| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật chăm sóc để cây ăn quả sớm phục hồi sau mưa lũ

Thứ Năm 26/09/2024 , 20:04 (GMT+7)

Đối với những vườn cây ăn quả bị ngập sâu từ 5 - 7 ngày hoặc dài ngày hơn, người dân cần cắt tỉa đến 70 - 80% cành lá để cây nhanh phục hồi.

Mưa lớn kéo dài vừa qua đã làm ngập nhiều diện tích cây ăn quả tại các địa phương phía Bắc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mưa lớn kéo dài vừa qua đã làm ngập nhiều diện tích cây ăn quả tại các địa phương phía Bắc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian qua, bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc.

Chia sẻ về những giải pháp khắc phục tình trạng gãy đổ của cây ăn quả cũng như ứng phó với ngập úng, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc đầu tiên bà con cần làm là cần tích cực tiêu úng, thoát nước toàn bộ diện tích cây trồng trên cạn.

“Việc ngập nước lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến bộ rễ, làm cây kém phát triển, thậm chí có thể bị chết cây. Vì vậy, bà con cần khẩn trương khơi thông các đường rãnh thoát nước một cách triệt để”, ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh.

Đối với những vườn vải hoặc vườn nhãn, theo chuyên gia, cần kiểm tra, cắt bỏ gọn gàng tất cả cành gãy bằng những dụng cụ chuyên dụng. Bên cạnh việc cắt tỉa thông thoáng bộ tán cây, người dân cũng có thể quét vôi lên phần gốc cao khoảng một mét để hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, nấm bệnh.

“Sau khi vườn đã khô ráo, cây bắt đầu phục hồi, bà con cần nhanh chóng tiến hành chăm bón để cây nhãn, cây vải kịp ra lứa lộc thu để có thể cho quả vào vụ năm sau”, ông Hồng khuyến cáo.

Đối với những vườn cây ăn quả có múi, người dân cũng cần tiến hành thoát nước, tiêu úng và cắt tỉa cành gãy cũng như cành yếu, ít cho quả. Sau đó bà con có thể tiến hành chăm sóc, bón phân, thậm chí có thể sử dụng phân bón lá.

Vườn chuối của người dân huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đổ rạp sua cơn bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vườn chuối của người dân huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đổ rạp sua cơn bão số 3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đặc biệt lưu ý việc người dân cần cắt tỉa đến 70 - 80% cành lá sẽ giúp cây nhanh phục hồi đối với những vườn bị ngập sâu từ 5 - 7 ngày hoặc dài ngày hơn, bởi nếu để nhiều cành, nước sẽ bị thoát thông qua lá cây, kết hợp với việc bộ rễ bị hỏng, không lấy được nước và chất dinh dưỡng, cây trồng sẽ bị yếu đi.

“Bà con cần đặc biệt quan tâm và chăm sóc một cách cẩn thận những cây trồng bị ngập sâu trong nhiều ngày. Để cây trồng nhanh phục hồi, bà con nên sử dụng phân bón lá và những loại phân tan nhanh tưới từ từ, đều đặn mỗi tuần một lần với nồng độ loãng. Sau khi cây trồng phục hồi, phát triển cành lá tốt, người dân có thể tiếp tục chăm sóc theo những biện pháp thông thường để cây ra quả”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), để phòng ngừa bệnh hại, nâng cao sức khỏe cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả sau bão lũ, sau khi cắt tỉa gọn gàng cành lá, người dân cần điều tiết, cân đối phân bón một cách hợp lý.

“Lúc này bà con không nên bón lượng lớn phân cho cây trồng mà phải bón một lượng hợp lý, cân đối. Bên cạnh đó, sau mưa lũ, một số loại nấm có sẵn trong đất sẽ có cơ hội để phát sinh. Để phòng ngừa những loại nấm này, bà con có thể quét vôi lên phần gốc cao của cây hoặc bón bổ sung nấm đối kháng dưới gốc cây, từ đó giúp cây trồng phục hồi sức khỏe một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Quý Dương cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.