| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây sương sâm, thu tiền tỷ mỗi năm từ 0,2ha đất cằn

Thứ Năm 24/03/2022 , 08:35 (GMT+7)

QUẢNG NAM Cây sương sâm chủ yếu thu hoạch lá để chế biến thạch giải khát. Giá bán lá sương sâm tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg.

Cây sương sâm là loại cây dây leo, sản phẩm phu hoạch chủ yếu là lá. Ảnh: L.K.

Cây sương sâm là loại cây dây leo, sản phẩm phu hoạch chủ yếu là lá. Ảnh: L.K.

Chỉ với 2.000m2 trồng cây sương sâm, mỗi năm mang lại doanh thu cho ông Nguyễn Quang Định (thôn Diêm Phổ, Tam Anh Nam, Núi Thành, Quảng Nam) trên dưới 1 tỷ đồng.

Ông Định cho biết, sau hơn 30 năm làm kinh tế mới ở miền Nam, đến năm 2011, ông quyết định đưa cả gia đình về quê sinh sống. Trước khi thực hiện dự định này, ông đã nhiều năm tìm tòi, học tập các mô hình phát triển kinh tế có khả năng áp dụng được ở quê nhà và nhận thấy triển vọng từ cây sương sâm.

Với số vốn tích cóp được sau nhiều năm làm ăn, ông Định mua 1,2ha đất đồi tại thôn Nam Định (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để đầu tư trang trại trồng cây sương sâm và một số loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, xoài, mít thái… “Trong số các loại cây trồng, tôi vẫn tập trung vào cây sương sâm là chính. Tôi đã dành ra 2.000m2 đất để trồng loại cây này”, ông Định cho biết.

Thời gian đầu, do kinh nghiệm chưa nhiều cùng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương không giống với các tỉnh ở phía Nam nên ông Định gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gốc sương sâm trồng xuống sau 1 thời gian dài nhưng chậm phát triển, thậm chí bị chết. Không từ bỏ, ông tiếp tục mày mò, tìm hiểu thêm các quy trình kỹ thuật canh tác rồi dần dần khắc phục tình trạng này.

Lá sương sâm hiện nay được bán với giá trung bình khoảng 100.000 đồng/kg. Ảnh: L.K.

Lá sương sâm hiện nay được bán với giá trung bình khoảng 100.000 đồng/kg. Ảnh: L.K.

Gần 1 năm kiên trì, vườn sương sâm của ông Định cũng đã cho thu hoạch. Để tìm đầu ra, ông Định đã đưa sản phẩm đi khắp nơi, dọc các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng để giới thiệu. Thời gian đầu, ông tặng luôn cho các điểm thu mua, chấp nhận lỗ để họ sử dụng, đánh giá chất lượng sản phẩm, đồng thời để lại số điện thoại liên hệ. Ông cũng liên lạc thêm với các mối tiêu thụ quen biết ở miền Nam nhằm mở rộng thêm thị trường.

“Qua một thời gian như vậy, nhiều nơi trong vùng và các tỉnh phía Nam đã biết đến sản phẩm của tôi và gọi điện đặt vấn đề thu mua. Dần dần, đầu ra cũng ổn định, có bao nhiêu khách hàng đều mua hết, thậm chí không có hàng để bán. Sau 3 năm, diện tích sương sâm của tôi đã đạt sản lượng 10 tấn/năm, mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng”, ông Định tiết lộ.

Theo ông Định, cây sương sâm chủ yếu thu hoạch lá để chế biến thành thạch giải khát. Giá bán cũng tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, có thời điểm cao lên đến 150.000 đồng/kg. Cứ mỗi gốc sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lần. Nếu chăm sóc tốt, cây sương sâm có tuổi thọ rất lâu, như vườn cây của ông Định đã thu hoạch liên tục được 8 năm.

Với 2.000 m2, mỗi năm ông Định thu hoạch khoảng 10 tấn lá sương sâm, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Với 2.000 m2, mỗi năm ông Định thu hoạch khoảng 10 tấn lá sương sâm, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

“Loại cây này chỉ tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, còn lại chi phí không đáng kể. Vườn cây của tôi chỉ bón duy nhất mỗi năm 1 đợt phân gà. Thế nên tính ra cả tiền phân, công chăm sóc, thu hái cũng chỉ mất chưa tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt cũng cần thường xuyên theo dõi, tưới nước. Cứ 1 ngày tưới nước 1 lần nhưng không tưới quá nhiều vì nếu gốc cây bị ngâm nước lâu sẽ rất dễ chết”, ông Định chia sẻ.  

Thấy được hiệu quả mang lại, năm 2021, ông Định đã quyết định bỏ hơn 700 triệu đồng đầu tư mua sắm cột sắt, dây giăng, hệ thống tưới tiết kiệm để mở rộng diện tích trồng sương sâm lên thêm 3.000m2. Hiện nay, diện tích này đang phát triển khá tốt. Dự kiến, sắp tới sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. “Với diện tích này, sau khoảng 1 năm nữa khi cây phát triển tốt và cho thu hoạch rộ, mỗi năm tôi sẽ thu trên 20 tấn lá, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng”, ông Định phấn khởi nói.

Vườn sương sâm rộng 3.000m2 mà ông Định vừa đầu tư trồng mới. Ảnh: L.K.

Vườn sương sâm rộng 3.000m2 mà ông Định vừa đầu tư trồng mới. Ảnh: L.K.

Ông Thân Văn Quyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Anh Nam cho biết, mô hình trồng cây sương sâm của ông Định là mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao nhất, điển hình nhất ở địa phương. Với sự đầu tư bài bản, kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, ông Định đã làm giàu từ loại cây này.

Nói về triển vọng nhân rộng mô hình, ông Quyền cho biết: “Thời gian qua, đã có rất nhiều người không chỉ trong xã mà ở các xã khác đến tham quan, học tập mô hình trồng sương sâm của ông Định. Tuy nhiên, khi họ về triển khai thì đa số đều không đạt như mong muốn. Nguyên nhân là các hộ này chưa có nhiều sự đầu tư cũng như thiếu kỹ thuật chăm sóc và cả sự kiên trì”.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...