Tàu thăm dò Hằng Nga 4 (trái) và robot tự hành ở nửa tối Mặt Trăng. Ảnh: CNSA. |
"Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cách đây vài năm đề xuất được sử dụng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu Cầu Ô Thước của Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ thám hiểm nửa tối Mặt Trăng", SCMP dẫn lời Ngô Vĩ Nhân, nhà khoa học đứng đầu dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, hôm qua tiết lộ.
Nhà khoa học Trung Quốc cho biết đại diện NASA muốn Bắc Kinh kéo dài tuổi thọ vận hành vệ tinh Cầu Ô Thước, đồng thời cho phép Washington lắp một thiết bị phát sóng trên tàu Hằng Nga 4. "Chúng tôi hỏi lý do họ muốn làm như vậy. Các nhà khoa học Mỹ tỏ ra lúng túng, thừa nhận họ muốn tận dụng vệ tinh Trung Quốc khi thám hiểm nửa tối của Mặt Trăng", ông Ngô nói thêm.
Vệ tinh chuyển tiếp Cầu Ô Thước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ của Hằng Nga 4. Sóng vô tuyến không thể vươn trực tiếp tới nửa tối của Mặt Trăng, buộc Trung Quốc sử dụng một vệ tinh làm trạm trung chuyển tín hiệu giữa Trái Đất và tàu thăm dò.
"Chúng tôi quyết định hợp tác với người Mỹ vì đây là một cơ hội vàng. Dự án thăm dò Mặt Trăng là sự đóng góp của Trung Quốc cho nhân loại, sau hàng trăm năm đi sau phương Tây về lĩnh vực khoa học và công nghệ", ông Ngô cho biết.
Truyền thông Trung Quốc cho biết Mỹ là một trong những quốc gia đóng góp cho dự án thám hiểm Mặt Trăng của nước này, bên cạnh Đức, Thụy Điển, Hà Lan và Arab Saudi. Bắc Kinh dường như đã chia sẻ nhiều dữ liệu về chuyến hạ cánh của tàu Hằng Nga 4 với Washington, nhưng NASA chưa bình luận về thông tin này.
Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật hạn chế hợp tác trong lĩnh vực không gian với Trung Quốc hồi năm 2011. Hiện chưa rõ việc chia sẻ dữ liệu của Bắc Kinh có vi phạm lệnh cấm này không.
Liên Xô là nước đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 13/9/1959. Trong khi đó, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đưa người lên Mặt Trăng với các chuyến thám hiểm thuộc chương trình Apollo trong giai đoạn 1969-1972.