Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Công ty Rijk Zwaan Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với chủ đề "Xu hướng xà lách thủy canh tại Việt Nam". Hội thảo diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp Công ty Rijk Zwaan Việt Nam, người dân và các doanh nghiệp trồng rau xà lách thủy canh ở Lâm Đồng.
Rijk Zwaan được biết đến là đơn vị đầu tiên phát triển công nghệ trồng xà lách thủy canh ở Việt Nam. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thử nghiệm và phát triển các loại xà lách mới thành công đã hình thành một ngành canh tác mới trong nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và ở Lâm đồng nói riêng.
“Hội thảo là dịp để công ty tri ân đến bà con nông dân, khách hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua . Trong dịp này, công ty cũng cập nhật tới các nhà vườn các xu hướng công nghệ mới về trồng xà lách thủy canh trên thế giới cũng như giới thiệu những sản phẩm mới mà công ty đã nghiên cứu, chọn tạo đến bà con nông dân và khách hàng trong thời gian tới”, ông Đặng Văn Niên, Tổng Giám đốc Công ty Rijk Zwaan Việt Nam cho biết.
Theo Rijk Zwaan Việt Nam, hiện nay, diện tích rau xà lách thủy canh ở Việt Nam ngày càng được mở rộng bởi chất lượng sản phẩm tốt cho người tiêu dùng và hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Cùng với đó, nhu cầu về kiến thức kỹ thuật cũng như giải đáp các vấn đề gặp phải trong quá trình trồng trọt cho người trồng kịp thời là mục tiêu của Rijkzwaan.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng đó, Rijk Zwaan Việt Nam đã cho ra mắt khóa học trực tuyến về canh tác xà lách thủy canh trong nhà màng để phổ biến rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp có thể học hỏi một cách nhanh và thuận tiện nhất.
Ông Marco Moor, chuyên gia lai tạo giống xà lách của Rijk Zwaan cho biết, hiện nay, xu hướng ở các nước châu Âu và thế giới trong sản xuất xà lách là áp dụng công nghệ tiên tiến từ trồng thủy canh trong nhà màng công nghệ cao, sử dụng các loại giống xà lách mới đáp ứng cho mục đích chế biến cũng như đa dạng sản phẩm. Xu thế đó đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở các quốc gia tiên tiến và Việt Nam cũng sẽ phát triển theo xu hướng đó trong tương lai gần.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra những giống có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết và có khả năng chống chịu các loại bệnh hại tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắc nghiệt của sản xuất. Việc tạo ra các giống mới tốt hơn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho người trồng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và lĩnh vực sản xuất xà lách thủy canh sẽ ngày càng mở rộng hơn”, ông Marco Moor nói và cho biết thêm, Rijk Zwaan sẽ chọn tạo, phát triển những loại giống tốt để đáp ứng nhu cầu của người trồng cũng như người tiêu dùng ở Việt Nam và bằng chứng là giống xà lách thủy tinh Lalique RZ, xà lách salanova. Những giống xà lách này đã và đang tạo sự khác biệt cho nông sản Việt cũng như mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người trồng.
Tại Lâm Đồng, các giống xà lách của Rijk Zwaan Việt Nam được người dân, doanh nghiệp đưa vào sản xuất thủy canh và đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty LangbiangFarm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ, Công ty phát triển 3ha xà lách thủy canh và nhờ sự kết hợp quy trình canh tác khoa học, tối ưu diện tích nên năng suất đạt được khoảng 400 tấn/ha/năm.
Ông nhận xét: “Giống xà lách thủy canh của Rijk Zwaan có tính kháng bệnh tốt, năng suất cao, sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường. Cùng với việc cung cấp giống, Rijk Zwaan cũng đồng hành với chúng tôi từ khâu đầu tiên trong sản xuất cho đến khâu cuối cùng là kết nối thị trường tiêu thụ. Họ đã giới thiệu cho chúng tôi những đối tác trong nước, đối tác nước ngoài để xuất khẩu”.
Cũng theo ông Trần Huy Đường, việc xây dựng mô hình rau xà lách thủy canh có nhiều lợi thế. Trong đó năng suất tăng cao, chất lượng sản phẩm tốt và mỗi năm có thể trồng liên tiếp lên đến 10 vụ. Mô hình xà lách thủy canh giúp trang trại kiểm soát tốt về chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, các sản phẩm rau xà lách thủy canh của LangbiangFarm đang được tiêu thụ bởi các đối tác lớn trong nước, các hệ thống siêu thị và xuất khẩu qua Hàn Quốc, Singapore và sắp tới là xuất khẩu sang Nhật Bản.