| Hotline: 0983.970.780

Trục lợi trên nỗi khổ người trồng sắn

Thứ Năm 03/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

TÂY NINH Trước nhu cầu rất lớn của người dân về giống kháng sắn kháng bệnh khảm lá, không ít cơ sở kinh doanh tại 'thủ phủ sắn' Tây Ninh đã lợi dụng để trục lợi…

Tràn lan giống trôi nổi

Mặc dù các đơn vị chức năng tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn hành vi mua bán, trao đổi các giống sắn bị nhiễm bệnh khảm lá để hạn chế dịch bệnh lan truyền, nhưng thực tế giống sắn nhiễm bệnh, giống trôi nổi vẫn đang được mua bán tràn lan, khó kiểm soát.

Những bãi cây sắn giống nằm ngổn ngang dọc theo tuyến đường ĐT 795 từ xã Thạnh Đông đến xã Tân Phú huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Những bãi cây sắn giống nằm ngổn ngang dọc theo tuyến đường ĐT 795 từ xã Thạnh Đông đến xã Tân Phú huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Ghi nhận tại đường ĐT 795 từ xã Thạnh Đông đến xã Tân Phú huyện Tân Châu (Tây Ninh), đây là cung đường chuyên bán giống sắn, lúc cao điểm, chỉ đoạn ngắn chưa đầy 3km có hàng trăm điểm bán. Thời điểm này công tác xuống giống của người dân địa phương gần như đã hoàn tất nhưng vẫn tồn tại hàng chục điểm kinh doanh giống sắn các loại, kèm theo số điện thoại và nội dung cam kết giống kháng được  bệnh khảm, lá thẳng sạch bệnh…

Tiếp cận cơ sở bán giống của một người tên H. tại xã Tân Phú, chúng tôi thấy la liệt những bó cây sắn giống được dựng cạnh tuyến đường tỉnh lộ. Thấy bóng dáng người nơi khác tới tìm hiểu về giống, anh H. nhanh chóng đến bắt chuyện và tiếp thị các loại giống cơ sở hiện có, đồng thời cam kết sẽ chỉ những nông hộ tại địa phương đã mua giống của mình về trồng cho hiệu quả cao thế nào.

Một trong những cơ sở bán giống tự phát chúng tôi ghi nhận tại huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những cơ sở bán giống tự phát chúng tôi ghi nhận tại huyện Tân Châu. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Dẫn chúng tôi ra cụm sắn giống đang dựng trước cơ sở, anh H. quảng cáo: Đây là giống KM94 lá thẳng, kháng bệnh khảm lá tốt đang chờ khách hàng đến lấy. Giống này được cơ sở nhập về từ những vườn mà cơ sở đã khảo sát rất kỹ, chắc chắn về trồng sẽ không có vấn đề về bệnh khảm lá, năng suất vượt trội, hàm lượng tinh bột cao, với giá bán 30.000 đồng/bó.

Ngoài ra, cơ sở cũng có giống KM050. Tuy nhiện anh H. thừa nhận trồng giống KM050 sẽ có xuất hiện bệnh khảm lá nhưng không nhiều, chăm bón tốt vẫn đảm bảo năng suất. Do còn tồn lại khoảng 150 bó, nếu lấy giống KM050 thì chỉ 15.000

Bài liên quan

đồng/bó, nếu nhập trước đây 1 tháng giá cũng tương đương với giống KM94.

Chúng tôi tiếp tục tới nhiều cơ sở bán giống khác ở gần đó, mặc dù quy mô kinh doanh nhỏ hơn nhiều, song hình thức tiếp thị cũng không khác gì so với cơ sở của anh H.

Cũng tại đây, có một nghịch lý là người trồng sắn tại địa phương không dám mua các giống sắn tại các điểm bán giống trên địa bàn, bởi họ đã biết quá rõ nguồn giống ấy lấy từ đâu và chất lượng như thế nào. Theo đó, họ chấp nhận mất thời gian và công sức để tìm kiếm giống tại các địa phương khác, thậm chí là ngoài tỉnh để canh tác.

Các cơ sở bán giống quảng cáo, cam kết giống kháng bệnh khảm lá, lá thẳng sạch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Các cơ sở bán giống quảng cáo, cam kết giống kháng bệnh khảm lá, lá thẳng sạch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Gia đình ông Tạ Văn Minh hiện có hơn 70 ha canh tác sắn. Theo ông Minh, trước đây, để kịp thời vụ và giảm chi phí vận chuyển, ông cũng mua giống tại các cơ sở bán giống ở địa phương về trồng. Tuy nhiên, hiệu quả không như cơ sở cam kết, không ít lần ông phải dở khóc dở cười, nhổ đi trồng lại tốn không biết bao công sức. Rút kinh nghiệm, ông chấp nhận mất thời gian và công sức để tìm kiếm giống tại các cơ sở uy tín ở ngoài tỉnh, thậm chí đi tận nơi, nhìn tận mắt, dù phải gánh thêm nhiều chi phí nhưng tính an toàn cao hơn.

Theo ông Minh, để canh tác 1 ha sắn, ngoài giống là yếu tố quan trọng thì còn cần đầu tư rất nhiều chi phí khác cho khâu chăm sóc như làm đất, phân bón, tưới tự động…, trung bình hết khoảng 20 triệu đồng. Thông thường sắn tầm 4 tháng tuổi mới đánh giá được khả năng có chống chịu, kháng được với bệnh khảm lá hay không. Chỉ cần năng suất sắn giảm 30% trở lên thì người trồng nắm chắc nguy cơ hòa vốn, nếu tình trạng nặng hơn có thể sẽ thua lỗ. Không chỉ mất vốn đầu tư ban đầu mà nguyên vụ coi như bỏ đất trắng. Đối với diện tích nhỏ có thể xoay sở được nhưng với những hộ canh tác lớn như ông Minh là cả bài toán kinh tế.

Ông Tạ Văn Minh thăm ruộng sắn của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tạ Văn Minh thăm ruộng sắn của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông, toàn xã có 5 ấp, trung bình mỗi ấp có 2 địa điểm kinh doanh giống sắn và hầu hết đều tự phát. Bên cạnh các cơ sở uy tín thì tồn tại không ít cơ sở có biểu hiện bán giống không rõ nguồn gốc và không niêm yết giá công khai.

“Mặc dù biết các cơ sở có sai phạm nhưng về phía địa phương cũng không đủ thẩm quyền để giải quyết. Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền họ kinh doanh chính đáng, đặt lợi ích người dân lên trên hết. Đối với người dân, chúng tôi cũng tuyên truyền nên mua giống ở những cơ sở uy tín, không trồng các giống sắn không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tình trạnh tiền mất tật mang và cùng với địa phương từng bước đẩy lùi dịch bệnh khảm lá”, ông Minh chia sẻ.

Chính quyền, cơ quan quản lý kêu khó!

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện nhu cầu giống sắn tại đây rất lớn. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn tồn tại các cơ sở bán giống tự phát, nhất là tại các huyện như Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu đang có ít nhất 80 cơ sở bán giống tự phát. Hiện tại, địa phương vẫn chưa có chế tài xử lý các cơ sở này, giải pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền vận động các cơ sở không nhập các giống từ các nơi bị nhiễm bệnh khảm lá nặng và bán giống đúng cam kết, đồng thời hướng dẫn các cơ sở cách chọn lựa giống sạch bệnh trước khi phân phối cho người trồng.

Đoàn công tác Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh kiểm tra công tác phòng chống dịch khảm lá sắn. Ảnh: Trần Trung.

Đoàn công tác Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh kiểm tra công tác phòng chống dịch khảm lá sắn. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chi cục trưởng (phụ trách) Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh cho rằng, nguyên nhân bệnh khảm lá như đã biết là bệnh virus, do bọ phấn trắng là đối tượng chủ yếu làm môi giới truyền bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh này, công tác kiếm soát giống rất quan trọng. Tuy nhiên, do tình hình Chi cục lực lượng thanh tra mỏng nên chủ yếu đi nhắc nhở các điểm bán giống, tuyên truyền họ nên bán giống đã qua kiểm duyệt, để có những giống tương đối sạch bệnh, nhiễm nhẹ để phân phối cho bà con nông dân canh tác trong vụ tiếp theo.

“Năm vừa rồi, chúng tôi chủ yếu kiểm tra một vài điểm kinh doanh quy mô lớn để rút kinh nghiệm, chủ yếu là chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn các cơ sở có cách chọn lựa giống sạch bệnh trước khi phân phối cho người trồng. Song song với việc này, ngành nông nghiệp tỉnh vừa thực hiện xong đề tài về biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân để chia sẻ, trong đó có những tờ rơi, tờ bướm để hướng dẫn nên trồng những giống nào, xử lý hom giống để nhận biết mật độ bọ phấn trắng  và những giải pháp phòng trừ bệnh trên cây sắn ra sao. Khi nông dân am hiểu cặn kẽ về bệnh khảm lá, sẽ chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ tốt hơn, hiệu quả hơn, đó là yếu tố căn cơ”, ông Hồng cho biết thêm.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, sắn là một trong những loại cây khó quản lý vì người dân họ có thể bán tự phát, hoặc bán qua lái buôn. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, sắn là một trong những loại cây khó quản lý vì người dân họ có thể bán tự phát, hoặc bán qua lái buôn. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, không riêng cây sắn, hiện tại các cơ sở sản xuất giống về nguyên tắc phải đăng ký và phải thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, chứng minh đầu vào, đầu ra. Nhưng sắn là một trong những loại cây khó quản lý vì người dân họ có thể bán tự phát hay bán qua thương lái. 

“Việc này (kiểm tra, quản lý giống sắn) không phải chỉ là nhiệm vụ của Sở NN-PTNT, mà kể cả chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng phải vào cuộc để kiểm soát khâu kinh doanh giống. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho Trung tâm Khuyến nông của tỉnh và HTX Đăng Quang là 2 cơ sở đầu tiên được nhận chuyển giao giống gốc đã qua nghiên cứu, thực nghiệm và cấp phép lưu hành để nhân ra và cung cấp giống cho người trồng sắn ở Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng thời, hướng tới đây chúng tôi sẽ cho đăng ký, ai có nhu cầu để giống cho mùa sau, nếu là hộ cá nhân thì thôi, còn nếu kinh doanh thì phải đăng ký và có cán bộ xuống xác nhận giống đủ điều kiện để bán thì mới được bán. Nếu không, sẽ gom lại để xử lý nhằm ngăn chặn các giống kém phẩm chất hoặc không đúng với cây giống ban đầu tuồn ra thị trường, gây thiệt hại cho người sản xuất và lây lan dịch bệnh”, ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh nói.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.