| Hotline: 0983.970.780

Trường nghề nguy khốn

Thứ Sáu 13/02/2015 , 06:16 (GMT+7)

Trường nhiều, ngành nghề lớn nhưng học sinh dăm bảy em mỗi lớp dẫn đến “càng đào tạo càng lỗ”, giáo viên thiếu việc làm, trang thiết bị bỏ không... 

Đó là thực trạng chung xảy ra ở các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa được đánh giá là một trong những trường đứng top đầu các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với NNVN, ông Phan Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường không ngần ngại trút bỏ tâm sự: Chúng tôi “sống” được đến hôm nay là nhờ nghề tay trái. Tất cả các cơ sở dạy nghề ở đất Thanh Hóa này 90% đều chung số phận “sống dở chết dở”.

Ông Hải cho biết, sau khi chuyển đổi từ Trung tâm đào tạo lái xe Thanh Hóa thành Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa thì đơn vị “làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Với 5 ngành nghề được cấp phép đào tạo gồm: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy nông nghiệp, Vận hành xe nâng hàng, Vận hành máy thi công nền và xây dựng cầu đường bộ, trước năm 2002 có những thời điểm mỗi ngành nghề thu hút 300 - 400 học sinh nhưng đến nay chỉ còn nghề Vận hành máy thi công nền (máy lu, xúc, ủi...) là vớt vát được ít học sinh.

Tuy vậy số học sinh lớp nghề còn lại này giảm một cách không phanh, từ 150 em (năm 2013) xuống còn 70 em (năm 2014). Hiện trường đang đào tạo một lớp máy thi công nền với... 3 học sinh.

“Bây giờ ít cũng phải dạy để giữ uy tín của trường. Với lại chúng tôi duy trì nghề để nuôi 22 biên chế chứ thực tế càng nhiều học sinh càng lỗ”, ông Hải thở dài.

Tại sao nhiều học sinh lại lỗ? – tôi băn khoăn. Ông Hải bảo: “Để cấp một giấy chứng nhận hệ sơ cấp nghề (6 tháng) lái máy xúc, máy ủi cho một học sinh chúng tôi chỉ được phép thu của các em 184.000đ/tháng tiền học phí (tương đương hơn 1,1 triệu đồng). Nhưng hạch toán chi phí đào tạo hết ít nhất 3,5 triệu đồng/em/khóa. Như vậy chúng tôi thu không đủ chi tiền dầu chứ chưa kể tiền thuê giáo viên và duy trì trang thiết bị máy móc”.

Cũng theo ông Hải, đến thời điểm này toàn trường có 1.000 học sinh nhưng chỉ còn khoảng 20 – 30 em học nghề, còn lại là học sinh tham gia các khóa học lái xe.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Chương, Trưởng phòng đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cho hay, khoảng 5 năm lại nay 102 cơ sở dạy nghề được cấp phép (trong đó 5 trường CĐ; 17 trường trung cấp; 21 trung tâm và 59 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp có tham gia dạy nghề và các doanh nghiệp, HTX) trên địa bàn toàn tỉnh đều chịu chung số phận là tuyển sinh èo uột.

Theo ông Chương, có 5 nguyên nhân dẫn đến cảnh sống dở chết dở của các cơ sở dạy nghề. Trước hết là việc có quá nhiều cơ sở dạy nghề ở địa phương, trong khi đó cấp huyện chỉ dạy đến hệ sơ cấp nên tâm lý phụ huynh, học sinh đều không muốn theo học. Tiếp đến là thực trạng thành lập tràn lan trường dạy nghề, chỉ một tỉnh mà có đến gần 50 trường, trung tâm chuyên dạy nghề, điều đáng nói là có những trường ai cũng biết nếu có thành lập thì cũng không có học sinh theo học.

“Tôi đã từng phản đối việc thành lập trường trung cấp nghề huyện Quảng Xương nhưng không biết bằng cách nào trường này vẫn xin được Quyết định thành lập của tỉnh. Đó! Bây giờ mỗi năm chỉ tuyển được 30 – 40 học sinh thì làm sao mà duy trì được”, ông Chương nhấn mạnh.

Ông Trịnh Văn Tâm, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa): “5 năm lại nay, tỷ lệ học sinh THPT, bổ túc THPT trên địa bàn Thanh Hóa đậu vào các trường ĐH, CĐ đạt cao (từ 40 – 48%) nên số lượng học sinh vào trường nghề chỉ đạt 50 – 60% so với chỉ tiêu, kế hoạch”.

Nguyên nhân thứ 3 theo ông Chương là việc định hướng nghề của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và phụ huynh cho các em học sinh đang còn hạn chế. Cứ giữ tâm lý muốn làm thầy không muốn làm thợ nên hầu hết học sinh học xong THPT lại đổ dồn vào các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp nhưng tốt nghiệp ra trường cũng đâu có xin được việc, trong khi đó, rất nhiều em được định hướng đúng, sau khi học nghề xong có việc làm ổn định ngay.

Một nguyên nhân nữa là việc đào tạo quá nhiều hệ trong cùng một trường ĐH. “Đáng lẽ ra trường ĐH chỉ được đào tạo hệ ĐH, đằng này nhiều trường chiêu sinh, giảng dạy từ hệ sơ cấp, sau đó tiếp tục vận động học sinh liên thông lên CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ... Cách làm này không chỉ giảm chất lượng giáo dục mà còn khiến các trường nghề không đất sống”, ông Chương nói.

Xuất phát điểm ban đầu của trường nghề là TT giáo dục thường xuyên và dạy nghề, đến khoảng năm 2008 – 2009 UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện, thị xã, TP tách thành hai đơn vị gồm: TT giáo dục thường xuyên giao cho Sở GD-ĐT theo dõi và TT dạy nghề giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý.

“Việc tách thành 2 trung tâm như trên vừa sai quan điểm vừa không hiệu quả. Ngân sách Nhà nước phải đầu tư tiền của nuôi 2 bộ máy, 2 hệ thống cơ sở vật chất nên vừa qua UBND tỉnh đưa ra giải pháp sáp nhập trở lại nhưng vẫn đang còn nhiều ý kiến chưa ngã ngũ”, ông Trịnh Văn Tâm, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cho biết.

Theo ông Tâm, trong hệ thống các trường chuyên nghiệp hiện chỉ có Trường ĐH Hồng Đức và CĐ Y Thanh Hóa là “sống” được, các trường còn lại chỉ cầm chừng. Còn ông Lý Văn Chương khẳng định: “Dù thực hiện đủ các kiểu chiêu sinh như tung giáo viên đến tận trường THPT vận động học sinh học nghề; đưa ra chính sách thu hút bằng chế độ, học bổng nhưng hầu hết cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thanh Hóa đang hoạt động kiểu dặt dẹo.

Điển hình là các trường: Trung cấp nghề huyện Quảng Xương; Trung cấp nghề Kỹ nghệ; Trung cấp Phát thanh – Truyền hình; TT dạy nghề Mường Lát, Hoằng Hóa...”. Cho nên, cả 2 ông đều kiến nghị: “Cần sáp nhập các trường, cơ sở dạy nghề lại với nhau, từ đó tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực đầu tư sâu các ngành nghề trọng điểm”.

Được biết, năm 2014 toàn tỉnh Thanh Hóa có 65.700 học sinh trong độ tuổi lao động học nghề. Tuy nhiên, con số trên tăng so với năm 2012, 2013 là nhờ thống kê thêm cả học sinh đăng ký học ở các cơ sở ngoại tỉnh!

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất