| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng giúp thay đổi diện mạo nông thôn miền núi

Thứ Năm 08/12/2022 , 06:00 (GMT+7)

Trong những năm qua, trồng rừng đã góp phần thay đổi ngoạn mục diện mạo nông thôn Chợ Mới, Bắc Kạn khi đời sống người dân địa phương được nâng lên từng ngày.

11

Huyện Chợ Mới là địa phương đứng đầu tỉnh Bắc Kạn về trồng rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trồng rừng phù hợp với người nghèo

Huyện Chợ Mới, địa phương đứng đầu tỉnh Bắc Kạn về trồng rừng và có thu nhập từ rừng trồng. Trong năm 2022, toàn huyện trồng được hơn 1.000ha rừng (mục tiêu là 830ha, đạt hơn 120% kế hoạch được giao). Trong đó, trồng rừng phân tán là 250ha, cây chủ lực là quế với hơn 100ha và diện tích trồng lại sau khai thác là hơn 650ha. Những xã có diện tích trồng rừng nhiều là Thanh Mai, Thanh Thịnh, Nông Hạ, Mai Lạp, Quảng Chu và Như Cố.

Ông Triệu Đức Tiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới cho biết, phong trào trồng rừng ở huyện Chợ Mới đã được hình thành từ những năm 2000 và được nhân dân duy trì đến hôm nay. Phần lớn người dân đã trồng tới chu kỳ rừng thứ 3 và thứ 4, có một số ít cũng đã trồng tới chu kỳ thứ 5.

Người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng đã làm thay đổi đời sống ở các vùng nông thôn, những gia đình có thu nhập từ rừng 3 - 5 tỷ là bình thường, một số ít có thu nhập tới 7 tỷ đồng. Nhờ trồng rừng mà cơ bản người dân trên địa bàn huyện có đời sống khá giả.

2

Ở huyện Chợ Mới, Bắc Kạn nơi nào có đất lâm nghiệp nơi đó có rừng trồng. Ảnh: Đào Thanh.

Theo ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới, trồng rừng rất phù hợp với hộ nghèo, chỉ phải trồng năm đầu và chăm sóc vào năm thứ 2 rồi cứ để cây phát triển tự nhiên, sau 6 năm là cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng/ha.

Hầu như người dân ở huyện Chợ Mới cứ có đất là trồng rừng, các gia đình có thu nhập tiền tỷ từ rừng không còn là chuyện hiếm. Việc trồng rừng đã giúp tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện gấp hàng chục lần so với những năm 2000.

Trên địa bàn huyện Chợ Mới, những diện tích cây rừng thông thường như keo, mỡ có chu kỳ khai thác 6 - 7 năm, đem lại thu nhập cho người dân khoảng 120 - 130 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cây hồi, cây quế được trồng ở các xã Yên Hân, Yên Cư và Bình Văn chỉ sau một chu kỳ có thu nhập từ 300 - 400 triệu/ha. Đặc biệt với cây hồi, mỗi người dân chỉ cần 1 lần trồng sẽ cho thu hoạch cả đời về quả, mỗi năm bán được lên tới cả trăm triệu/ha.

Những bản làng tỷ phú rừng trồng

Trên địa bàn huyện Chợ Mới nay xuất hiện nhiều làng tỷ phú từ trồng rừng như: Bản Tết, Bản Còn, thôn Cao Thanh (thuộc xã Nông Hạ); thôn Khuôn Bang, thôn Khuổi Hóp (thuộc xã Như Cố); thôn Khe Thỉ, Khe Lắc  (xã Thanh Thịnh); cùng hàng chục thôn bản khác, trong đó có nhiều thôn vùng sâu, vùng xa đã thay da đổi thịt và giàu có.

Để chứng kiến thực tế về sự thay đổi từ trồng rừng mang lại, chúng tôi đã đến với Khuôn Bang là thôn vùng núi hẻo lánh có hơn 60 hộ dân và phần lớn là người dân tộc thiểu số. Từ trung tâm xã Như Cố đến thôn Khuôn Bang là gần 10km với đất rừng bao quanh.

Theo người dân địa phương, trước những năm 2000, Khuôn Bang nghèo lắm, nhà nào cũng nghèo, không đói ăn nhưng tài sản không có gì. Nhưng sau năm 2000, gần như cả thôn có thu nhập từ rừng trồng lên đến hàng trăm triệu đồng, đời sống người dân khá lên, xây được nhà mới, mua được tài sản có giá trị, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Sau đó nhà nào cũng trồng rừng, cứ có đất trống là trồng, đến nay cả thôn khá giả, người dân có cơ ngơi tiền tỷ.

DJI_0192

Khuôn Bang là một thôn hẻo lánh cách trung tâm xã Như Cố khoảng 10km nhưng nhờ trồng rừng mà người dân nơi đây đã có cơ ngơi tiền tỷ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng thôn Khuôn Bang chia sẻ: Phong trào trồng rừng ở Khuôn Bang khởi nguồn từ năm 1995, khi cán bộ đến vận đồng nhân dân trồng rừng theo Chương trình 327, được hỗ trợ cây giống và công chăm sóc, lúc đó chỉ có 10 hộ trồng theo. Đến năm 1996, thấy việc trồng rừng phát triển tốt nên cơ bản các hộ trong thôn cũng trồng theo. Sau năm 2000 thì 100% người dân trong thôn trồng rừng và đã thu hoạch nhiều lần. Trung bình mỗi hộ gia đình có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Khe Lắc, một bản người dân tộc Dao của xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) cũng trở thành điểm sáng ở tỉnh Bắc Kạn việc người dân làm giàu từ trồng rừng. Chỉ hơn 20 năm trước, dân bản còn phải chạy ăn từng bữa, nhưng từ khi các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và các dự án trồng rừng sản xuất đã bắt đầu thay đổi đời sống người dân.

Mới đầu, người dân bản Khe Lắc vẫn chưa tin những cánh rừng trồng có thể mang lại ấm no, nên chỉ có một số gia đình mạnh dạn trồng thử vài ha. Nhưng sau chu kỳ khai thác rừng trồng đầu tiên, có hộ dân đã có thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng, số tiền mà trong mơ người dân Khe Lắc cũng không dám mơ tới. Đó là khởi đầu cho phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở bản người Dao này.

Người dân thôn Khe Lắc, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới chia sẻ, hiện nay hộ dân nào trong bản cũng trồng rừng, hộ ít vài ha, nhiều vài chục ha. Với giá gỗ keo hiện tại, dân bản có thể thu lãi từ 70-100 triệu đồng/chu kỳ khai thác mà không phải lo lắng đến đầu ra. Nhờ vậy, giờ đây thôn Khe Lắc thoát được đói, xóa được nghèo, nhiều hộ có tiền tỷ trong tay.

5

Nhiều người dân có thu nhập tiền tỷ từ trồng rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Thỏi nam châm hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ

Huyện Chợ Mới với vị trí là cửa ngõ của tỉnh Bắc Kạn, kết nối về giao thương với các tỉnh, thành phố miền xuôi. Với 2 tuyến giao thông là quốc lộ 3 và đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nên địa phương này rất thuận tiện về giao thương kết nối. Đó là lý do khiến Chợ Mới như một thỏi nam châm hút các nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn, nhỏ về đầu tư, hoạt động.

Ông Nguyễn Thành Hưng, một doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ tại huyện Chợ Mới thẳng thắn: Chúng tôi muốn về đây đầu tư vì nhận thấy tỉnh Bắc Kạn có nguồn nguyên liệu gỗ khổng lồ, không bao giờ phải lo đầu vào, việc cần làm là duy trì và mở rộng đầu ra. Huyện Chợ Mới có vị trí thuận lợi về giao thông, nên thuận tiện vận chuyển hàng hóa ra khắp cả nước và xuất khẩu.

3

Ở huyện Chợ Mới có hàng chục nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu có quy mô lớn đang hoạt động. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Hiện trên địa bàn huyện Chợ Mới có hàng chục nhà máy sản xuất, chế biến gỗ có quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoạt động. Nổi bật như: Nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn, công suất 120.000 m3/năm ván dán các loại của Công ty Cổ phần Đầu tư Govina; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, công suất 30.000 m3/năm với sản phẩm ván dán, 200.000 m3/năm với sản phẩm ván sàn.

Ngoài ra còn có hàng chục doanh nghiệp khác đang có đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn huyện Chợ Mới và Khu công nghiệp Thanh Bình (xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới), nhưng địa phương chưa thể bố trí được quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng được hết nhu cầu của các nhà đầu tư. Tuy nhiện, tỉnh Bắc Kạn cũng đã đưa vào quy hoạch việc mở rộng quy mô của KCN Thanh Bình và hàng chục Cụm CN khác để triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Nhờ nguồn gỗ nguyên liệu rất dồi dào nên hiện nay các nhà máy đang hoạt động ổn định, sản phẩm cung cấp cho các thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Trung Quốc... Chế biến gỗ nhờ đó hiện đã chiếm tới 40% tỷ trọng sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.