Bức tranh toàn cảnh
Ông có thể phác họa bức tranh toàn cảnh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lậu và trách nhiệm của các phía liên quan thế nào?
Thuốc BVTV nhập lậu (bao gồm thuốc BVTV không có trong danh mục, thuốc giả nhãn mác, bao bì…) được vận chuyển vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia bằng những đường mòn, lối mở.
Chúng được tập kết lại rồi vận chuyển sâu vào nội địa bằng gửi xe khách, xe tải, thường đóng trong các hộp xốp hoặc thùng kín rất khó phát hiện.
Luật Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật quy định: Bộ NN-PTNT có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý thuốc BVTV; Bộ Công thương chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với thuốc BVTV; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp bảo đảm quốc phòng và an ninh; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ NN-PTNT… kiểm tra, giám sát thuốc BVTV khi xuất, nhập khẩu.
Như vậy việc phòng chống thuốc BVTV lậu gồm có nhiều lực lượng chức năng ở biên giới có bộ đội biên phòng, công an, hải quan bên trong nội địa có quản lý thị trường, công an, hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Hiện tượng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV lậu nổi lên từ năm nào thưa ông?
Từ cuối năm 2015, đầu 2016. Ngay khi đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản gửi các bộ ngành, địa phương có liên quan đề nghị phối hợp, kiểm tra, kiểm soát.
Bộ cũng ban hành Chỉ thị số 3606 về xử lý việc vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV lậu. Còn Cục BVTV đã làm việc trực tiếp với Sở NN-PTNT các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Lào Cai để triển khai ngăn chặn.
Buôn lậu thuốc BVTV từ bao nhiêu có thể xử lý hình sự? Phải chăng thủ đoạn của những “tay to” thường là xé lẻ hàng ra để giảm thiểu khả năng bị truy cứu hình sự?
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì tội buôn lậu sẽ bị xem xét áp dụng hình phạt quy định tại điều 188 với hàng hóa trị giá từ 100.000.000 trở lên; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.
Thời gian qua các địa phương vào cuộc tuy nhiên những vụ việc phát hiện mang tính nhỏ lẻ, chỉ vài chục chai, gói nên chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà chưa có vụ buôn bán thuốc BVTV lậu nào phải xử lý hình sự.
Sau khi thu giữ, một số tỉnh bố trí được kinh phí, khu vực để chứa, tiêu hủy thuốc BVTV lậu như Lào Cai, Cao Bằng còn một số tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh thì thu gom lại và bàn giao cho Cục BVTV để tiêu hủy. Năm 2016 chúng tôi đã tiêu hủy 7 tấn, năm 2018 hơn 2 tấn thuốc lậu.
Không xử lý được hình sự từ người buôn đến người sử dụng thì tính răn đe phải chăng là yếu? Nhất là với việc buôn thuốc lậu, lợi nhuận thường rất lớn thưa ông?
Lợi nhuận của việc buôn thuốc lậu với cá nhân có thể là lớn nhưng để các “tay to” thành lập các ổ nhóm, đường dây thì chưa thấy mà mới ở quy mô nhỏ, lẻ thôi. Các cá nhân này vì lợi ích trước mắt nên đã tiếp tay đưa thuốc lậu đến với người nông dân.
Khi thấy buôn thuốc BVTV lậu thì báo cho ai? Thấy nông dân sử dụng thuốc BVTV lậu thì báo cho ai?
Với việc buôn bán, hãy báo cho chính quyền địa phương cấp xã, huyện hay cơ quan chuyên ngành như Trạm BVTV, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hoặc đội quản lý thị trường. Còn với việc sử dụng, nhanh nhất để xử lý là báo chính quyền địa phương hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV hoặc Trạm BVTV gần nhất có thể.
Dân dễ mua nhưng cơ quan chức năng khó bắt
Người dân rất dễ tiếp cận với thuốc lậu như mua con cá, mớ rau nhưng cơ quan chức năng lại khó là vì sao?
Do quy mô buôn bán nhỏ lẻ nên các đối tượng có thể cất giấu ở ngoài khu vực cửa hàng. Cơ quan chuyên ngành khi muốn kiểm tra phải thành lập đoàn, phạm vi chỉ được kiểm tra ở cửa hàng và kho chứa. Có khi họ giấu ở trong nhà nhưng chúng tôi không có quyền được vào mà kiểm tra.
Có thể ví chống hàng thuốc lậu giống như việc đắp đê từ biên giới mà để cho đê vỡ, thuốc tràn sâu vào trong nội địa thì không cơ quan chức năng nào có thể trăm tay, ngàn mắt mà bắt cho xuể được?
Đúng là phải ngăn từ gốc, từ đầu vào. Tuy nhiên, không phải chỉ có việc ngăn ở gốc đó mà còn cả ngăn từ việc sử dụng. Làm sao để tuyên truyền cho nông dân nhận thấy việc sử dụng thuốc BVTV lậu là không tốt, gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nông sản Việt Nam để họ không sử dụng nữa.
Có cầu ắt có cung, nếu không có cầu thì người buôn cũng chẳng bán được cho ai cả. Một khi vẫn còn nhu cầu sử dụng thì bằng mọi cách sẽ lách để tuồn vào. Xử lý triệt để vấn đề này, cần sự vào cuộc của các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương và cả của người dân nữa.
Để xảy ra thuốc lậu trên địa bàn tỉnh, huyện, xã thì theo thẩm quyền trách nhiệm của lãnh đạo địa phương thế nào?
Trách nhiệm của UBND các cấp được quy định cụ thể tại điều 8 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật: UBND tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo UBND huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, tiêu hủy thuốc vô chủ tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền. UBND xã, phường, thị trấn: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV đối với cộng đồng, môi trường; Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; Kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ BVTV, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương...
Chưa có thống kê số nông dân bị xử phạt
Luật của ta có quy định nào về xử phạt người nông dân dùng thuốc BVTV lậu cũng như dùng thuốc quá liều, sai đối tượng hoặc độc hại không thưa ông?
Cục chưa thống kê ở các địa phương xử phạt đối với nông dân vi phạm như thế nào mà cho đến nay mới chỉ xử phạt đối với các tổ chức vi phạm.
Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, tổ chức các lớp tập huấn TOT (giảng viên IPM) cho các cán bộ làm công tác BVTV tại địa phương, từ đó họ tổ chức tập huấn cho nông dân trên địa bàn phụ trách.
Phải chăng việc sáp nhập các Trạm BVTV huyện thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã làm suy yếu hệ thống của ngành BVTV?
Khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực đã quy định các Cục và Chi cục là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Trong đó cũng quy định người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên từ đây lực lượng giảm mạnh.
Ngay cả ở Cục BVTV, Phòng Thanh tra, Pháp chế cũng chỉ có 7 người mà phạm vi quản lý cả nước. Chúng tôi vừa thực hiện công tác pháp chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu, hướng dẫn, tuyên tuyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật vừa thanh tra, kiểm tra.
Ở các địa phương cũng vậy, Chi cục Phó hoặc Chi cục trưởng phụ trách mảng thanh tra nhưng Phòng thanh tra cũng chỉ có 1 - 2 người, còn thanh tra sở vừa hành chính vừa chuyên ngành, nguồn nhân lực cũng rất hạn chế mà phụ trách nhiều mảng, lĩnh vực chứ không chỉ có thuốc BVTV.
Theo quy định, các Chi cục Trồng trọt và BVTV có phòng thanh tra chuyên ngành tuy nhiên cho đến nay nơi có, nơi không.
Vừa qua, một số tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi các Trạm BVTV huyện thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp do vậy rất khó khăn cho công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo sản xuất cũng như quản lý vật tư nông nghiệp. Nguồn lực về con người đã vậy, nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các đoàn kiểm tra cũng rất hạn chế.
Điều 26 của Nghị định số 31 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:
Sử dụng thuốc BVTV không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc (ví dụ trong hướng dẫn sử dụng không có sử dụng trên cây rau mà mang ra dùng trên rau); Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng thuốc BVTV không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (thuốc lậu).
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc BVTV không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.
Trách nhiệm của Trưởng thôn, Chủ tịch xã ra sao nếu để xảy ra tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc lậu?
Chúng tôi rất muốn mỗi xã có một cán bộ BVTV với nhiệm vụ: Tham mưu lập kế hoạch và đề xuất việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch về trồng trọt và BVTV trên địa bàn xã; Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về trồng trọt, BVTV; Điều tra phát hiện, dự tính dự báo và theo dõi diễn biến sâu bệnh phát sinh trên các loại cây trồng tại địa phương theo chỉ đạo của Trạm BVTV huyện và đề xuất phương án tổ chức phòng trừ khi có dịch sâu bệnh xảy ra; Hướng dẫn HTX, hộ nông dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch sâu bệnh có hiệu quả và bảo vệ môi trường; Giúp Chủ tịch UBND xã kiểm tra các hoạt động kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV...
Tuy nhiên do nguồn lực, kinh phí nên đến nay chưa có cán bộ BVTV cấp xã nên rất cần sự vào cuộc của chính quyền xã để kiểm tra, kiểm soát thuốc BVTV nói riêng, vật tư nông nghiệp nói chung và đặc biệt là an toàn thực phẩm. Bởi UBND huyện thì xa còn Trạm BVTV huyện thì đã chuyển sang cơ chế hoạt động dịch vụ.
Ý thức của dân và ý thức của quan chức
Nói về chuyện ý thức cũng khó bởi gốc rễ của vấn đề là nông nghiệp của ta manh mún với hơn 9,3 triệu hộ làm nông, mấy chục triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đặc biệt là ở miền Bắc. Nếu bị người khác tố là phun thuốc lậu, phun quá liều cũng chẳng sao, không ai phạt cũng không ảnh hưởng mấy đến việc bán nông sản của mình?
Không phải là tất cả nhưng ý thức tuân thủ pháp luật của người nông dân còn hạn chế. Họ chỉ biết dùng thuốc này hiệu quả nhưng không biết rằng đó là vi phạm pháp luật.
Ý thức ở đây phải nói đến nữa là của đại lý bán thuốc và cả trách nhiệm của cán bộ quản lý địa bàn. Bởi nông nghiệp ta manh mún như thế nên vai trò tuyên truyền, phổ biến kiến thức vẫn phải đặt lên hàng đầu để làm sao thay đổi nhận thức về cơ bản của người dân.
Không có một lực lượng nào đủ để hàng ngày theo sát các đại lý thuốc BVTV, nhà nông dân hay giám sát trên cánh đồng để phát hiện họ buôn bán, sử dụng hàng lậu mà bắt cả. Có khi trong giờ hành chính nông dân lại không phun thuốc bởi phun vào sáng sớm hay chiều tối mới có tác dụng.
Tôi được nghe nói cơ quan chức năng sợ nhất chuyện thu giữ thuốc BVTV lậu bởi chất đống trong kho bao nhiêu năm nhưng không tiêu hủy được vì khó và tốn tiền nên về sau nảy sinh tâm lý ngại bắt?
Cái này đã quy định trong Luật, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo UBND cấp huyện thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ tại địa phương còn đối tượng nào buôn lậu, phải bỏ kinh phí để tiêu hủy. Trong những năm qua Cục BVTV cũng đã đứng ra tổ chức tiếp nhận thuốc từ các lực lượng chức năng và các địa phương thu giữ để thực hiện việc tiêu hủy theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn ông!