| Hotline: 0983.970.780

Tục ăn Tết lại ở Sóc Sơn

Thứ Hai 24/02/2014 , 10:41 (GMT+7)

Hằng năm, cứ vào ngày mồng 4 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch, bà con các xã thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tưng bừng tổ chức ăn Tết lại với nhiều phong tục đặc sắc.

Hằng năm, cứ vào ngày mồng 4 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch, bà con các xã thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tưng bừng tổ chức ăn Tết lại với nhiều phong tục đặc sắc.

Trong cái se lạnh của ngày đầu tháng Giêng, khắp các ngõ thuộc thôn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân) rộn ràng tiếng cười nói, tiếng giã bột, tiếng người đi trẩy hội bên Bờ Bến. Mặc dù, hoa đào, mai, quất đã phai sắc nhưng không khí Tết lại vẫn ấm cúng.

Ở các khu chợ như: Đông Xuân, Phù Lỗ, chợ Núi… tấp nập người buôn, kẻ bán. Ngoài các thực phẩm rau, thịt, trứng, cá…, chợ còn đông đúc hơn bởi các hàng hoa, lá dong, lạt tre và các đặc sản riêng có của Tết lại như: bánh tẻ, bánh gio (tro), bánh gai.



Những trò chơi dân gian trong ngày Tết lại

Về thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Đức Hòa ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ ngày 22 âm lịch, chúng tôi thấy không khí của ngày Tết lại thậm chí còn rộn ràng, nhộn nhịp hơn cả những ngày Tết Nguyên đán.

Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân vẫn gói bánh chưng, làm giò bó, chuẩn bị nhiều món ăn để mời mọc bạn bè, anh em. “Gia đình chúng tôi năm nào cũng làm hơn chục mâm cỗ để mời bà con làng xóm, anh em. Cả năm được ngày Tết lại là dịp để mọi người gặp gỡ và bàn chuyện làm ăn trong năm mới”, anh Lê Đình Ngọc, thôn Xuân Kỳ cho hay.

Hỏi về nguồn gốc của tục Tết lại, hầu như rất ít người biết. Người dân từ khi sinh ra đã biết có tục ăn Tết lại, và dần coi đó là cái lệ của làng nên cũng chẳng mấy ai thắc mắc. Nhưng theo lời kể của cụ Đỗ Thị Đức (82 tuổi, thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân), tục ăn Tết lại bắt nguồn từ sự kiện vua Quang Trung giải phóng kinh thành Thăng Long.


Vui xuân qua các điệu hát quan họ

Việc phải hành quân đánh giặc đúng dịp Tết khiến người dân phải đi sơ tán và các binh sĩ không được hưởng một cái Tết trọn vẹn. Vì vậy, ngay sau khi giải phóng thành Thăng Long và người dân ổn định lại cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn.

Còn khi hỏi về lý do tại sao mỗi làng có một ngày Tết lại khác nhau mà không phải tất cả cùng ăn Tết lại một ngày thì cụ Đức cũng lắc đầu, vì cụ cũng chỉ nghe các cụ đời trước kể lại vậy thôi.

Sau khi ăn uống, chúc tụng nhau xong, mọi người đều kéo ra đình làng để tham gia vào các trò chơi dân gian như: chọi gà, đu quay, đập niêu, úp chậu… Đặc biệt, bên bờ sông thuộc Bờ Bến (thôn Xuân Kỳ), người dân ngồi chật hai bên bờ để nghe hát quan họ.

Năm nào cũng vậy, các gánh quan họ từ Bắc Ninh cũng sang giao lưu cùng bà con Đông Xuân đón Tết lại. Các liền anh, liền chị say sưa trong các điệu: mời nước mời trầu, hoa thơm bướm lượn, lúng liếng lóng lánh… cầu vui và may mắn trong năm mới.

Ông Lê Văn Trúc, Trưởng thôn Xuân Kỳ, cho biết: “Tục ăn Tết lại trước kia diễn ra ở các làng quê vùng ngoại thành Hà Nội nhưng đến nay chỉ còn 1 số địa phương ở Sóc Sơn còn gìn giữ tục lệ này. Những hoạt động văn hóa trong ngày lễ Tết lại không chỉ để mua vui cho bà con mà còn là dịp để bảo lưu những nét truyền thống, ôn lại những chiến tích của cha ông cho lớp trẻ biết và gìn giữ”.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.