| Hotline: 0983.970.780

Truyền thông chính sách về an toàn thực phẩm còn yếu

Thứ Ba 15/08/2023 , 15:29 (GMT+7)

Ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ, an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, cấp bách, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân.

Còn nhiều bất cập trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngày 15/8, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cùng Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) phối hợp với Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục, truyền thông và văn hoá an toàn thực phẩm.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán trong sản xuất, kinh doanh, ăn uống lạc hậu, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Đồng thời nâng cao đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm.

Hội thảo quốc gia về giáo dục, truyền thông và văn hoá an toàn thực phẩm được tổ chức tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 15/8. Ảnh: Minh Hậu.

Hội thảo quốc gia về giáo dục, truyền thông và văn hoá an toàn thực phẩm được tổ chức tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 15/8. Ảnh: Minh Hậu.

Tại cuộc hội thảo, ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ, an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng và là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài vì tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như các vụ ngộ độc thực phẩm lớn vẫn xảy ra, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới, kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật diễn biến phức tạp”, ông Bùi Ngọc Quý chia sẻ.

Cũng theo ông Quý, hiện nay nhiều điểm nóng về an ninh, an toàn thực phẩm chưa được giải quyết và công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản còn chậm.

Tình trạng vi phạm quy định chất lượng, an toàn thực phẩm trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm còn phổ biến đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia tổ chức tham quan mô hình sản xuất rau, củ tại một doanh nghiệp ở Lâm Đồng. 

Đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia tổ chức tham quan mô hình sản xuất rau, củ tại một doanh nghiệp ở Lâm Đồng. 

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Cùng với đó là nhận thức, thói quen sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tập quán sử dụng thực phẩm chưa bảo đảm”, ông Bùi Ngọc Quý nói và cho biết thêm, vấn đề nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn hạn chế.  Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận đã tạo ra những sản phẩm không an toàn.

Ông Bùi Ngọc Quý cho rằng, để thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm thì việc đầu tiên, quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cần chiến lược giáo dục, truyền thông, văn hoá an toàn thực phẩm

Về vấn đề giáo dục, truyền thông, văn hoác an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nêu vấn đề, thực trạng hiện nay là thiếu chiến lược, chiến dịch, chương trình chuyên biệt về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm. Vấn đề giáo dục an toàn thực phẩm hiện nay chưa được coi trọng và truyền thông chính sách về an toàn thực phẩm còn yếu.

Chuyên gia Canada tham quan mô hình ứng dụng thiên địch trong sản xuất ớt chuông tại Lâm Đồng.

Chuyên gia Canada tham quan mô hình ứng dụng thiên địch trong sản xuất ớt chuông tại Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng chỉ ra rằng, phần quy định, hướng dẫn về xây dựng văn hoá an toàn thực phẩm các cấp độ hiện nay vẫn còn thiếu. Trong đó bao gồm cơ quan quản lý, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa. Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực đặc biệt có hiểu biết, kỹ năng về giáo dục truyền thông gắn với an toàn thực phẩm tại cơ quan quản lý, tổ chức chính trị xã hội, khối sản xuất kinh doanh…

Giải pháp cho các vấn đề trên, ông Nguyễn Như Tiệp cho hay, cần hoàn thiện chính sách pháp luật. Trong đó ưu tiên xây dựng bộ quy tắc ứng xử và hướng dẫn thực hành xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm các cấp. Ngoài ra cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm đến 2030 và triển khai ngay chiến dịch, chương trình chuyên biệt hàng năm về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

“Chúng ta cần lồng ghép nội dung văn hóa an toàn thực phẩm vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học. Rà soát hài hòa quốc tế chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học thực phẩm. Tổ chức tập huấn nhân sự các cấp quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm về truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm. Cùng với đó là xây dựng mô hình điểm thực hành quy tắc ứng xử văn hóa an toàn thực phẩm tại các cấp độ như hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thương mại, nhà hàng, hộ gia đình để tổng kết đánh giá nhân rộng”, ông Nguyễn Như Tiệp nói.

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cũng trình bày báo cáo, tham luận về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ở Việt Nam. Chuyên gia của Canada cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại 15 triệu đô la Canada. Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản triển khai với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về an toàn thực phẩm tại tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.

SAFEGRO hướng tới các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp an toàn với giá cả phải chăng và cạnh tranh của người dân Việt Nam, từ đó giúp cải thiện phúc lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. SAFEGRO cũng hỗ trợ phát triển và thực thi các quy định về an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở khoa học và phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ, đồng thời hướng tới việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và thúc đẩy thay đổi hành vi dẫn tới gia tăng nhu cầu và tiêu thụ nông sản an toàn, giá cả phải chăng ở Việt Nam. 

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.