| Hotline: 0983.970.780

Lỏng lẻo liên kết trồng sắn vì sợ nông dân 'bẻ kèo'

Thứ Ba 01/03/2022 , 08:35 (GMT+7)

THANH HÓA Nguyên liệu cho các nhà máy thường xuyên phập phù, có lúc thiếu trầm trọng, song việc liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lại vấp nhiều khó khăn.

Thương lái chi phối vùng nguyên liệu

Bài liên quan

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, niên vụ 2021 - 2022, diện tích sắn nguyên liệu được các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 9.595 ha (trên 70% diện tích). Trong đó, Nhà máy sắn Như Xuân 3.070 ha; Nhà máy sắn Phúc Thịnh 3.525 ha, Nhà máy Bá Thước 2.500 ha; hộ kinh doanh Ngọc Sơn 500 ha... Diện tích còn lại do nhân dân tự đầu tư sản xuất và bán nguyên liệu cho các đơn vị trên thị trường tự do. Tuy nhiên, qua khảo sát, thực tế không hoàn toàn như vậy.

Thu mua sắn nguyên liệu tại Thanh Hóa hầu hết vẫn theo cơ chế thuận mua vừa bán. Những mối liên kết hoặc không có hoặc rất lỏng lẻo. Ảnh: Võ Dũng.

Thu mua sắn nguyên liệu tại Thanh Hóa hầu hết vẫn theo cơ chế thuận mua vừa bán. Những mối liên kết hoặc không có hoặc rất lỏng lẻo. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Điển hình như tại nhà máy chế biên tinh bột sắn của Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Nhà máy sắn Phúc Thịnh) có công suất hoạt động 800 - 900 tấn nguyên liệu/ngày. Vùng nguyên liệu hiện nay Công ty đang thu mua khoảng trên 4 nghìn ha. Tuy nhiên trong đó, chỉ 1,5 nghìn ha đơn vị này đang “đầu tư cứng” để thu mua nguyên liệu và có hợp đồng với các chủ đại lý.

Ông Mai Xuân Chung, Giám đốc Nhà máy sắn Phúc Thịnh cho hay: Hiện Công ty chỉ dám ký hợp đồng bảo hiểm giá trên diện tích 1,5 nghìn ha. Diện tích sắn này

Bài liên quan

được Công ty ký đầu tư phân bón, tiền cày máy, giống, kỹ thuật theo hình thức trả chậm và ký bảo hiểm giá. Có nghĩa khi giá thị trường thấp hơn giá ký hợp đồng, Công ty vẫn thu mua theo giá hợp đồng. Khi giá thị trường cao hơn giá ký hợp đồng, Công ty sẽ thu mua theo giá thị trường.

Diện tích sắn nguyên liệu còn lại Công ty sẽ thỏa thuận với người dân, thuận mua, vừa bán, giữa các bên không có sự ràng buộc. Thiếu nguyên liệu, Nhà máy sắn Phúc Thịnh phải đi thu mua các tỉnh ngoài để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến nhưng nhiều thời điểm nhà máy chỉ chạy được 70% công suất.

Hiện Công ty đang phát triển các nhóm hộ để đầu tư trả chậm, nhưng thực chất vẫn có tình trạng người dân bán ra ngoài khi giá thị trường tự do cao hơn và một số tư thương, đại lý thu mua với giá “chợ đen”. Vì vậy, hợp tác với người dân hiện nay cũng rất khó khăn.

Nông dân hiện nay vẫn thích bán sắn theo thị trường tự do, thuận mua vừa bán hơn là liên kết theo hợp đồng với các nhà máy. Ảnh: Võ Dũng.

Nông dân hiện nay vẫn thích bán sắn theo thị trường tự do, thuận mua vừa bán hơn là liên kết theo hợp đồng với các nhà máy. Ảnh: Võ Dũng.

Điều này trùng khớp với những gì ghi nhận được tại các vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân... Nhiều hộ dân cho biết, họ không cần hợp đồng với đại lý và nhà máy, ai thu mua với giá cao, "tiền tươi thóc thật" thì bán.

Đây là tình trạng chung đang diễn ra trong trồng và mua bán nguyên liệu sắn tại tỉnh Thanh Hóa. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho người trồng sắn và các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại địa phương này.

Một số doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại Thanh Hóa, vì thiếu nguồn cung nguyên liệu nên đã thu mua cao hơn giá thị trường để đảm bảo công suất chế biến. Vì vậy, niên vụ sắn 2021 - 2022, tại Thanh Hóa xẩy ra tình trạng các doanh nghiệp thu mua giá sắn mỗi nơi một kiểu.

Khó khăn trong đầu vào lẫn đầu ra, các doanh nghiệp sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xoay đủ mọi cách để giảm chi phí sản xuất: “Hàng năm chúng tôi vẫn xuất khẩu nguồn tinh bột rất lớn nhưng năm nay, khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nên vẫn tồn kho 10 nghìn tấn tinh bột.

Để giảm bớt khó khăn, giảm chi phí đầu vào, những năm qua chúng tôi đã tận dụng phụ phẩm trong nhà máy để bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, phân bón; nước thải thì tái sử dụng làm khí đốt... Từ các nguồn này, mỗi năm nhà máy giảm chi phí từ 30 - 40 tỷ đồng”, ông Mai Xuân Chung, Giám đốc Nhà máy sắn Phúc Thịnh cho hay.

Khó “giữ chân” người trồng sắn nếu không có lời giải

Thời điểm này, cơ bản nông dân Thanh Hóa đã thu hoạch đạt 100% diện tích sắn nguyên liệu của niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng đều giảm sâu so với những niên vụ trước. Nếu ngành nông nghiệp và các nhà máy không có các chính sách “giữ chân” người trồng sắn thì nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến sắn sẽ đến trong tương lai gần.

Ông Mai Xuân Chung, Giám đốc Nhà máy sắn Phúc Thịnh cho biết, trong khi năng suất sắn bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 15 tấn/ha thì hiện nay, Công ty đang liên kết với Nông trường Lam Sơn và Sông Ân để trồng 500 ha sắn. Diện tích này vẫn đạt năng suất tới 30 tấn/ha, gấp đôi năng suất bình quân của tỉnh.

Theo ghi nhận, tại một số địa phương, nếu thâm canh tốt, năng suất sắn hoàn toàn có thể đạt từ 25 - 28 tấn/ha. Với năng suất này, người trồng sắn có lãi cao và đây là một trong những yếu tố giúp nông dân yên tâm khi gắn bó với cây sắn.

Đưa giống sắn chống chịu tốt sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: VD.

Đưa giống sắn chống chịu tốt sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: VD.

Khi được hỏi vì sao việc liên kết với các lâm trường đem đến năng suất, sản lượng cao như thế, nhưng Nhà máy sắn Phúc Thịnh không mở rộng diện tích liên kết với nông dân? Ông Chung thẳng thắn thừa nhận: Đất đai nông trường bằng phẳng, giàu chất dinh dưỡng, cộng với sản xuất được tổ chức tốt nên năng suất, hiệu quả cao.

Nếu các địa phương đều cho năng suất sắn như thế này thì nông dân vừa được lợi, bản thân doanh nghiệp cũng không lo thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, liên kết với nhóm hộ hiện nay cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với nhà máy, nhất là nguy cơ bị nông dân "bẻ kèo" nên việc liên kết với từng hộ nông dân là điều rất khó thực hiện.

Với thực trạng về năng suất, sản lượng và dịch bệnh như hiện nay, nhiều địa phương và người trồng sắn đều nhận định, sắn chỉ là cây thoát nghèo chứ rất khó trở thành cây giúp nông dân làm giàu.

Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, trong những năm tới, sắn vẫn là cây trồng chủ lực ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh và ổn định ở mức 13,5 nghìn ha. Địa phương chưa có khuyến cáo người dân tăng hay giảm diện tích sắn nguyên liệu mà đang tìm hướng để giữ vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, với hiệu quả kinh tế như hiện nay, cộng với sự cạnh tranh của các loại cây trồng khác, liệu các nhà máy chế biến tinh bột sắn có giữ nổi vùng nguyên liệu?

Trong khi các địa phương đang có xu hướng giảm dần diện tích đất trồng sắn sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn thì chính cây sắn đang dần đánh mất vị thế của mình, thể hiện trên các mặt năng suất, hiệu quả kinh tế và dịch bệnh bủa vây.

Doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn đang đứng trước nhiều khó khăn do tồn đọng tinh bột sắn và sẽ đứng trước sự cạnh tranh của một số cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Võ Dũng.

Doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn đang đứng trước nhiều khó khăn do tồn đọng tinh bột sắn và sẽ đứng trước sự cạnh tranh của một số cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Võ Dũng.

Theo tìm hiểu, từ khoảng 10 năm lại đây, các giống sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chỉ là KM94, KM 140… Những giống sắn này hoặc đã bị thoái hóa hoặc đã bị nhiễm khảm lá nên năng suất ngày càng sụt giảm. Những giống sắn mới được đưa vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại không hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây.

“Hiện nay chúng tôi đang giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện đề tài, tìm một số giống sắn có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, nhất là bệnh khảm lá sắn để trồng thử nghiệm. Nhất thiết phải có những giống sắn có khả năng chống chịu cao mới mong người dân tiếp tục gắn bó với cây sắn”, ông Cao Văn Cường cho biết.

Ông Cường cũng thừa nhận, trong vấn đề tổ chức sản xuất và mối liên hệ, hợp tác giữa các nhà máy với người trồng sắn hiện nay chưa tốt. Điều này khiến tình trạng bán nguyên liệu ra các địa phương khác không phải là hiếm. Trong thời gian tới, mối quan hệ "4 nhà" trong trồng sắn cần phải được thắt chặt hơn nữa.

“Tôi cho rằng, việc chuyển một phần diện tích sắn kém hiệu quả sang cây trồng khác là hợp lý và cần thiết, tất nhiên phải trên cơ sở duy trì ổn định vùng nguyên liệu sắn cho các nhà máy. Loại cây trồng thay thế phải phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát và cho ra bản đồ nông hóa thổ nhưỡng tại 9 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Lúc đó, cây trồng nào phù hợp với vùng trồng sắn hiện nay thì có thể chuyển đổi”, ông Cường cho biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.