| Hotline: 0983.970.780

Tấp nập vào vụ trồng rừng

Thứ Sáu 25/02/2022 , 16:35 (GMT+7)

CAO BẰNG Các chủ vườn ươm ở tỉnh biên giới Cao Bằng hiện đang tấp nập phục vụ mùa trồng rừng. Công tác kiểm soát chất lượng cơ sở sản xuất cây giống đã được siết chặt.

Năm 2022, tỉnh biên giới Cao Bằng trồng mới 1.800 ha rừng. Ảnh: Công Hải.

Năm 2022, tỉnh biên giới Cao Bằng trồng mới 1.800 ha rừng. Ảnh: Công Hải.

Những ngày này, tại vườn ươm nhà bà Lâm Thị Đuốc, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng đang tấp nập với công việc đóng bầu, chăm sóc cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng của cá nhân và các đơn vị. Nhằm phục vụ nhu cầu cây giống vụ mới tăng cao, ngay từ tháng 10 - 11/2019, bà Đuốc đã tạo luống, dồn bầu và tra hạt đồng loạt.

Các khâu chọn đất, đóng bầu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Túi bầu, hạt giống đều được nhập tại những cơ sở có uy tín, chất lượng, rõ nguồn gốc, được tuyển chọn, cấp phép sản xuất, kinh doanh theo quy định. Hiện toàn bộ hơn 30 vạn cây giống đều đang sinh trưởng tốt và đã xuất những mẻ cây giống đầu tiên ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán.

Chị Tạ Thị Ngọc Châm, chủ vườn ươm Thiên Châm kiểm tra chất lượng cây giống. Ảnh: Công Hải.

Chị Tạ Thị Ngọc Châm, chủ vườn ươm Thiên Châm kiểm tra chất lượng cây giống. Ảnh: Công Hải.

Còn tại vườn ươm của chị Tạ Thị Ngọc Châm, xóm Nà Roác 1, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, từ đầu tháng 2 thường xuyên có khách đến chọn mua cây giống. Với kinh nghiệm gần 30 năm kinh doanh cây giống, cơ sở ươm cây giống của chị Châm luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Chị Châm chia sẻ: Mỗi năm, cơ sở ươm hơn 1 triệu cây gống như keo, quế, thông, sa mộc, sở, hồi, lát... "Từ đầu năm đến nay, tôi đã ươm hơn 50 vạn cây giống, ngoài xuất ngay trong tỉnh còn bán đi các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La...", chị cho biết.

Vườn ươm của chị Châm luôn thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành lâm nghiệp trong quá trình sản xuất từ trộn đất, đóng bầu, ươm hạt và chăm sóc. Năm nay, do thời tiết mưa nhiều, lạnh kéo dài nên chất lượng cây sản xuất ra đạt chất lượng thấp hơn mọi năm. Nhiều loại cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khả năng sinh trưởng chỉ đạt 60 - 70% so với các năm trước. "Ngoài ra, nhiều cơ sở bán các loại cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng gây khó khăn cho cây giống của tôi khi đưa ra thị trường", chị Châm cho biết thêm.

Thời tiết mưa, rét đậm, rét hại kéo dài làm cây giống phát triển không tốt so với mọi năm. Ảnh: Công Hải.

Thời tiết mưa, rét đậm, rét hại kéo dài làm cây giống phát triển không tốt so với mọi năm. Ảnh: Công Hải.

Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 10 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường 4 - 5 triệu cây giống để trồng rừng mỗi năm, không những đáp ứng nhu cầu của bà con trong tỉnh mà còn xuất bán đi khắp nơi. Giá cây giống năm nay ổn định, các loại cây như: Sa mộc, thông, xoan, mỡ, keo… trung bình từ 600 đồng đến hơn 1.000 đồng/cây.

Theo quy định, các cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp mới được sản xuất, kinh doanh cây giống và chỉ được sản xuất các giống đã được Sở NN- PTNT công nhận.

Cùng với kiểm tra, giám sát, các cơ quan chuyên môn cũng rà soát, cập nhật số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp để quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ vườn ươm về chọn giống cây lâm nghiệp.

Các vườn ươm đang tất bật chăm sóc cây giống phục vụ khách hàng. Ảnh: Công Hải.

Các vườn ươm đang tất bật chăm sóc cây giống phục vụ khách hàng. Ảnh: Công Hải.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết: Năm 2022, tỉnh trồng mới 1.800 ha rừng, trong đó 1.500 ha rừng sản xuất, 300 ha rừng thay thế (rừng phòng hộ), chăm sóc 544 ha rừng trồng; trồng gần 134.000 cây phân tán.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 220 ha rừng sản xuất; hơn 25.000 cây các loại đợt Tết trồng cây. Chi cục tiếp tục chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm các huyện khẩn trương triển khai kế hoạch trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra.

Những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có chuyển biến tích cực. Việc sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện trên thị trường nhiều cá nhân kinh doanh giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, một số loại giống mới có năng suất và chất lượng cao đã từng bước được bà con đưa vào sản xuất, như quế, hồi, sở keo lai nuôi cấy mô...

Để bảo đảm chất lượng rừng trồng, Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng khuyến cáo các doanh nghiệp, đơn vị, người dân trồng rừng cần tìm đến cơ sở được cấp phép để mua cây giống đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không mua cây trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.