| Hotline: 0983.970.780

Trồng mướp đắng an toàn sinh học

Thứ Năm 09/07/2020 , 13:15 (GMT+7)

Về thôn Thanh Châu (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) hỏi địa chỉ mua mướp đắng sạch thì mười người như một đều chỉ đến nhà bà Nguyễn Thị Lâm.

Bà Lâm thu hoạch mướp đắng.

Bà Lâm thu hoạch mướp đắng.

Có tận mắt nhìn thấy giàn mướp đắng xanh tốt của bà Lâm mới thấy được không phải tự nhiên người dân trong thôn ai cũng biết đến thương hiệu “mướp đắng sạch” nhà bà.

Giữa ngày hè, trời nắng như thiêu như đốt mà giàn mướp đắng vẫn xanh mơn mởn, những bông hoa vàng li ti nở rộ và quả chi chít như thách thức cùng thời tiết khắc nghiệt.

Năm 2018, may mắn bà Nguyễn Thị Lâm được tham gia vào lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh an toàn, đảm bảo an toàn sinh học của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức. Những kiến thức quý báu đó bà mang về áp dụng ngay cho diện tich 500 m2 mướp đắng trong vườn nhà mình.

Bà Lâm cho biết: “Mướp đắng có rất nhiều tác dụng nên trồng sạch trước hết là cho nhà mình dùng, sau nữa có bán cho ai dùng cũng yên tâm vì chất lượng luôn được đảm bảo, không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất gì cả. Nhờ đó mọi người biết đến và rất tin dùng, mua mướp đắng nhà tôi với giá cao hơn thị trường từ 2.000 – 5.000 đồng/kg”.

Sau khi đất được cày ải, làm sạch cỏ dại, bừa nhỏ vừa phải, lên luống rộng 1m, cao 25cm, rãnh rộng 20cm và dùng bạt plastic phủ luống bà tiến hành trồng 1 hàng trên luống, cây cách cây 45  – 50 cm. Giàn mướp được bà căng dây lưới nilon cho cây leo, làm cao trên 1,4 m tạo không gian thoáng đãng.

Phương pháp trồng mướp đắng trên luống có phủ plastic và căng lưới nilon làm giàn này nâng cao hiệu suất quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng của cây, hạn chế được sâu bệnh, bệnh lây nhiễm, cỏ dại và điều hòa được độ ẩm trong đất, dinh dưỡng không bị rửa trôi.

Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh được làm ra từ rượu, gừng, tỏi, ớt.

Chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh được làm ra từ rượu, gừng, tỏi, ớt.

Mướp đắng sau khi gieo 45 - 50 ngày bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 - 5 tháng tùy theo mức độ chăm bón của từng hộ gia đình. Riêng nhà bà Lâm, thu hoạch mướp đắng từ cuối tháng hai đến nay (đầu tháng 7) vẫn đang rất sai quả.

Để cây mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh bà Lâm sử dụng phân hữu cơ vi sinh, bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn; thường xuyên tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa; phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng biện pháp sinh học nên cây khỏe mạnh, ra quả nhiều và quả to đẹp.

Đặc biệt, bà luôn chú trọng áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho mướp đắng. Để bẫy các loại ruồi Giấm, ruồi Vàng, ruồi Cái và các loại côn trùng khác bà dùng băng keo dính vàng sinh học.

Bên cạnh đó bà Lâm tự làm ra chế phẩm sinh học theo công thức đã được tập huấn từ rượu, gừng, tỏi, ớt. Cứ đều đặn một tuần bà tiến hành pha loãng dung dịch và phun một lần vào lúc chiều mát để phòng ngừa sâu bệnh cho mướp đắng.

Ngoài ra, tận dụng nguồn phân chuồng nuôi bò bà thường xuyên ủ các đống phân bằng chế phẩm Trichoderma để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho vườn mướp.

Năm 2020 bà chỉ sử dụng 500m2 diện tích đất vườn của gia đình để trồng mướp đắng. Thế nhưng gần như ngày nào bà cũng có thu hoạch mướp đắng cho khách đến tận nhà mua hoặc ra chợ bán.

Ngày ít nhất là 5 kg, có những ngày đỉnh điểm bà thu hái được 40 kg quả, còn trung bình mỗi ngày bà thu hái được 15 – 25 kg quả mướp đắng. Với giá dao động từ 17.000 - 23.000 đồng/kg, mỗi ngày bà thu về 250.000 – 440.000 đồng. 

Ông Lê Thuần Dụng – Trưởng thôn Thanh Châu cho biết: “Trong thôn này có khá nhiều nhà trồng mướp đắng nhưng khách hàng thường tìm đến nhà bà Lâm để mua về nấu ăn và phơi làm nước uống. Vì bà Lâm trồng mướp theo đúng quy trình kỹ thuật, chăm bón rất cẩn thận theo phương pháp phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng sinh học nên người dân rất tin tưởng”.

Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm tạo ra vừa an toàn lại mang lại thu nhập cao giúp gia đình bà Lâm vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian tới, lãnh đạo UBND thị trấn Thạch Hà khuyến khích bà con trong địa phương học tập và làm theo mô hình trồng mướp đắng an toàn sinh học cho năng suất cao của bà Lâm.

Sản phẩm mướp đắng của bà Lâm.

Sản phẩm mướp đắng của bà Lâm.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.