| Hotline: 0983.970.780

Tuần văn hóa du lịch Điện Biên tại Thanh Hóa: Mạch nguồn tri ân

Thứ Tư 24/01/2024 , 08:58 (GMT+7)

'Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó'.

Đó là một trong những đánh giá về những đóng góp của quân và dân tỉnh Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong lần Người về thăm Thanh Hóa.

Sẻ chia, kết nối quá khứ - hiện tại

Trong hành trình đi lên phía trước cùng dân tộc, Thanh Hóa có vị trí địa chính trị quan trọng, là phên dậu của Tổ quốc. Là địa phương, đất rộng, người đông đứng thứ 3 cả nước, Thanh Hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và khách du lịch trong và ngoài nước.  

Sự kiện tuần văn hóa du lịch Điện Biên - Thanh Hóa lần đầu tiên được tổ chức tại Thanh Hóa với quy mô lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của hai địa phương. Đây không chỉ là sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn là dịp nhắc nhớ cho thế hệ sau về những đóng góp, hy sinh của các thế cha anh. Đây cũng là dịp “ôn cố tri tân”, sẻ chia, kết nối quá khứ - hiện tại hướng tới tương lai của hai địa phương từng một thời máu lửa gian truân.

Phong tục, tập quán, không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc Điện Biên được tái hiện tại tuần văn hóa du lịch Điện Biên - Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Phong tục, tập quán, không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc Điện Biên được tái hiện tại tuần văn hóa du lịch Điện Biên - Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật ghi dấu những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Trong số những hiện vật góp phần làm nổi bật hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phải kể đến chiếc “Xe cút kít” của ông Trịnh Đình Bầm.

Ông Bầm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Phú, xã Định Liên, huyện Yên Định. Cuối năm 1953, thực hiện kế hoạch của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa về việc chi viện sức người, sức của cho chiến dịch, ông Trịnh Đình Bầm cũng như bao người con Thanh Hóa đã hăng hái lao động sản xuất, góp gạo nuôi quân, đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vì gia đình nghèo không có phương tiện đi lại, vận chuyển lương thực, nhưng với tinh thần hết lòng cho tiền tuyến, ông Bầm đã tự tay đóng xe cút kít hình chữ A. Để có gỗ chắc làm xe, ông đã lấy bàn thờ gia đình chế tác thành bánh xe. Xe có chiều dài 206cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre. Bánh xe có đường kính 75cm.

Trong thời gian phục vụ chiến dịch, ông Bầm đã nâng mức vận chuyển bằng xe cút kít từ 100kg lên 280 kg. Suốt 4 tháng, cứ 3 ngày 1 chuyến với quãng đường dài hơn 20 km ông Bầm đã vận chuyển được gần 12 nghìn kg lương thực đến điểm tập kết của tỉnh, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích trên ông đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng Bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh tư liệu chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm. 

Ảnh tư liệu chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm. 

Theo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm là hiện vật hết sức độc đáo, tiêu biểu, minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

Hiện tại, chiếc xe cút kít nguyên bản của ông Trịnh Đình Bầm được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cùng với những phương tiện vận chuyển khác trong bảo tàng để giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa biết thêm về tinh thần, nghị lực của dân công bộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

“Thanh Hóa - Điện Biên”, tuy hai mà một

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một địa bàn chiến lược, căn cứ địa quan trọng, hậu phương lớn, huy động cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch. Trong 3 năm (1952-1954) tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 15 nghìn thanh niên xung phong thực hiện mở 176km đường (từ cầu Chuối huyện Nông Cống đến Vạn Mai, tỉnh Hòa Bình) hoàn toàn bằng thủ công.

Chỉ tính trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã bổ sung 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Huy động hơn 1 triệu lượt người đi dân công dài hạn và ngắn hạn; 11 nghìn xe đạp thồ; hơn 1,1 nghìn thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò và xe cút kít; cung cấp 4,5 nghìn tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2 nghìn con lợn; 350 con trâu và hàng trăm tấn rau, đậu, cá khô, phục vụ tiền tuyến… Với tiền tuyến Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người sức của cho chiến dịch.

Tư liệu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại tuần văn hóa du lịch Điện Biên - Thanh Hóa.

Tư liệu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại tuần văn hóa du lịch Điện Biên - Thanh Hóa.

Tinh thần xả thân chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ để lại những biểu tượng tốt đẹp, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiêu biểu phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 24 cán bộ, chiến sỹ thanh niên xung phong Thanh Hóa trong trận chiến đấu bảo vệ nút giao thông ngã ba Cò Nòi (Sơn La).

Đó là hình ảnh liệt sỹ Tô Vĩnh Diện (Tiểu đội trưởng Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, quê xã Nông Trường, Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn) đã lấy chính cơ thể mình chèn vào càng pháo, ghìm giữ không cho khẩu pháo cao xạ 37mm bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; hình ảnh ông Đào Văn Hiếu (Nga Sơn) một trong năm chiến sỹ đầu tiên xông vào hầm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống tướng De Castries…

Xe đạp thồ được sử dụng làm phương tiện chính vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ. Ảnh: Quốc Toản.

Xe đạp thồ được sử dụng làm phương tiện chính vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ. Ảnh: Quốc Toản.

Tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt một lần nữa được tái hiện qua Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tại tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Đây là hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và tổ chức "Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên năm 2024".

Sự kiện góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh Thanh Hóa - Điện Biên; đồng thời quảng bá những nét đẹp về con người, thiên nhiên, văn hóa của các dân tộc tỉnh của hai địa phương cùng những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của hai tỉnh.

Trong khuôn khổ diễn ra tuần văn hóa, du lịch Điện Biên - Thanh Hóa, UBND hai tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tại Thanh Hóa, năm 2024.

Cách vẽ trang trí quần áo bằng sáp ong của người phụ nữ Tủa Chùa (Điện Biên).

Cách vẽ trang trí quần áo bằng sáp ong của người phụ nữ Tủa Chùa (Điện Biên).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu về tiềm năng phát triển, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh Điện Biên đến các cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời giới thiệu Chương trình Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024.

Đây cũng chính là cơ hội để các đơn vị, địa phương của 2 tỉnh giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và trao đổi hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới. Từ đó tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 2 tỉnh, tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh trao đổi thông tin, phát triển thị trường.

Còn theo ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các sự kiện thiết thực chào mừng “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ”.

Ông Tùng nói, Thanh Hóa với dân số đứng thứ 3 cả nước, là dư địa rất lớn để du lịch Điện Biên có thể thu hút người dân Thanh Hóa bằng những sắc thái riêng có, khác biệt. Chính vì vậy, thông qua hội nghị và những hoạt động tiếp theo của tỉnh Điện Biên sẽ giúp người dân xứ Thanh hiểu hơn về tiềm năng, thế mạnh và những sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng của Điện Biên.

Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác, giai đoạn 2024-2026. Với các nội dung trọng tâm gồm: Hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tào, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa và Điện Biên có nét tương đồng về văn hóa, lịch sử (cộng đồng các dân tộc thiểu số; các di sản được công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều điểm du lịch nổi tiếng...). Bên cạnh đó, 2 địa phương là nơi có truyền thống cách mạng, cộng đồng cư dân đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Đây không chỉ là sợi dây kết nối du lịch giữa hai tỉnh mà còn góp phần vào quá trình lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử hào hùng của 2 vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm