| Hotline: 0983.970.780

Từ 15/7, tăng mức xử phạt hành chính bưu chính

Thứ Tư 26/05/2010 , 08:46 (GMT+7)

Theo nghị định mới, mức phạt đối với bốn nhóm hành vi trong lĩnh vực bưu chính sẽ tăng lên.

Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2010/NĐ-CP, sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7.

Nghị định nêu rõ sẽ tăng mức phạt đối với bốn nhóm hành vi trong lĩnh vực bưu chính gồm hoạt động của mạng bưu chính công cộng, mạng chuyển phát; bảo đảm an toàn mạng bưu chính, mạng chuyển phát; cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát; và quản lý, sử dụng tem bưu chính.

Theo Nghị định, đối với các hành vi vi phạm hành chính về hoạt động của mạng bưu chính công cộng, mạng chuyển phát, mức phạt quy định từ 1-10 triệu đồng, không còn hình thức phạt cảnh cáo như trước đây.

Các hành vi như không mở cửa hoặc mở cửa bưu cục không đúng thời gian đã niêm yết; không cung cấp công khai hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin liên quan về các dịch vụ đang cung cấp tại bưu cục giao dịch, điểm phục vụ... sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng (mức phạt cũ từ 200.000-500.000 đồng).

Còn hành vi sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành bưu chính để vận chuyển hàng hóa, chở người trái quy định... bị phạt từ 3-5 triệu đồng (mức phạt cũ từ 500.000-2 triệu đồng).

Ngoài ra, các hành vi làm thay đổi trạng thái, hư hỏng hoặc mất tác dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất của mạng bưu chính công cộng; sử dụng trái phép cụm từ “Bưu chính Việt Nam”... sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng (mức phạt cũ từ 3-10 triệu đồng).

Nghị định cũng bổ sung thêm một số hành vi vi phạm bị xử phạt như kinh doanh dịch vụ chuyển phát không có xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện việc thông báo lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ, giá cước, chất lượng dịch vụ, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại... với mức phạt từ 3-5 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Nghị định vẫn giữ nguyên mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng, tuy nhiên lại tăng khung hình phạt đối với từng hành vi cụ thể.

Đối với hành vi chậm phát thư, bưu phẩm, kiện, gói hàng hóa đến người sử dụng dịch vụ sẽ tăng khung phạt tiền từ 200.000-1 triệu đồng lên 1-3 triệu đồng; hay như hành vi kiểm tra trái pháp luật túi, gói thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa đang trên đường vận chuyển sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng (mức phạt cũ là 1-4 triệu đồng).

Đối với nhóm các hành vi vi phạm về cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, đa số các mức phạt được giữ nguyên và mức phạt cao nhất vẫn là 70 triệu đồng.

Ngoài ra, một số hành vi có tăng mức phạt nhưng không nhiều như hành vi gửi thư trong bưu kiện, kiện, gói hàng hóa mức phạt cũ từ 50-100.000 đồng tăng lên 200-500.000 đồng.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thêm một số hành vi bị xử phạt như không công bố các phương án giải quyết, các biện pháp xử lý đối với những trường hợp thư, bưu phẩm... không phát được thì phạt từ 1-3 triệu đồng; hành vi không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bị phạt mức 3-5 triệu đồng.

Đối với quản lý, sử dụng tem bưu chính, mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng sẽ tăng lên 70 triệu đồng, áp dụng đối với hành vi kinh doanh, tàng trữ hoặc sưu tập tem bưu chính có nội dung kích động, gây thù hằn giữa các dân tộc.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.