| Hotline: 0983.970.780

Truyền thông tạo cảm hứng để nông dân thay đổi

Thứ Bảy 22/06/2024 , 09:07 (GMT+7)

Hoạt động truyền thông chính sách nên nghiên cứu ứng dụng 'khoa học hành vi' trong việc tuyên truyền, vận động nhằm tạo cảm hứng cho nông dân thay đổi.

Truyền thông “mở đường” cho nông sản

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng hiện nay, việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đã trở thành quan điểm xuyên suốt và là định hướng lớn của ngành nông nghiệp. Đây là hướng đi bắt buộc và phù hợp trước sự vận động, phát triển không ngừng của toàn cầu.

Để hiện thực hóa những định hướng này, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Bộ NN-PTNT xây dựng nhiều đề án như phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp…

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, báo chí, truyền thông đã giúp lan tỏa mạnh mẽ những chủ trương, định hướng, giải pháp của ngành BVTV. Ảnh: Hoài Thơ

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, báo chí, truyền thông đã giúp lan tỏa mạnh mẽ những chủ trương, định hướng, giải pháp của ngành BVTV. Ảnh: Hoài Thơ

Bám sát những chủ trương, định hướng đó, hệ thống BVTV đã nhanh chóng cụ thể hóa thành các chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển xanh, bền vững như thúc đẩy canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giải pháp kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, sử dụng thuốc BVTV “4 đúng”... Qua đó, vừa góp phần bảo vệ sản xuất, vừa quản lý sinh vật gây hại theo hướng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, giảm phát thải.

Gần đây nhất là việc ban hành nhiều đề án như tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; thúc đẩy phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)…

Để tạo hiệu ứng tốt cho các chương trình, đề án lớn của ngành BVTV phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông. Ảnh: LHV.

Để tạo hiệu ứng tốt cho các chương trình, đề án lớn của ngành BVTV phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông. Ảnh: LHV.

Việc đưa những chủ trương, định hướng, giải pháp đó vào thực tế sản xuất là một hành trình đầy gian nan. Ngành BVTV đã nỗ lực cô đọng các giải pháp thành những thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ để nông dân dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, để có được hiệu ứng tốt nhất vẫn cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Có thể nêu một ví dụ, hiệu quả, sức lan tỏa của chương trình IPM đến nay đã được khẳng định, góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt sản xuất trong nước, được nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đánh giá cao, xem là kinh nghiệm để học hỏi.

Để có được thành quả đó, nếu không có công tác thông tin, tuyên truyền đồng hành thì các địa phương, nông dân sẽ không dành sự quan tâm đúng mức. Bởi lẽ, guồng quay cuộc sống, sản xuất vận động không ngừng, việc nhắc đi nhắc lại những nội dung cơ bản sẽ giúp nông dân hiểu cặn kẽ IPM là gì, tác dụng của nó ra sao, hiệu quả mang lại là gì…, từ đó sẽ tự chuyển biến trong hành động.

Hiện nay, lĩnh vực BVTV đảm nhận nhiệm vụ rất quan trọng là mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đặt ra yêu cầu trước khi chúng ta xuất khẩu sản phẩm nông sản vào các thị trường này phải tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại. Nếu công tác đàm phán, mở cửa thị trường thất bại thì cánh cửa cho nông sản Việt Nam đi xa sẽ dần khép lại.

Ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh, đối với lĩnh vực BVTV, truyền thông không chỉ có ý nghĩa về thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định chính sách. Ảnh: Hoài Thơ.

Ông Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh, đối với lĩnh vực BVTV, truyền thông không chỉ có ý nghĩa về thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định chính sách. Ảnh: Hoài Thơ.

Bên cạnh đó, tất cả các nước nhập khẩu đều đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật (KDTV) và ATTP. Về KDTV, hệ thống BVTV có trách nhiệm hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu về đối tượng KDTV của từng thị trường là gì, đảm bảo tuyệt đối không được mang đối tượng dịch hại đó trên sản phẩm xuất khẩu. Về ATTP, hệ thống BVTV đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp, hướng dẫn nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện sản xuất đúng; tạo ra sản phẩm không nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc BVTV không vượt mức tối đa cho phép...

Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra những trường hợp rất đáng tiếc khi một số lô hàng xuất khẩu bị trả về, phải tiêu hủy vì vi phạm những lỗi rất nhỏ trong quy định của các nước, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và hình ảnh nông sản Việt Nam. Khi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, đôi lúc cho thấy không phải do người sản xuất hay doanh nghiệp không thực hiện mà do họ chưa thực sự hiểu, nắm bắt và nhận thức đầy đủ hướng dẫn từ cơ quan chức năng nên đã vô tình vi phạm...

Công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lan tỏa những chủ trương, định hướng lớn của ngành, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và thông tin thị trường tới cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một thông tin kịp thời, chính xác đưa tới nông dân, doanh nghiệp, đã mang lại giá trị gấp nhiều lần, giúp cho cả một quá trình dày công gây dựng không bị “đổ sông, đổ bể”.

Tạo cảm hứng để nông dân thay đổi

Trong bối cảnh nào thì công tác thông tin, tuyên truyền đều phải được ưu tiên hàng đầu, thậm chí phải đi trước một bước. Thực tế cho thấy, trong tất cả các đề án, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nông nghiệp nói riêng, phần giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin là một trong các giải pháp chính khi thực hiện. Bởi lẽ, chỉ khi chúng ta thống nhất được nhận thức thì mới có thể tạo chuyển biến về hành động.

Báo chí là tấm gương phản chiếu chân thực, sinh động nhất tình hình thực tế trong sản xuất. Ảnh: TL.

Báo chí là tấm gương phản chiếu chân thực, sinh động nhất tình hình thực tế trong sản xuất. Ảnh: TL.

Đối với lĩnh vực BVTV, truyền thông không chỉ có ý nghĩa về thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cho cơ quan hoạch định chính sách, công tác nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp có thêm những thông tin, kinh nghiệm để đưa ra những quyết định phù hợp.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, báo chí là tấm gương phản chiếu chân thực, sinh động nhất tình hình thực tế trong sản xuất. Từ đó, các nhà khoa học sẽ có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá những bất cập để tiếp tục đào sâu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, công tác báo chí, truyền thông, thông tin, tuyên truyền cần có sự điều chỉnh để tăng sự lan tỏa.

Hiện nay, công tác bảo vệ sản xuất vẫn duy trì thói quen dựa nhiều vào thuốc BVTV hóa học. Nhận thấy sâu bệnh là người dân đã nghĩ ngay đến việc dùng thuốc gì để phun trừ. Thậm chí ngay cả các chuyên gia hướng dẫn, khuyến cáo nông dân biện pháp phòng trừ vẫn dành nhiều ưu tiên cho các loại thuốc hóa học; các giải pháp kỹ thuật sinh học, giải pháp khác lại ít được đề cập. Đây là điểm chúng ta nên điều chỉnh, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp định hướng tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về ngành BVTV, khuyến nông phải gắn chặt với nhau để giúp xây dựng những mô hình có quy mô lớn trên thực tế. Việc ứng dụng các sản phẩm sinh học muốn đi nhanh vào sản xuất mà truyền thông chậm chạp, không mở đường, mô hình chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ thì nông dân sẽ không thấy được sức hấp dẫn để thay đổi.

Truyền thông đã giúp nông dân có những chuyến biến trong nhận thức và thay đổi hành vi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ảnh: TL.

Truyền thông đã giúp nông dân có những chuyến biến trong nhận thức và thay đổi hành vi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ảnh: TL.

Nếu như giai đoạn này chúng ta không quyết liệt thay đổi, sẽ tự đánh mất đi những cơ hội, thị trường lớn. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do EVFTA, gần như 100% mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU mức thuế bằng 0, trong khi các nước khác phải chịu thuế suất 15 - 20%, thậm chí cao hơn. Đây là cơ hội để nông sản chúng ta đi xa, nâng cao giá trị. Nếu chỉ vì thiếu thông tin, kiến thức để vướng vào những quy định cấm, không xuất khẩu được thì thật đáng tiếc.

Trong hoạt động truyền thông chính sách, cũng nên nghiên cứu ứng dụng “khoa học hành vi” trong việc tuyên truyền, vận động nhằm tạo cảm hứng cho nông dân thay đổi. Ngành nông nghiệp đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Công tác truyền thông phải tích cực đồng hành để kích cầu được công tác nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thuốc BVTV sinh học.

Hiện nay, việc phát triển thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp, hàng hóa vẫn còn hạn chế vì thiếu nguồn lực và chưa tạo được sức hấp dẫn với các doanh nghiệp.

Một thống kê cho thấy, toàn bộ quá trình để đưa được một loại thuốc BVTV hóa học ra thị trường tiêu tốn khoảng 300 triệu USD và cần thời gian khoảng 10 năm, trong khi thuốc sinh học chỉ tiêu tốn khoảng 10 - 12 triệu USD và 5 - 6 năm. Trong khi đó, Việt Nam rất dồi dào tài nguyên thảo mộc có thể chiết xuất thuốc làm BVTV sinh học nhưng chúng ta vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ.

Thị trường xuất khẩu nông sản đang rộng mở, nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi, sẽ tự đánh mất đi những cơ hội, thị trường lớn. Ảnh: TL.

Thị trường xuất khẩu nông sản đang rộng mở, nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi, sẽ tự đánh mất đi những cơ hội, thị trường lớn. Ảnh: TL.

Bài toán các doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận. Sở dĩ họ chưa mặn mà với thuốc BVTV sinh học vì chưa có thị trường đủ sức hấp dẫn. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng chính sách để các doanh nghiệp nhận thấy thị trường thuốc BVTV sinh học là tiềm năng để đầu tư phát triển. Trong đó, việc miễn thuế cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thuốc BVTV sinh học để tăng sức cạnh tranh với sản phẩm hóa học được đánh giá là giải pháp khả thi.

Khi Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ những thông tin về kinh nghiệm quản lý thuốc BVTV của các quốc gia trên thế giới, không chỉ người dân, doanh nghiệp học tập được những cách làm hay mà những bài báo đó như một câu hỏi đặt ra cho những người làm chính sách là các quốc gia đang định hướng phát triển như vậy, liệu chúng ta có nên áp dụng? Toàn cầu đang chuyển mình thì chúng ta có nên điều chỉnh...

(ghi)

Xem thêm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng con giống cho người dân Hải Phòng

HẢI PHÒNG Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã thăm, chia sẻ, động viên và tặng quà người dân bị thiệt hại do bão số 3 tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Ninh Thuận khẩn trương dập dịch tả lợn Châu Phi

Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng dập dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm và có khả năng lây lan rộng trong thời gian tới rất cao.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Bình luận mới nhất