| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng cho đời sau

Chủ Nhật 28/11/2021 , 21:46 (GMT+7)

Cánh rừng trồng cây bản địa quý rộng hơn 35 ha nằm bên đường Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của ông Thiết để lại cho con cháu…

Ông Nguyễn Xuân Thiết (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình), nói với chúng tôi: “Đã hơn 20 năm lăn lộn trồng và bảo vệ rừng. Bây giờ thì rừng đã thành rừng thực sự. Nhiều người cũng đã đến để xin được thăm rừng”.

Một góc rừng ông Thiết bên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.P

Một góc rừng ông Thiết bên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.P

Nhớ lại hơn 20 năm trước, xã Hương Hóa vùng biên lại giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh nên người dân khai thác gỗ lậu tập trung về đây. Rừng bị khai thác và đất rừng cũng trở nên hoang hóa cho lau lách, cây dại mọc.

Khi có chủ trương giao đất rừng của nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thiết nắm cơm, vác rựa lên đồi sim, mưa úp xúp nằm mé con đường mòn. Vừa dùng rựa phát cây làm dấu, ông đi chéo lên vùng đồi, lại quoành xuống réc nước.

“Hồi đó, chẳng cần biết được bao nhiêu diện tích. Chỉ lượng sức mình trồng cây được khoảng 3 quả đồi là được rồi. Để còn sức mà chăm giữ cây”- ông Thiết kể lại.

Những khi phát lùm cây dại, phát hiện còn gốc cây gỗ quý như cây lim, cây huỵnh, cây sến, táu… là ông mừng sướng lắm. Ông phát luỗng hết cây dại quanh đó, lấy lá khô ủ gốc để hy vọng cây lên mầm tốt.

Khi thấy gốc bật lên chồi non, ông Thiết kiếm cây rào chắn để trâu bò khỏi đạp phá. Vào mùa mưa, là khi cây rừng dễ trồng, ông Thiết lại lặn lội đội mưa lên những vùng đồi khác tìm kiếm cây giống bản địa có giá trị đánh gốc đưa về trồng trên vùng đồi của mình. Nhiều người thấy cảnh khổ cứ chép miệng “Ôi dào, không biết ông này có sống được đến ngày thu hoạch cây rừng không mà khổ thân đến vậy”.

Rừng có nhiều cây gỗ bản địa quý như lim, huỵnh. Ảnh: T.P

Rừng có nhiều cây gỗ bản địa quý như lim, huỵnh. Ảnh: T.P

Nghe được, ông chỉ thầm cảm ơn họ vì kiểu nói này như cho thêm trong lòng ông một nghị lực lớn phải làm cho người ta thấy sau vài chục năm nữa.

Không chỉ đi kiếm cây rừng, chỉ nghe tin ở đâu có bán cây giống lim, huỵnh… là ông tìm đến để mua giống về trồng. Chưa đâu có mô hình rừng trồng cây bản địa gỗ quý vào thời đó để ông học hỏi kinh nghiệm và tận mắt thấy kết quả vài chục năm sau.

Nhưng trong đầu ông vẫn nghĩ đến những cánh rừng gỗ quý được lớn dần, được khép tán trên vùng đất lau lách, bụi bờ này. Hết tiền cho việc trồng rừng. Ông lại tìm kiếm công việc ở xa nhưng lại có thu nhập để có được khoản tiền cho mua cây giống. Khi có được chút tiền dằn túi, ông lại nhảy xe về quê, lại tất tả lên với rừng.

Chẳng phụ lòng người, rừng của ông bén rễ, lên chồi. Vùng đồi hoang hóa với cỏ tranh, với nham nhở rẫy thừa thẹo đã dần phủ một màu xanh nhạt. Màu xanh theo năm tháng đậm dần lên. Khi đó, trên đầu ông, tóc cũng đã nhuốm thành màu sương.

Bây giờ, cánh rừng bạt ngàn của ông nằm bên đường Hồ Chí Minh rộng gần 35 ha. Mấy quả đồi này, ông chia lô trồng những cây gỗ quý.

Vạt rừng lim với vài ngàn cây cao hơn chục mét đang thi nhau vươn lên. Mé đồi bên kia là nơi gần chục ngàn cây huỵnh. Huỵnh nhanh lớn hơn, có đường kính đến 0,25m và cao vượt tầm cây lim. Còn nữa là bời lời, vàng tâm… cũng hơn chục ngàn cây đang lên bời bời.

Khi hỏi về giá trị kinh tế cây rừng, ông Thiết cười bảo nếu trồng rừng cây bản địa gỗ quý thì chưa mong đến có giá trị kinh tế được. Người ta trồng keo tràm thì 5 năm, 10 năm là tính đến chuyện thu hoạch, biết được tiền thu về.

Ông Thiết bên khu rừng có nhiều cây gỗ quý lớn. Ảnh: T.P

Ông Thiết bên khu rừng có nhiều cây gỗ quý lớn. Ảnh: T.P

Còn trồng rừng bản địa thì phải đợi đến năm, bảy mươi năm sau mới nói được chuyện này. Ông làm phép tình đơn giản: “Tui năm nay trên 60 tuổi, trồng rồng rừng ngót 20 năm. Cháu nội, ngoại tui năm nay lên 10 tuổi. Nếu tui để rừng lại cho cháu thì vào đến tuổi thành ông bà như vầy mới khai thác”

Lúc đó, chỉ tính riêng rừng huỵnh đã có được độ tuổi 70 năm. Khi đó, trung bình mỗi cây cũng được vài khối gỗ. “Bây giờ giá gỗ huỵnh lớn dùng đóng tàu biển được là 35 triệu/m3. Lúc đó chắc còn có giá hơn. Mỗi cây cũng được năm, bảy chục triệu đồng. Cả mấy ngàn cây như vậy thì chắc chẳng phải là núi vàng đó sao”- ông Thiết  lý giải thêm.

Rừng không chỉ là “của để dành” như người ta nói. Những khi công việc bộn bề cần chút thư giản là ông lại lên rừng. Ông Thiết bảo: “Cứ đi một vòng thăm rừng rồi chọn một vạt rừng nào đó có gió thổi lồng lộng đứng lại mà hít thở, mà nhắm mắt lại nghe rừng rì rào nói chuyện.

Khi đó, mọi mệt mỏi, lo âu trong lòng cứ như tan, như biến hết. Lại thấy khỏe hẳn ra, thấy lòng thư thái để về nhà vui vầy cùng con cháu”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất