấy cần phải dành những nguồn lực khan hiếm cho một màn chính trị-quân sự khác”.
'Bậc thầy áo sắt bất khả chiến bại'
Một số nhà phân tích đặt câu hỏi về các ưu tiên của Triều Tiên trước những thách thức kinh tế của nước này.
Nhưng ông Kim cũng muốn khẳng định sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Triều Tiên và mô tả Hoa Kỳ, quốc gia có quân đội ở Hàn Quốc và Nhật Bản, là "kẻ thù lớn nhất" của Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên muốn gửi thông điệp về sức mạnh trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden vào ngày 20/1.
Triều Tiên đang chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm và Tổng thống đắc cử Biden, người từng là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama, dự kiến sẽ đi theo một cách tiếp cận ngoại giao chính thống hơn.
Cuộc duyệt binh hôm 14/1 cũng bao gồm bộ binh, pháo binh, xe tăng và một màn trình diễn trên không trong đó máy bay xếp thành số 8 để kỷ niệm đại hội, KCNA đưa tin.
"Các đơn vị tinh nhuệ hùng vĩ và hàng ngũ áo sắt bất khả chiến bại của nước Cộng hòa (dân chủ Triều Tiên) sẽ tự hào đi qua Quảng trường Kim Nhật Thành đại diện cho quyền lực tuyệt đối của chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Jong Gwan cho biết trong một bài phát biểu trước cuộc duyệt binh tối 14/1, bản tin của KCNA cho biết.
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) chỉ đơn giản cho biết họ đang phân tích các loại vũ khí được trưng bày trong lễ duyệt binh, hãng Yonhap đưa tin.