Một số ý kiến cho rằng làm du lịch kiểu ngoại lai sẽ làm mai một, hỏng bản sắc văn hoá các dân tộc tại Sa Pa. Đặc biệt, là các bức tượng bán thân to lớn đang phá vẻ đẹp tự nhiên của Sa Pa.
Liên quan tượng Elsa ở Sa Pa, ông Đỗ Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, sau khi thị xã nhận được thông tin trên, ông đã lên trực tiếp đến hiện trường kiểm tra hiện trạng và giao UBND phường Phan Si Păng chủ trì phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự đô thị kiểm tra để xử lý công trình xây dựng trên.
Kết quả kiểm tra ban đầu, Công ty Cổ phần đầu tư An SaPa Queen vận chuyển tượng dạng tượng đúc sẵn, không phải xây dựng tại chỗ, mang về và cho đặt trên mái tầng 2 của khu nhà cũ. Bức tượng cao khoảng 3m, bề rộng tuyệt đối khoảng 3m.
Hiện nay, UBND phường Phan Si Păng đã thực hiện lập biên bản, tạm dừng mọi hoạt động của công ty này tại tổ 4, phường Phan Si Păng và mời giám đốc công ty đến trụ sở UBND phường để làm việc, quán triệt, thông tin, tuyên truyền đến chủ cơ sở về chủ trương, quy định liên quan đến điểm check-in. Đồng thời thị xã Sa Pa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn đối chiếu các quy định tham mưu cho UBND thị xã xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Hồi tháng 4 vừa qua, tại điểm check-in An SaPa, cơ sở này đã xây dựng bức tượng nữ thần tự do bán thân "phiên bản lỗi". Sau đó, các cơ quan chức năng đã vào kiểm tra, lập biên bản xử lý. Bức tượng Elsa ở Sa Pa mới được lắp đặt cũng nằm trong khu vực này, không phải điểm phát sinh mới.
Thực tế, các điểm check-in cũng mang lại luồng sinh khí mới cho du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, thời điểm này, khi các điểm check-in ở Sa Pa nở rộ thì việc có các hướng dẫn, quy định cụ thể cho các cơ sở xây dựng điểm check-in là hết sức cần thiết. Song cũng phải lưu ý rằng việc thắt chặt quản lý tới mức cứng nhắc có thể làm giảm tính sáng tạo trong các dịch vụ du lịch, điểm check-in.
Được biết, đầu tháng 7, Tổng Cục Du lịch (Bộ VH-TTDL) đã có văn bản gửi Sở VH-TTDL tỉnh Lào Cai về việc quản lý hoạt động du lịch tại điểm chưa được công nhận điểm du lịch. Theo đó, đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về du lịch, còn phải tuân thủ pháp luật có liên quan như môi trường, di sản văn hóa, đất đai, tài nguyên nước, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy... Như vậy, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có thể chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.
Luật Du lịch không cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa điểm khi chưa được công nhận là điểm du lịch. Tuy nhiên, việc kinh doanh tại địa điểm đó phải đáp ứng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, du lịch và pháp luật có liên quan tùy thuộc vào loại hình kinh doanh (lữ hành, lưu trú, vận tải, dịch vụ khác...).
Do đó, Sa Pa đang giao cho Phòng Văn hoá và Thông tin xây dựng quy chế quản lý điểm check-in tạm thời trong khi chờ hướng dẫn của tỉnh Lào Cai.
Ông Tân cho biết, "quy chế phải làm sao để quản lý, tránh việc tự phát xây dựng điểm check-in, xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng. Việc xây dựng còn phải đảm bảo yếu tố kết cấu, an toàn trong xây dựng, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự khi đón khách, không để hưởng cảnh quan chung của Sa Pa... Từ đó có cơ sở, hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn, để có thể khai thác có hiệu quả điểm check-in và làm phong phú thêm cho du lịch Sa Pa".
Hiện UBND thị xã Sa Pa đã giao cho các cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ việc này không để khi các công trình xây dựng lên khiến dư luận thấy rằng không phù hợp thuần phong mỹ tục, mỹ quan, văn hoá bản địa và thế giới...