| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh dành nhiều chính sách cho trồng rừng gỗ lớn

Thứ Ba 08/03/2022 , 11:24 (GMT+7)

UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha đối với rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa.

Nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn

Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%, sở hữu hơn 370.000ha đất có rừng. Có thể nói, những cánh rừng như vành đai xanh bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cho người dân nguồn thu nhập ổn định.

Để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Đơn cử như huyện Ba Chẽ, địa phương chiếm tới 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Trồng rừng gỗ lớn tại tất cả các xã, hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật, cấp giống và tạo điều kiện về vốn vay cho người dân trồng rừng. Nhờ vậy, người dân huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng thay thế cây keo sang nhiều loại cây gỗ lớn, lâu năm có giá trị kinh tế cao như quế, hồi, giổi, lim.

Các HTX đã cơ bản cung cấp đủ nguồn cây giống lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng của huyện Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các HTX đã cơ bản cung cấp đủ nguồn cây giống lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng của huyện Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ đã trồng mới trên 7.000ha rừng, trong đó diện tích rừng gỗ lớn đạt gần 1.500ha. Đồng thời, toàn huyện đã có gần 200 hộ gia đình được hỗ trợ trồng mới 300ha quế và các loại gỗ lớn khác, kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Đặc biệt, trong dịp trồng rừng đầu xuân 2022, hàng trăm hộ dân của huyện đã đăng ký trồng gần 1.000ha rừng gỗ lớn.

Việc gia tăng diện tích rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên sẽ giúp bảo vệ những cánh rừng một cách tuyệt đối và giữ được độ che phủ rừng, bảo tồn những cánh rừng gỗ lớn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua 2 năm thực hiện Đề án Trồng rừng gỗ lớn, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh đã trồng được gần 1.500ha rừng. Từ đó đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60.000 lao động lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.

Có thể khẳng định, Đề án Trồng rừng gỗ lớn đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong ngành lâm nghiệp theo hướng tích cực, đó là tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho trồng rừng gỗ lớn

Thực tế hiện nay cho thấy, phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu và các ngành nghề chế biến gỗ còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định chặt chẽ như quy mô rừng gỗ lớn phải đạt tối thiểu 50 ha đối với doanh nghiệp, HTX; 9 ha đối với trang trại, tổ hợp tác; 3 ha đối với cá nhân, hộ gia đình. Người sản xuất được hỗ trợ tối đa hai lần cho cả giai đoạn, chỉ hỗ trợ lần hai khi diện tích mở rộng tối thiểu bằng 50% diện tích trồng lần một.

Ðể được hỗ trợ, người sản xuất phải cam kết quy trình sản xuất ổn định, không khai thác cây trồng trước thời gian hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn quy định đối với trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn cũng là một trở ngại không nhỏ.

Người dân huyện Bình Liêu thu hoạch vỏ quế, loại cây gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Bình Liêu thu hoạch vỏ quế, loại cây gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhằm khắc phục những hạn chế này, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Theo đó, đối với chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu/ha. Đối với chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha.

Theo đó, những năm gần đây, rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng hàng năm tăng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể. Các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của Quảng Ninh đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới, hải đảo về giá trị của trồng rừng gỗ lớn.

Có thể nói, những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ và phát triển rừng đã và đang được tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Bởi việc giữ gìn tốt “lá phổi xanh” cũng chính là cách để ươm mầm cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định trước mắt và về lâu dài. 

Giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, tăng gần 10% so với giai đoạn 2018 - 2019. Toàn tỉnh trồng được hơn 22.000 ha rừng tập trung; chăm sóc, bảo vệ tốt hơn 330.000 ha rừng hiện có; khai thác và tiêu thụ gần 830.000 m3 gỗ rừng trồng; thu nhập bình quân của lao động trên 70 triệu đồng/năm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.