| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn - 'Cách mạng' chuyển đổi tư duy: (Bài 2) Không dễ!

Thứ Tư 21/10/2020 , 06:45 (GMT+7)

Người dân thấy rõ hiệu quả cao từ rừng gỗ lớn nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Đề án hay nhưng chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn dài là một trở ngại.

Ông Vi Văn Hùng, cán bộ địa chính xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa cho biết, xã có 1,4 nghìn ha rừng trồng, chủ yếu trồng keo nhưng diện tích rừng gỗ lớn gần như không có. Huyện, xã đều khuyến khích trồng rừng gỗ lớn bằng việc hỗ trợ ngân sách theo đề án nhưng ở đây chưa có hộ nào trồng theo chủ trương để nhận tiền hỗ trợ.

“Rất ít người dân không đăng ký trồng rừng gỗ lớn. Trồng rừng gỗ lớn chu kỳ kinh doanh dài trong khi ở miền núi, kinh tế người dân còn khó khăn, cần quay vòng vốn nhanh để có chi phí trang trải cuộc sống. Muốn trồng rừng gỗ lớn, diện tích phải lớn và chỉ thuận lợi khi kinh tế người dân đã ổn định” – ông Hùng chia sẻ.

Trở lại câu chuyện trồng rừng gỗ lớn tại huyện Như Xuân. Bản thân ông Nguyễn Văn Khánh, người có tiềm lực kinh tế với 40 ha rừng rải tại các xã trên địa bàn huyện Như Xuân nhưng cũng chỉ dành một ít diện tích để trồng rừng gỗ lớn. Đó là bài toán lấy ngắn, nuôi dài của người trồng rừng khu vực miền núi Thanh Hóa hiện nay.

Diện tích trồng rừng gỗ lớn chủ yếu là của những hộ có diện tích đất lớn, có tiềm lực kinh tế. Ảnh: HL.

Diện tích trồng rừng gỗ lớn chủ yếu là của những hộ có diện tích đất lớn, có tiềm lực kinh tế. Ảnh: HL.

Bà Nguyễn Thị Thu, thôn 10, xã Bãi Trành cho rằng, ai cũng biết lợi ích từ rừng gỗ lớn nhưng không phải ai cũng đủ tiềm lực để trồng rừng gỗ lớn. Đa phần người dám trồng rừng gỗ lớn là hộ có diện tích rừng lớn và kinh tế khá.

“Tôi có 25 ha rừng nhưng cũng phải chuyển dần chứ không thể chuyển một lúc toàn bộ diện tích sang trồng rừng gỗ lớn được. Biết rằng, rừng gỗ lớn hiệu quả rất cao và được huyện hỗ trợ một phần kinh phí trồng rừng nhưng 10 năm trồng và chăm sóc rừng không có thu nhập thì lấy gì ăn? Mà, chu kỳ kinh doanh càng dài thì rủi ro càng cao, ví như gặp gió bão chẳng hạn nên người dân cứ trồng được 4-5 năm, thấy giá cao là cắt bán. Đó cũng là tâm lý dễ hiểu thôi. Tôi cho rằng, ý thức người trồng rừng đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng phải từ từ, khi người dân bớt gánh lo cơm áo, gạo tiền hàng ngày thì mới nghĩ đến chuyện trồng rừng gỗ lớn được” – bà Thu chia sẻ.

Như Thanh là huyện có hẳn một đề án về phát triển rừng gỗ lớn, hàng năm cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ người trồng rừng. Trong đề án này, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh là cơ quan thường trực thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh, đề án này hiện vẫn chưa thực sự nhận được sự hưởng ứng của người trồng rừng.

“Đất rừng đã giao cho dân, họ tự khắc phải lo sao để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, thiết thực nhất cho nhu cầu cuộc sống, miễn là sử dụng đất rừng đúng mục đích. Qua tập huấn chúng tôi thấy người dân rất hiểu về lợi ích trồng rừng gỗ lớn nhưng hiện nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn ở địa phương chưa nhiều. Chính sách hay, thiết thực nhưng nhiều hộ vẫn chưa đủ tiềm lực trồng rừng gỗ lớn” – ông Bảo chia sẻ.

Thanh Hóa có diện tích rừng trồng lớn (khoảng 160 nghìn ha) nhưng sau 10 năm thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 56 nghìn ha rừng gỗ lớn. Chủ trương đưa ra trên cơ sở lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường nhưng việc triển khai trồng rừng gỗ lớn không dễ.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Hạ tầng giao thông khu vực miền núi khó khăn nêu chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Việc phát triển rừng gỗ lớn phần lớn mới chỉ thực hiện được từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển rừng mà chưa thu hút được nhiều nguồn vốn xã hội hóa từ hộ gia đình, doanh nghiệp...

“Hiện các nghiên cứu về gây trồng rừng gỗ lớn còn hạn chế, nhất là tuyển tập các loài thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau còn nghèo nàn và đơn điệu (keo tai tượng vẫn là chủ lực). Các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh như gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre luồng và các sản phẩm từ tre luồng có thể hội nhập sâu vào thị trường lâm sản quốc tế nhưng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC còn ít. Số cơ sở chế biến sản phẩm gỗ tinh chưa nhiều, tỷ lệ sử dụng gỗ rừng trồng chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu và chậm được chuyển đổi”, ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh phân tích.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.