Mô hình đầu tiên trên cánh đồng lúa - tôm
Ngày 26/9, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên vùng lúa – tôm tại huyện An Minh.
Mô hình thí điểm “Lúa hữu cơ - Tôm sinh thái” được thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ Tôm Cua Lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) với diện tích 10ha, có 13 hộ thành viên tham gia. Tại cánh đồng thí điểm, các đại biểu đã tham quan thao diễn thực hành ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa bằng drone, giảm lượng giống gieo sạ và giảm chi phí công lao động.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tôm Cua Lúa Thạnh An cho biết, rất vinh dự khi được chọn là hợp tác xã đầu tiên ở huyện An Minh tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” và khởi động mô hình thí điểm trong vụ mùa 2024 - 2025.
Đây được xem là bước khởi đầu để hợp tác xã và nông dân sản xuất theo mô hình lúa – tôm hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh. Mô hình thí điểm này sẽ có nhiều điểm mới, nông dân sẽ có những thay đổi về tập quán sản xuất, giảm chi phí đầu tư thông qua việc giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm vật tư đầu vào và sản xuất giảm phát thải.
Ông Nguyễn Hoàng Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh cho biết, An Minh là huyện có diện tích sản xuất lúa – tôm lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, huyện An Minh sẽ đóng góp 20.000ha sản xuất luân canh lúa – tôm, góp phần vào tổng diện tích 200.000ha mà tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia vào Đề án.
Từ cánh đồng thí điểm này, các đơn vị chuyên môn của huyện sẽ tập huấn cho nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao đã được Cục Trồng trọt ban hành. Định hướng tổ chức lại sản xuất trên vùng lúa – tôm, nhân rộng các cánh đồng “Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái” trên địa bàn huyện. Quyết tâm đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 4 xã tham gia thực hiện Đề án với khoảng 7.000 hộ nông dân tham gia và đạt diện tích tối thiểu 20.000ha lúa – tôm/vụ như đã đăng ký.
Mở rộng diện tích sản xuất lúa giảm phát thải
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang - ông Nguyễn Văn Nghĩa, sản xuất lúa gạo là lợi thế của tỉnh với sản lượng hơn 4 triệu tấn/năm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy hoạch, diện tích đất trồng lúa của tỉnh đến năm 2030 là 375.000ha, diện tích sản xuất trên 700.000ha/năm. Riêng diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm trên toàn tỉnh hiện nay là 106.000ha, tập trung tại các huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và trong tương lai mô hình sản xuất này sẽ còn tiếp tục được mở rộng.
Mô hình thí điểm sản xuất “Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái” ở huyện An Minh là cánh đồng thứ 2 tại tỉnh Kiên Giang được khởi động tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đây là mô hình sản xuất mới, được thí điểm trong Đề án tại tỉnh Kiên Giang với nhiệm vụ trọng tâm là đưa những tiến bộ kỹ thuật và những công nghệ mới vào quy trình sản xuất. Qua đó, giúp nông dân canh tác lúa chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.
Từ 2 cánh đồng đã được khởi động tại An Minh và Tân Hiệp, Sở NN-PTNT Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện tại 10 huyện còn lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo trong Đề án. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Kiên Giang sẽ thực hiện đạt 60.000ha, đến năm 2030 thực hiện 200.000ha theo cam kết với Bộ NN-PTNT.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cánh đồng thí điểm “Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái” tại huyện An Minh là mô hình thứ 7 tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được khởi động tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Điều đặc biệt của mô hình thí điểm này là sản xuất trên vùng luân canh lúa – tôm, trong khi các mô hình đã khởi động trước đây là ở vùng chuyên canh lúa.
Theo ông Tùng, ĐBSCL có diện tích khá lớn canh tác theo mô hình lúa – tôm với trên 200.000ha và nông dân các tỉnh ven biển đã thực hiện hơn 20 năm qua. Tuy nhiên hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nếu không có sự thích ứng thì sản xuất lúa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là yêu cầu thị trường ngày càng cao, buộc nông dân phải thay đổi quy trình sản xuất. Tham gia Đề án chính là con đường để phát triển bền vững, hình thành những cánh đồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gằn với tăng trưởng xanh.
Tại lễ phát động, đại diện Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice, Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Trường Thịnh và Hợp tác xã Dịch vụ Tôm Cua Lúa Thạnh An đã ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị lúa bền vững theo mô hình “Lúa hữu cơ - Tôm sinh thái”.