Bất cứ ai đi qua xã Phạm Kha, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên bởi vùng rau màu ở đây luôn bốn mùa tươi tốt như chưa từng được thu hoạch. Những cánh đồng rau xanh mướt trải dài hết tầm mắt. Nhiều nhất là các loại rau gia vị, trải rộng hai bên dòng kênh xanh mát được điểm xuyết bởi các lều trại nhỏ nhắn của người dân.
Để có được một màu xanh đó phải nhắc đến mô hình tưới nước tự động được đầu tư xây dựng đầu năm 2016. Từ khi đi vào hoạt động, mô hình này đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp địa phương.
Men theo những tuyến kênh mương được bê tông kiên cố là những mảnh ruộng rau màu xanh mướt. Ông Nguyễn Đức Cách vừa gánh những gầu nước vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Xây dựng nông thôn mới, chúng tôi phấn khởi lắm các chú ạ. Tất cả bà con trong xã có được những công trình kênh mương nội đồng như ngày hôm nay là nhờ nông thôn mới”.
Theo ông Cách, từ ngày có hệ thống tưới nước tự động bà con ai cũng đều quý trọng từng mét đất, trên cánh đồng rau này hầu như không có chỗ để cho cỏ mọc. Công việc chăm sóc rau màu vất vả nhất vẫn là khâu tưới dưỡng hằng ngày, từ khi lắp hệ thống tưới nước tự động người dân gần như không phải mất sức vào việc chăm sóc rau.
Những gánh nước hôm nay chỉ còn dành để phục vụ cho một số loại cây trồng đặc hữu. Còn mọi hoạt động tưới tiêu trên cánh đồng rau màu rộng lớn đều được bà con nông dân gửi gắm qua những vòi tưới tự động, tiết kiệm nước. Việc lắp đặt được tính toán, thiết kế, bố trí một cách ngay ngắn, khoa học, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất cho đất và cây trồng.
Nếu như trước đây, để tưới 5 sào hoa màu thì gia đình ông Định phải cần từ 5 đến 7 lao động, giờ đây chỉ cần 2 lao động là đảm bảo vận hành tưới tiêu cho tất cả các diện tích hoa màu, vừa cắt giảm nhân lực vừa tiết kiệm được chi phí, người dân lợi đơn lợi kép.
Ông Nguyễn Văn Định chia sẻ: “Trước đây chúng tôi tưới rất vất vả, nhiều nhà bỏ hoang cả ruộng đất vì cứ trồng là rau màu bị nhiễm bệnh, trồng cây gì cũng không thể phát triển được, nhờ có nông thôn mới mà người dân chúng tôi được cấp nước sạch để tưới, cây cối lên tốt tươi, nhiều nhà bán không xuể”.
Xã Phạm Kha hiện có hơn 288ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 162ha là sản xuất chuyên canh hoa màu. Hiện nay số hộ trồng rau màu là hơn 2.000 hộ thì có tới trên 90% hộ dân được tiếp cận hệ thống tưới nước tự động.
Vụ thu đông này niềm vui phấn khởi đến với bà con nông dân xã Phạm Kha khi thu nhập từ những cánh đồng rau màu gấp từ 2,5 lần so với vụ hè thu, giá trị sản xuất từ 400 đến 450 triệu đồng trên 1ha, những con số có thể là không tưởng đối với người nông dân trước kia.
Theo các hộ dân trồng rau tại đây, việc áp dựng hệ thống tưới nước tự động đã giúp cho môi trường nông thôn trong lành, tạo động lực cho phát triển bền vững của những cánh đồng rau xanh mát.
Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng thôn Đỗ Hạ, bà Nguyễn Thị Nguyệt phấn khởi cho biết, làm việc trên cánh đồng này chủ yếu là những người già, từ ngày có hệ thống tưới tự động, nhiều người còn thuê thêm ruộng, trồng rau, vươn lên làm giàu. Mỗi năm người dân sẽ thu hoạch được 5 - 6 vụ, giá trị sản xuất từ 400 đến 450 triệu đồng trên 1ha rau màu.
“Trước kia, mỗi lần tưới bốn sào rau bằng máy bơm phải mất hơn 2 giờ, nếu tưới thủ công thì phải mất hơn 8 giờ. Nay thì chỉ cần đóng cầu dao điện chừng 10 phút là hoàn thành việc tưới, độ ẩm đất đồng đều và rất tiết kiệm nước”, bà Nguyệt chia sẻ.
Là một huyện thuần nông ở tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Miện có tổng diện tích gieo trồng hàng năm là 16.100 ha, diện tích trồng cây rau màu, cây vụ đông hàng năm đạt 1.500 - 1.600ha. Trong những năm gần đây, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên địa bàn toàn huyện hiện nay đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp.
Ông Vũ Văn Hán - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Kha hồ hởi khoe: “Từ khi triển khai việc lắp đường ống nước về từng thửa ruộng của từng hộ gia đình đến nay, nhân dân trong thôn làm ruộng nhàn, hiệu quả cao".
Hệ thống cấp nước theo công nghệ tiên tiến được vận hành theo quy trình: Nước được bơm lên từ trạm bơm đặt cùng trong trạm bơm do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, đẩy vào đường trục chính rồi truyền vào các đường ống nhánh về từng thửa ruộng. Nông dân chủ động việc tưới bằng cách đóng mở các van đầu đường ống tại mỗi thửa ruộng.
Theo ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, việc đưa công nghệ tưới tự động vào sản xuất có giá thành thấp hơn kiên cố hóa kênh mương, tiết kiệm nước tưới, rất phù hợp với trồng cây rau màu.
“Việc xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã đem lại rất nhiều quyền lợi cho người dân, trong thời gian tới huyện Thanh Miện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về xây dựng nông thôn mới và sẽ duy trì chất lượng của nông thôn mới để có thể nâng cao chất lượng ở các tiêu chí”, ông Cúc chia sẻ.
Qua mô hình tưới nước tự đồng này đã cho thấy nhân dân rất đồng tình và hưởng ứng, mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc tưới được chủ động, năng suất sản lượng rau màu cao hơn so với tưới theo cách thông thường, nó còn giúp tiết kiệm được nguồn nước và bảo vệ môi trường nông thôn.
Nhờ những cánh đồng rau màu luôn xanh tốt mà đời sống nhân dân xã Phạm Kha được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 60 triệu đồng, phố xá, nhà cửa, xe cộ, nông thôn mới được xây dựng chủ yếu nhờ những cánh đồng màu. Mô hình tưới nước tự động được đầu tư từ xây dựng nông thôn mới đã góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở vùng đất thuần nông Phạm Kha.