| Hotline: 0983.970.780

Chuyện trồng dâu, nuôi tằm ở làng Tiếu

Thứ Ba 09/04/2024 , 08:57 (GMT+7)

BẮC GIANG Làng Tiếu (Hiệp Hòa, Bắc Giang) từng trứ danh một thời với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến nay, nghề cổ của làng đang ngày càng mai một.

Nghề cổ của làng Tiếu

Nghề trồng dâu và nuôi tằm tại làng Tiếu (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có tuổi đời hơn 100 năm. Trước đây, hầu hết mọi hộ gia đình trong làng đều trồng dâu, nuôi tằm hoặc ươm tơ. Năm 2010, làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống về nghề nuôi tằm, ươm tơ.

Lợi ích kinh tế của ngành nghề này được dân gian tổng kết bằng câu "Nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa". Nghề nuôi tằm từng là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình ở làng Tiếu khi khoảng 70% thu nhập của người dân nơi đây đến từ nghề này. 

Lá dâu cần được thái nhỏ như sợi thuốc lào để tằm con có thể hút nhựa, sau đó thái to dần theo quá trình phát triển của tằm. Ảnh: Minh Toàn.

Lá dâu cần được thái nhỏ như sợi thuốc lào để tằm con có thể hút nhựa, sau đó thái to dần theo quá trình phát triển của tằm. Ảnh: Minh Toàn.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được coi là nghề cổ ở làng Tiếu (hay còn gọi là làng Mai Thượng). Trong làng, có nhiều hộ gia đình đã là đời thứ 4 còn theo nghề. Trước đây, do diện tích đất nông nghiệp còn nhiều nên diện tích trồng dâu lớn, vì vậy nhiều hộ gia đình có thể đảm bảo được nguồn thức ăn cho tằm, nhiều hộ gia đình nuôi từ 15 - 20 nong tằm/vụ.

Trước đây, dâu, tằm và lúa là những nông sản gắn liền với cuộc sống của người dân làng Tiếu. Thậm chí nhiều nhà có ruộng nhưng không cấy lúa mà trồng dâu nuôi tằm. Ông Nguyễn Văn Lựu (64 tuổi ở làng Tiếu) cho biết: Cách đây 7 - 10 năm, một sào dâu bằng 5 sào lúa nên cả làng trồng dâu, thu nhập cũng ổn. Nhiều hộ vừa trồng lúa vừa tranh thủ trồng dâu nuôi tằm. Tơ sau khi ươm sẽ được sơ chế thủ công trở thành nguyên liệu thô cho các đơn vị làm nghề dệt, làng Tiếu từng vang bóng một thời với sản phẩm tơ tằm.  

Trung bình mỗi hộ dân trong làng Tiếu đều sở hữu một vườn dâu với những cây có tuổi đời lên tới hơn nửa thế kỷ, tuy nhiên, số cây được sử dụng cho nghề nuôi tằm hiện nay không nhiều. Ảnh: Minh Toàn.

Trung bình mỗi hộ dân trong làng Tiếu đều sở hữu một vườn dâu với những cây có tuổi đời lên tới hơn nửa thế kỷ, tuy nhiên, số cây được sử dụng cho nghề nuôi tằm hiện nay không nhiều. Ảnh: Minh Toàn.

Trong làng ai không trồng dâu, không nuôi tằm thì cũng thu kén về để ươm tơ. Không ít thì nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp, cuộc sống người dân nơi đây đều xuất hiện tằm. Theo ông Lựu: “Giá trị của việc nuôi tằm ngày xưa là sự đoàn kết. Cả làng nuôi, nó vui lắm. Ví dụ hôm nay tằm nhà này chín, bà con hàng xóm đến, mỗi người một tay. Người thì nhặt tằm, người bỏ vào nén… chứ không phải nhà nào việc nhà nấy như bây giờ”.

Tỉ mẩn nghề nuôi tằm

“Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là câu tục ngữ nói lên sự khó nhọc, vất vả của nghề nuôi tằm. Ông Hoàng Văn Mưu (63 tuổi ở làng Tiếu) bảo rằng: “Nuôi tằm không phải là nghề khó nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận, phải chăm như con mọn, phải tinh ý, kịp thời phát hiện những bất thường để xử lý, nếu không phải đổ đi cả nong tằm”. 

Do tằm phải được ăn đủ và đúng bữa nên chỉ có những gia đình thường xuyên có lao động ở nhà mới có thể cho ra tằm thương phẩm đạt chất lượng cao. Trong đó, việc lựa chọn giống tằm được coi là bước quan trọng nhất, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm tơ, kén, cũng như hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. 

"Để thành công, việc nuôi tằm yêu cầu sự nghiêm ngặt về thời gian, quy trình và lao động nhẹ nhàng, cùng với kỹ thuật cao. Toàn bộ quy trình từ khi còn là trứng tằm đến khi đạt chất lượng tằm thương phẩm mất từ 40 - 45 ngày. Tằm ít bệnh nhưng nhạy cảm với hoá chất nên người dân rất thận trọng khi tìm nguồn thức ăn cho tằm.

Khi tằm bắt đầu ăn rỗi thì phải hái lá dâu liên tục, không đủ phải đi mua. Vì giai đoạn này tằm ăn rất nhiều, cứ cách 2 - 3h phải cho ăn một lần. Đêm đến, trước khi đi ngủ cho ăn 1 lần lúc 22 - 23h, đến 2 - 3h sáng phải dậy cho ăn lần nữa…”, ông Hoàng Văn Mưu chia sẻ kinh nghiệm.

Tằm được nuôi gối lứa lên nhau để đảm bảo có tằm thương phẩm quanh năm. Ảnh: Minh Toàn.

Tằm được nuôi gối lứa lên nhau để đảm bảo có tằm thương phẩm quanh năm. Ảnh: Minh Toàn.

Cũng theo ông Mưu, giống tằm ta là động vật nhạy cảm, chúng chỉ ăn lá dâu, ngoài ra không ăn bất kỳ loại lá nào khác. Thậm chí, nếu lá dâu được trồng ở khu vực gần ruộng lúa thì khi mua lá dâu về, người dân phải thử trước khi cho tằm ăn. “Lá dâu trồng ở gần ruộng lúa có nguy cơ bị phơi nhiễm thuốc BVTV nên khi mua về, trước khi cho tằm ăn phải bốc một nắm tằm nhỏ tầm 5 - 7 con ra cho ăn trước, sau 15p nếu chúng bị rúm lại thì phải bỏ, không ăn được cho ăn lá dâu đó nữa…”, ông Mưu cho biết.

Khi tằm chín, cần nhanh chóng nhặt và bắt lên né. Bởi nếu chậm trễ tằm có thể bò ra ngoài hoặc giăng tơ kín nong, ảnh hưởng đến những con tằm chưa chín. Tằm vàng chỉ ăn lá dâu và chỉ có con tằm đó mới nhả ra sợi tơ vàng óng, mềm mại và mát rượi.

Khi đã đóng kén để làm giống, người dân vẫn phải thường xuyên theo dõi chất lượng kén. Bởi kén có thể bị kiến hoặc những động vật khác tấn công gây chết “ngài” hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản trứng. Tuyệt đối không phun thuốc muỗi lên kén bởi tằm có thể chết ngay sau đó.

Ngày càng mai một...

Người nuôi tằm ở làng Tiếu cho biết hiện trong làng chỉ bán tằm thương phẩm và tằm giống. Thậm chí hiện cả làng không còn hộ gia đình nào còn “bếp ươm” tơ thô do không tìm được đầu ra.

Trước đây, tằm là nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ gia đình ở làng Tiếu nhưng một vài năm trở lại đây, nuôi tằm chỉ còn để kiếm thêm thu nhập. Gia đình ông Mưu có truyền thống 4 đời trồng dâu, nuôi tằm nhưng hiện tại, đồng áng và công việc thời vụ tại các công ty mới là nguồn thu nhập chính của gia đình. 

Tằm được người dân giữ lại một phần để làm giống. Ảnh: Minh Toàn.

Tằm được người dân giữ lại một phần để làm giống. Ảnh: Minh Toàn.

Mỗi lứa tằm kéo dài từ 40 - 45 ngày nhưng chỉ cho thu nhập từ 600 - 700 nghìn/nong nên hiện tại cả làng chỉ còn khoảng 40 - 50 hộ dân còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm. Khi nhiều công ty mọc lên và quỹ đất để trồng dâu ít đi, lao động trẻ tản đi khắp nơi kiếm tiền, chẳng mấy ai ở làng Tiếu còn theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Những hộ còn cố gắng bám trụ với nghề ông cha để lại là những hộ gia đình có người cao tuổi ở nhà. Bởi chăm tằm không yêu cầu quá nhiều về sức vóc nên chủ yếu chỉ còn người già trồng dâu nuôi tằm khi không thể tiếp tục công việc đồng áng. 

Hiệu quả kinh tế thấp, không tìm được đầu ra cho sản phẩm… là những nguyên nhân chính khiến nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở làng Tiếu dần mai một. Bên cạnh đó, nuôi tằm kiểu truyền thống mất nhiều công, dài ngày, khó đảm bảo chất lượng hơn nuôi tằm công nghiệp nên thương lái tìm đến mua ít dần. Hiện làng Tiếu chỉ còn một số hộ yêu nghề, có đủ diện tích trồng dâu mới có thể nuôi tằm ổn định và hiệu quả. 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.