| Hotline: 0983.970.780

Từ 'bông' đến 'hoa' trong tiếng Việt

Thứ Ba 07/06/2022 , 06:58 (GMT+7)

Không rõ từ khi nào, người dân miền Bắc đã đổi sang sử dụng từ 'hoa' để thay thế từ 'bông', và đẩy 'bông' trở thành thân phận từ phụ, phó từ.

 

Hoa lan, hoa huệ, hoa hồng là cách gọi của người miền Bắc. Người miền Nam gọi là bông lan, bông huệ, bông hồng. Với người miền Bắc, "hoa" là danh từ chỉ cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm. Với người miền Nam, từ "bông" mang nghĩa là "hoa".

Ở miền Bắc hiện nay, “bông” vẫn là một từ thông dụng, nhưng không có nghĩa giống như hoa, mà chỉ là phó từ, lượng từ (từ chỉ số lượng), cụ thể là làm nhiệm vụ từ phụ bổ trợ cho từ “hoa” và thường đứng trước từ “hoa”. Như vậy từ “bông” có chức năng giống hệt từ “đóa”, tức là từ dùng để chỉ từng cái hoa. Ví dụ khi nói “mua bông hoa hồng”, thì người ta sẽ hiểu là mua (chỉ) một (bông) hoa hồng. Do đó, phải nói “mua ba bông hồng”, chứ không được nói “mua ba hoa hồng”. Khi nói đến cả một vườn trồng toàn hoa (không đếm được số lượng), thì phải nói “vườn hoa”, chứ không được nói “vườn bông”, hay “vườn bông hoa”.

Ngoài ra, ở miền Bắc, từ “bông” cũng thường để chỉ cụm hoa gồm nhiều hoa không cuống mọc dọc trên một cán hoa chung; tập hợp gồm nhiều quả (mà thông thường gọi là hạt) phát triển từ một cụm hoa như thế. Ví dụ như bông kê, bông lúa.

Lý giải về việc miền Bắc dùng từ “hoa”, miền Nam dùng từ “bông” để thay thế cho từ “hoa”, người ta cho rằng, trước kia ở miền Nam cũng phổ biến dùng từ “hoa”, nhưng sau đó đã đổi sang từ “bông”. Một bài báo trên Zingnews dẫn theo lý giải của Trương Vĩnh Ký trong ghi chép về các địa danh ở Gia Định năm 1885, lý giải việc cầu Hoa bị gọi thành cầu Bông như sau: “Chữ hoa bị cấm kỵ để kính tên riêng một hoàng thân, quốc thích”. Cũng bài báo này viết: “Theo các nhà nghiên cứu, dưới thời phong kiến, triều đình cấm dân chúng gọi tên húy của vua chúa, hoàng hậu. Chữ "hoa" thời Nguyễn bị vua Gia Long cấm gọi vì trùng tên húy của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng. Theo thời gian, cách gọi này trở thành thói quen. Hiện nay, ở các tỉnh miền Nam và ngay tại Thừa Thiên - Huế, người dân ít khi gọi "hoa". Thay vào đó, họ dùng từ "bông" để thay thế”.

Tuy nhiên, với riêng cá nhân tôi, cách giải thích như thế không đủ thuyết phục. Nếu vì kiêng húy tên của “vợ vua” mà phải đổi “hoa” sang “bông” thì việc này phải diễn ra ra khắp cả nước, tức là ở cả miền Bắc, chứ sao lại chỉ xuất hiện ở miền Nam? Bởi thời vua Gia Long, giang sơn đã liền về một mối, lẽ nào miền Nam kiêng húy mà miền Bắc không phải kiêng?

Tìm hiểu về lịch sử, thì ở miền Bắc, thời xa xưa cũng đã từng sử dụng từ “bông” với chức năng và ngữ nghĩa đúng như từ “hoa” bây giờ.

Ví dụ, trong ca dao cổ: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng”.

Nếu xét theo ngôn ngữ miền Bắc hiện tại, thì chữ “bông trắng” có vẻ không ổn, Đúng ra phải viết là “hoa trắng”.

“Lá xanh, hoa trắng, lại chen nhị vàng” sẽ chuẩn hơn cả về mặt âm tiết trong thơ, cả về ngữ nghĩa. Việc người xưa dùng “bông trắng” trong câu thơ này, chỉ có thể giải thích rằng, thời xưa chữ “bông” có nghĩa là “hoa”.

Một ví dụ khác, đó là ở miền Bắc, thời xưa đã nổi tiếng có điệu “Múa bài bông” hay còn gọi là “Múa cây bông”. Tại nhiều chương trình nghệ thuật Phật giáo, khán giả được thưởng lãm điệu múa múa bông hay múa bài bông có nguồn gốc Phật giáo. Bởi hình tượng mỗi vũ nữ cầm hai bông hoa sen trên tay đã cách điệu thành hai ngọn đèn hình bông hoa sen được xem như là thứ đạo cụ không tách rời trong điệu múa này.

Theo một số nhà nghiên cứu, “Múa bài bông” xuất hiện từ thời Trần. Sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, do 2 tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề biên soạn, xuất bản năm 1962 viết “Múa bài bông là nhã nhạc của đế vương thịnh điển nhất trong nhạc giới. Điệu múa này do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3”.

Theo một số sách Phật giáo, điệu múa bông xuất hiện cách đây chừng 700 năm, do các cung tần mỹ nữ, những người được triều đình nhà Trần bí mật sai cử lên Yên Tử hòng dùng nhan sắc của mình để níu kéo Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ý định đi tu. Các mỹ nhân ấy đã thất bại trong việc “lôi kéo” Thượng hoàng về lại kinh thành nên rủ nhau nhảy xuống suối (suối sau này được gọi là suối Giải Oan) mà tự vẫn, hành động ấy được xem như là sự thể hiện trung thành với vị quân vương của mình.

May thay, các vị cung tần mỹ nữ tuyệt sắc giai nhân ấy đã được nhân dân mấy làng dưới chân núi Yên Tử cứu vớt. Họ sống sót nhưng chẳng một ai màng việc trở lại kinh thành nữa. Nghe nói thì chính họ lại là những người đã nghĩ ra điệu múa bông nhằm biểu diễn trong dịp hành lễ trên núi Yên Tử. Hoặc cũng để có được sự khuây lòng khi biết mình vẫn còn ở bên cạnh Phật hoàng Trần Nhân Tông. Như vậy, theo giả thiết này thì điệu múa bông là điệu múa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử riêng có của Việt Nam.

Thưởng lãm điệu múa bông, hay còn gọi là múa bài bông, “múa cây bông, ta thấy điệu múa tái hiện hình ảnh những bông hoa sen, với những bàn tay, đôi chân nhịp nhàng kết tạo thành hình hoa. Như vậy, nếu hiểu theo ngôn ngữ tiếng Việt bây giờ, thì đây chính là điệu múa hoa. Nhưng vì sao, thời xa xưa, người dân ở Bắc bộ không đặt tên điệu múa này là múa hoa, múa bài hoa, mà lại đặt tên múa bông, múa bài bông? Với người miền Bắc ngày nay, chữ múa bông, múa bài bông hiểu theo nghĩa là múa bài một bông (đóa) hoa, hoặc múa đóa thì sẽ không ổn chút nào. Vấn đề này chỉ có thể giải thích được, khi vào thời Trần, từ “bông” mang nghĩa chính là “hoa”.

Thêm nữa, ở làng Bình Đà xưa kia nổi tiếng với nghề làm pháo trứ danh, được truyền tụng trong câu tục ngữ “Nhất pháo Bình Đà, nhì gà Đông Tảo”. Những loại nổi tiếng của người dân Bình Đà từ xa xưa là pháo bông, pháo bèo, pháo Trúc Bạch. Xưa vào tháng 3 âm lịch hàng năm, thời điểm diễn ra hội làng Bình Đà, các thôn làm pháo thi, thường đốt pháo bông và pháo bèo. Pháo bông thực chất là loại pháo phát sáng trên không trung tạo thành hình những bông qua cúc, tức là tương tự như pháo hoa ngày nay, tuy nhiên do không có lực bắn cao, nên pháo tỏa sáng ở tầm thấp, chỉ cách mặt đất vài mét. Vì sao, người Bình Đà không gọi pháo hoa, mà gọi pháo bông? Chỉ có thể giải thích được rằng, thời xa xưa, “bông” chính là “hoa”.

Thành ngữ “đeo bông tai” cũng phổ biến trong ngôn ngữ ở miền Bắc từ biết bao đời nay.

Tìm hiểu được biết, “bông” là từ thuần việt, trong khi “hoa” là từ Hán Việt. Thời xưa (trong đó có thời Lý - Trần), người dân Đại Việt đã dùng từ “bông” với chức năng và ngữ nghĩa của từ “hoa” ngày nay, cụ thể là danh từ để gọi cơ quan sinh sản của cây cối, thường có màu sắc, hình thái đẹp và có hương thơm. Từ “hoa” với ngữ nghĩa tương tự, vốn xuất phát từ âm “Hán” truyền sang, sau dần dần được Việt Hóa.

Không rõ từ khi nào, người dân miền Bắc đã đổi sang sử dụng từ “hoa” để thay thế từ “bông”, và đẩy “bông” trở thành thân phận từ phụ, phó từ.

Khi các chúa Nguyễn cùng dân chúng di cư khai khẩn phương Nam, đem theo “tài sản” là tiếng Việt của cha ông, trong đó có từ “bông”. Ở miền Nam đến nay, từ “bông” vẫn được sử dụng phổ biến theo đúng chức năng từ “bông” cổ xưa của cha ông ta. Trở lại lời văn của Trương Vĩnh Ký ghi chép về các địa danh ở Gia Định năm 1885, lý giải việc cầu Hoa bị gọi thành cầu Bông là do kiêng húy tên vợ vua Minh Mạng. Đây chỉ là đổi tên của một cây cầu, vì từ “Bông” vốn là từ thuần Việt có nghĩa giống hệt từ “Hoa” – vốn là từ Hán Việt. Nhưng đem việc đổi tên một cây cầu Hoa thành cầu Bông để “phán” rằng, người dân phải đổi toàn bộ từ “hoa” thành “bông” thì không đúng. Bởi thời Nguyễn, người ta vẫn gọi dân cư có gốc từ Trung Quốc đến là “người Hoa” chứ không gọi là “người Bông”.

Như vậy thấy rõ, trong ngôn ngữ người dân miền Bắc, đã có sự biến đổi từ “bông” sang “hoa”. Với người miền Nam, cho đến nay vẫn sử dụng từ “bông” theo tiếng Việt cổ.

Chu Minh Khôi

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Syngenta Việt Nam ra mắt lúa lai 3 dòng thế hệ mới SYN8

Giống lúa lai 3 dòng thế hệ mới Syn8 được Syngenta đưa về Việt Nam từ năm 2020, qua nhiều cuộc khảo nghiệm, đánh giá đã thể hiện được các ưu thế vượt trội.

Hàn Quốc mở rộng quy mô ngành rong biển

Nhu cầu về rong biển ăn được của Hàn Quốc đã tăng vọt, trong khi nguồn cung gặp khó và giá cả lạm phát.

Hạt điều Việt muốn phủ khắp thị trường Trung Quốc

Trung Quốc đang nhập khẩu ngày càng nhiều hạt điều Việt Nam. Việt Nam không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn muốn đưa hạt điều đi sâu hơn vào thị trường này.