Giảm chi phí, năng suất cao
Mô hình triển khai 4 bộ thiết bị tưới gắn với 23 béc phun, tưới 1 lần béc phun bao phủ 2.500m2 đất. Qua đó tưới cho 1ha, thời gian khoảng 4,5 - 6 giờ (mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 1 lít dầu diesel/giờ), với mức tưới 400 - 500 m3/ha, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước duy trì độ ẩm đất cho ruộng sắn khoảng 70 - 80%.
Mô hình tưới cho cây sắn bằng biện pháp phun mưa tại xã Đức Bình Đông |
Trung bình vụ tưới chi phí dầu, công lao động 1,5 triệu đồng. Cuối vụ, năng suất sắn của mô hình đạt 35 tấn/ha, ruộng trồng đại trà theo cách truyền thống chỉ đạt 25 tấn/ha, qua đó lợi nhuận mô hình đạt 15 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng trồng đại trà 8,5 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Lại ở thôn Chí Thán (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình cho hay: Mô hình này sử dụng máy trồng hom đứng. Lâu nay nông dân trồng sắn hom nằm, khi sắn ra củ thì chỗ phần gốc hom đâm chia ra củ theo dạng bàn tay xòe. Còn trồng hom đứng thì củ ra đều xung quanh theo dạng hai bàn tay xòe nên năng suất cao.
Còn bà Lê Thị Ánh Thi ở thôn Tân Lập (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây trồng sắn chờ nước trời khi đến thời kỳ bón phân trời nắng, chiều đem phân vãi chờ tối có mù sương phân tan ra nhưng rồi không đủ nước cho phân thấm xuống gốc, vì vậy sắn không hấp thụ hết lượng phân bón cho cây. Còn trồng sắn sử dụng hệ thống tưới nước thì khi vãi phân rồi tưới, sắn “ăn” hết phân nên cây xanh tốt.
Cũng theo bà Ánh, trồng sắn sử dụng nước tưới khi thu hoạch thuận lợi, đất mềm nên 10 người trong 1 ngày nhổ “bay” 1ha sắn. Còn trồng sắn theo cách truyền thống khi thu hoạch gặp trời nắng thì phải dùng cuốc đào, chỉ nửa củ sắn còn sót lại dưới đất thì dùng sức đào 2-3 nhát cuốc mới lấy được, nếu lười không đào thì thất thoát củ. Thu hoạch sắn trên đất khô cứng thì 20 người trong 1 ngày có khi đào không xong 1ha sắn.
Bể chứa nước tưới cho sắn |
Ông Nông Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết: Ban đầu một số hộ còn nghi ngại việc trồng hom đứng sẽ dễ gây chết cây. Tuy nhiên, qua mô hình trồng sắn bằng máy áp dụng tưới nước vừa mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí lao động, năng suất, chất lượng cao so với trồng thủ công.
Tránh bệnh khảm lá
Thường thì khi nhổ sắn xong nông dân cày bừa đất rồi xuống giống trồng vụ mới. Thế nhưng thời gian qua, sắn bị bệnh khảm lá (do virus gây ra lan truyền qua hom giống) không cho năng suất phải nhổ bỏ nên nông dân e ngại trồng vụ mới sẽ thất thu. Ông Bùi Văn Long ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) tham quan mô hình cho hay: Hai đám sắn kề nhau, đám trồng có tưới nước nhìn khác đám trồng không tưới. Sắn trồng tưới nước xanh đều, còn trồng “khoán trắng” cho trời chỗ xanh chỗ đỏ. Thế nhưng sắn đang bị bệnh khảm lá nên nông dân lo ngại.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Cuối năm 2018, bệnh khảm lá lây lan nhanh gây hại 85ha trên giống HLS11, KM419. Diện tích nhiễm bệnh tăng nhanh, trong khi đa số nông dân vẫn chưa chấp hành các biện pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn. Quan trọng là quản lý và sử dụng nguồn giống. Vì vậy khuyến cáo bà con không mua giống từ các địa phương có dịch bệnh khảm lá cũng như giống sắn nhiễm bệnh. Khi trồng vụ sắn mới cần chú trọng khâu giống, áp dụng cơ giới hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như mô hình triển khai tại xã Đức Bình Đông.
Cũng theo ông Nhĩ, diện tích sắn hằng năm của tỉnh Phú Yên là 23.887ha, năng suất bình quân 22,7 tấn/ha, vẫn còn thấp so với các tỉnh lân cận. Mô hình trồng sắn tưới nước đã làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân và tạo điều kiện cho bà con trong vùng tham quan, học tập... |